| Hotline: 0983.970.780

Hệ quả từ những nghị quyết mĩ miều câu chữ

[Bài 3]: Xóa dễ, khôi phục cực khó

Thứ Sáu 28/07/2023 , 06:00 (GMT+7)

Việc xóa bỏ hệ thống thú y, bảo vệ thực vật cấp huyện được Hà Tĩnh thực hiện rất nhanh, nhưng nay muốn khôi phục lại gặp muôn vàn khó khăn do vướng đủ thứ.

Việc kiện toàn lại lực lượng thú y theo ngành dọc là cấp bách, đúng luật và phù hợp thực tiễn. Ảnh: Việt Khánh.

Việc kiện toàn lại lực lượng thú y theo ngành dọc là cấp bách, đúng luật và phù hợp thực tiễn. Ảnh: Việt Khánh.

Kết quả sau sáp nhập đã phơi bày

Là người có 36 năm gắn bó lĩnh vực thú y cơ sở, ông Đoàn Minh Lương, nguyên Trạm trưởng Trạm Thú y các huyện Đức Thọ và Can Lộc cho hay, thời điểm thực hiện chủ trương sáp nhập năm 2012, bản thân ông nhiều lần có ý kiến với tỉnh cảnh báo những bất cập có thể phát sinh sau khi thú y mất đi “chân rết”. Và thực tế hoạt động của lực lượng này ở cấp huyện, cấp xã sau sáp nhập hạn chế như thế nào đến nay chúng ta đã thấy rõ.

Bài liên quan

"Trước đây quy trình xin cấp vacxin tiêm phòng chỉ mất một công đoạn từ Trạm Chăn nuôi - Thú y lên Chi cục Chăn nuôi - Thú y nên tổ chức tiêm kịp thời. Còn bây giờ, phải qua 3 - 4 khâu, từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi đến phòng nông nghiệp, lên Phó Chủ tịch huyện phụ trách đến Chủ tịch huyện rồi mới tới được Chi cục. Kéo dài quy trình như vậy nên tốc độ tiêm phòng sẽ chậm đi ít nhất 5 - 7 ngày, tùy từng địa phương", ông Lương nói.

Theo ông, sau sáp nhập, tiếng nói của người làm chuyên môn thú y rệu rã, không còn được quan tâm. Cán bộ thú y cấp xã thiếu và không có chuyên môn nên tổng đàn gia súc, gia cầm nhiều khi không nắm được. Bên cạnh đó, trâu, bò, lợn bị bệnh gì cũng không thể chẩn đoán, từ đó chậm trễ trong tham mưu, tổ chức chống dịch.

"Thực tiễn đã phơi bày những lỗ hổng sau khi sáp nhập thú y vào Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện. Bây giờ tỉnh cần đưa lực lượng này về hoạt động theo ngành dọc để đúng với Luật Thú y và thời cuộc", ông Lương kiến nghị.

Đồng quan điểm, một cán bộ thú y huyện Lộc Hà nói: “Việc kiện toàn lại thú y cấp huyện, xã đưa về ngành dọc là cấp bách và cần thiết. Đến lúc đó, nếu dịch bệnh nguy hiểm xảy ra, lực lượng chuyên môn giữa các huyện, xã có thể điều động hỗ trợ nhau dập dịch kịp thời”.

Theo ông Trần Hùng, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét, phối hợp tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Trần Hùng, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị Sở Nội vụ xem xét, phối hợp tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, thông lệ quốc tế, đặc biệt là khuyến cáo của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nêu rất rõ, hệ thống thú y các nước cần được thiết lập và duy trì xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y.

Hệ thống thú y các cấp là yêu cầu quan trọng, cần thiết để chứng minh cho các đối tác thương mại về năng lực kiểm soát tốt các loại dịch bệnh động vật, kiểm soát an toàn thực phẩm và tuân thủ các quy định của quốc tế trong quá trình sản xuất, xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Bài liên quan

Hơn nữa, thú y là ngành kỹ thuật chuyên sâu được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, quyết định thành lập ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công. Từ năm 1945 đến nay, cùng với phát triển của đất nước, ngành thú y (bao gồm Cục Thú y ở Trung ương, Chi cục Thú y ở cấp tỉnh, Trạm Thú y ở cấp huyện và Ban Thú y cấp xã) luôn được duy trì, quy định rất rõ và cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật, điển hình như: Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, Pháp lệnh Thú y năm 1993 và 2004, Luật Thú y năm 2015…

“Trước mắt đề nghị Sở Nội vụ xem xét, phối hợp sớm tham mưu UBND tỉnh báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo quy định tại điều 6 của Luật Thú y”, trích văn bản kiến nghị của Sở NN-PTNT.

Đi mắc núi trở lại mắc sông

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành các văn bản tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW, trong đó có nội dung: “Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở theo Luật Thú y và các quy định hiện hành”.

Tuy nhiên, quá trình rà soát, tham mưu chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi - Thú y (Sở NN-PTNT) đang gặp phải một số bất cập không khác gì "đi mắc núi trở lại mắc sông".

Khi kiện toàn lại, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực thú y, BVTV sẽ tạo tính đồng bộ và kịp thời. Ảnh: Việt Khánh.

Khi kiện toàn lại, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực thú y, BVTV sẽ tạo tính đồng bộ và kịp thời. Ảnh: Việt Khánh.

Cụ thể, từ năm 2012, Hà Tĩnh chuyển Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi - Thú y về Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi cấp huyện, là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện. Cơ cấu tổ chức của Trung tâm này có Trạm Thú y và đội ngũ làm nhiệm vụ tại trạm là viên chức.

Theo quy định của Luật Thú y và Nghị định 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ thì Trạm Thú y là tổ chức hành chính nên phải bố trí biên chế công chức. Trường hợp chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi (biên chế viên chức) về Chi cục Chăn nuôi - Thú y (biên chế công chức) không thể thực hiện việc tiếp nhận số viên chức hiện đang làm nhiệm vụ tại các Trạm Thú y của Trung tâm vào làm công chức của Chi cục Chăn nuôi - Thú y do hiện nay Chi cục đã bố trí đủ số lượng công chức theo biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

Thứ hai, thực hiện các Kết luận, Quyết định của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện giảm 113 biên chế công chức so với năm 2021. Vì vậy, với số lượng biên chế được Trung ương giao cho Hà Tĩnh hiện nay việc giao bổ sung biên chế công chức cho các Trạm Thú y khi chuyển về Chi cục Chăn nuôi - Thú y không thực hiện được.

Tỉnh Hà Tĩnh đang gặp phải nhiều vướng mắc trong việc chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi về Chi cục Chăn nuôi - Thú y. Ảnh: Thanh Nga.

Tỉnh Hà Tĩnh đang gặp phải nhiều vướng mắc trong việc chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi về Chi cục Chăn nuôi - Thú y. Ảnh: Thanh Nga.

"Việc bố trí nhân lực làm nhiệm vụ tại các Trạm Thú y cấp huyện có nhất thiết bố trí biên chế công chức không? Trong trường hợp phải bố trí biên chế công chức nhưng tỉnh không có nguồn biên chế công chức để giao bổ sung thì hướng xử lý thế nào?

Trường hợp được bố trí biên chế viên chức làm nhiệm vụ tại các Trạm Thú y cấp huyện thì trạm (sau khi chuyển về Chi cục Chăn nuôi - Thú y) được xác định là tổ chức tương đương phòng thuộc chi cục hay đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Chi cục?

Nếu Trạm Thú y được xác định là tổ chức tương đương phòng thuộc Chi cục số lượng biên chế tối thiểu bố trí cho trạm được xác định theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ hay theo Nghị định 120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ?

Trường hợp Trạm Thú y được xác định là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc chi cục thì việc thành lập có phải theo đúng điều kiện, tiêu chí, trình tự thành lập đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định  120/2020/NĐ-CP ngày 7/10/2020 của Chính phủ không?

Trong trường hợp này sẽ gặp khó khăn vì phải thực hiện đúng nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 120: “Các đơn  vị sự nghiệp được thành lập mới (kể cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đơn vị sự nghiệp công lập) phải tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu”, trích văn bản xin ý kiến Bộ Nội vụ, Bộ NN-PTNT của Sở Nội vụ Hà Tĩnh về phương án kiện toàn lại lực lượng thú y.

Như vậy, việc kiện toàn lại hệ thống thú y cấp huyện sẽ “đảm bảo đủ 3 cấp theo Luật Thú y” nhưng hiện mỗi nơi làm mỗi kiểu, không tỉnh nào giống tỉnh nào. Thiết nghĩ, Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể, đồng nhất giúp các địa phương có căn cứ thực hiện đồng bộ, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của lực lượng này.

Xem thêm
Tái đàn heo theo hướng tập trung và an toàn sinh học

ĐỒNG THÁP Huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đang tập trung phát triển ngành nuôi heo tập trung quy mô trang trại lớn, hướng an toàn sinh học gắn với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.

Tiết kiệm nước, dùng giống ngắn ngày đảm bảo thắng lợi vụ hè thu

QUẢNG TRỊ Theo lịch thời vụ, nông dân Quảng Trị tập trung gieo cấy vụ hè thu từ ngày 15 - 30/5, sử dụng giống ngắn ngày, chất lượng cao để đảm bảo thu hoạch trước 30/8.

Ứng dụng công nghệ, gọi tôm cá về đồng ruộng

QUẢNG BÌNH Ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ không chỉ giúp giảm chi phí, lợi nhuận tăng cao mà môi trường sinh thái đồng ruộng được phục hồi.