| Hotline: 0983.970.780

Giá đầu tăng cao, ngư dân miền Trung gặp khó

[Bài 4]- Ngư dân 'bấm bụng' ra khơi

Thứ Ba 01/03/2022 , 08:18 (GMT+7)

Chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến ra khơi tăng hơn 20% so với trước, trong khi đó giá cả các loại hải sản bấp bênh đang khiến cho ngư dân Quảng Nam lo lắng.

Thời tiết thuận lợi là lúc ngư dân Quảng Nam hối hả vươn khơi với mong muốn mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu. Ảnh: L.K.

Thời tiết thuận lợi là lúc ngư dân Quảng Nam hối hả vươn khơi với mong muốn mưa thuận gió hòa, đánh bắt bội thu. Ảnh: L.K.

Sau một thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc mùa biển năm cũ thì bắt đầu từ giữa tháng Giêng Âm lịch, ngư dân Quảng Nam lại tất bật chuẩn bị cho mùa biển mới. Thông thường, cứ khoảng qua rằm tháng Giêng là thời điểm các con tàu của tỉnh này nườm nượp ra khơi đánh bắt. Tuy nhiên, thời tiết đầu năm nay không thuận lợi nên nhiều chủ tàu đánh bắt dài ngày xuất bến muộn hơn thường lệ.

Ra khơi muộn cùng với thời gian qua giá xăng dầu trong nước liên tục tăng đã khiến cho nhiều ngư dân không khỏi “đau đầu”. Bởi, nếu so với giá dầu thời điểm trước Tết thì mức tăng này khá lớn. Dù trước đây giá cũng có nhiều lúc chênh lệch nhưng không đáng kể như hiện nay. Kéo theo đó, chi phí cho những chuyến đi cao hơn rất nhiều, đặc biệt là những con tàu làm nghề khai thác xa bờ, dài ngày trên biển.

Tại bến cá An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) những ngày này, nhiều tàu cá làm nghề đánh bắt mực lá vẫn đang hối hả chuẩn bị nhiên liệu, đá lạnh và những nhu yếu phẩm cần thiết để ra khơi. Theo các chủ tàu làm nghề này, sau khi xuất bến và khai thác, sản phẩm thu được sẽ đưa vào các cảng cá ở phía Bắc và miền Trung để tiêu thụ. Các chuyến đi cứ liên tục như vậy cho đến cuối tháng 8 họ mới trở về địa phương.

Giá nhiên liệu tăng, chi phí ra khơi cũng đội lên khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Ảnh: L.K.

Giá nhiên liệu tăng, chi phí ra khơi cũng đội lên khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Ảnh: L.K.

Ngư dân Nguyễn Bảy (trú thôn Tây Sơn Đông, xã Duy Hải), chủ tàu cá QNa 02953TS cho biết, với việc giá dầu tăng lên gần 21.000 đồng/lít thì tính ra, mỗi chuyến đi, tàu cá của ông tốn thêm khoảng 40 triệu đồng, tăng hơn 20% so với trước đây. Điều này đồng nghĩa với việc ông Bảy và các bạn thuyền phải đánh bắt được sản lượng nhiều hơn trước thì mới có chút lãi.

“Năm ngoái, mỗi chuyến đánh bắt, tàu tôi chỉ cần đạt sản lượng khoảng từ 5 đến 7 tạ là đã có lãi. Thế nhưng bây giờ với sản lượng đó thì mới chỉ đủ bù chi phí chứ không ai có thêm đồng tiền công nào. Vậy nên, chúng tôi mới chờ thời tiết thuận lợi để quyết định vươn khơi để hy vọng ngư trường khai thác tốt, sản lượng cao hơn. Nhìn chung là không dễ nhưng cũng phải đi chứ ở nhà chẳng biết làm gì, cứ đi thử chuyến này xem sao đã”, ông Bảy chia sẻ.

Cũng làm nghề khai thác mực lá, ngư dân Trần Văn Lanh, chủ tàu cá QNa 03552TS cho biết thêm, ngoài gặp khó khăn vì giá dầu tăng cao thì những con tàu làm nghề này phụ thuộc rất nhiều vào thị trường tiêu thụ. Đa số sản phẩm khai thác (mực lá) đều bán cho các nhà hàng, quán xá phục vụ du lịch. Trong khi đó, hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các tỉnh vẫn còn rất phức tạp, dịch vụ du lịch chưa phục hồi trở lại nên giá cả rất bấp bênh. Nếu các điểm thu mua với giá thấp thì các tàu còn có nguy cơ thua lỗ.

Với những con tàu đánh bắt vài tháng trên biển thì giá dầu tăng đã trở thành một gánh nặng không hề nhỏ. Đặc biệt là những tàu làm nghề câu mực khơi. Mỗi chuyến đi của những con tàu này thường kéo dài từ 2 đến 3 tháng, trung bình các chủ tàu phải lấy mỗi lần từ 20.000 đến 30.000 lít dầu. Do đó, hiện nay chi phí nhiên liệu mà mỗi tàu bỏ ra cho mỗi lần xuất bến đã tăng thêm khoảng 100 triệu tiền dầu, đó là chưa kể tiền đá lạnh cũng tăng theo.

Ngư dân cầu mong về chuyến biển thắng lợi trước khi ra khơi. Ảnh: T.A.

Ngư dân cầu mong về chuyến biển thắng lợi trước khi ra khơi. Ảnh: T.A.

Ông Trương Công Bình (trú xã Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam), chủ tàu QNa 94079TS cho hay, việc giá dầu tăng cao như hiện nay khiến ông và khác chủ tàu khác cùng làm nghề khai thác mực khơi dài ngày trên biển rất lo lắng. Thời gian trước, mỗi chuyến đi, ông Bình phải bỏ ra gần 500 triệu đồng mua hàng hóa đi theo, trong đó tiền dầu hết khoảng 300 triệu đồng. Thế nhưng, lần này chi phí đã lên đến hơn 600 triệu, trong đó nguyên nhân chính là do giá dầu cao.

“Mới bắt đầu ra khơi đã tốn thêm hàng trăm triệu đồng chi phí cho mỗi chuyến biển. Trong khi đó những chuyến trước tính ra lời lãi cũng không được bao nhiêu, cũng đủ chia cho các bạn thuyền và trả nợ tiền đóng tàu. Nay giá nhiên liệu tăng như vậy, tôi và các bạn thuyền cũng đắn đo vươn khơi lắm. Điều lo sợ hơn là giá các các mặt hàng hải sản cũng đang có xu hướng giảm”, ông Bình nói.

Theo Bà Trần Thị Hồng, tiểu thương chuyên thu mua hải sản của ngư dân ở Cảng Kỳ Hà (Quảng Nam), so với thời điểm trước Tết Nguyên đán thì giá cả nhiều loại hải sản đang có xu hướng giảm mạnh. “Trong khi đó, giá dầu cao như hiện nay thì có lẽ ngư dân không sống nổi. Mong sao Nhà nước có biện phảm giảm giá dầu để bớt gánh nặng cho ngư dân”.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.