| Hotline: 0983.970.780

Bí quyết những huyện ít dùng thuốc trừ sâu

[Bài 9] Tỉnh bị doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật… ghét nhất

Thứ Ba 20/07/2021 , 09:00 (GMT+7)

Ở miền Bắc, Phú Thọ có lẽ là tỉnh bị các doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật ghét nhất bởi lẽ làm IPM chặt quá khiến họ tiêu thụ hàng rất khó khăn.

“Liệu cơm, gắp mắm” trong làm IPM

Ghét đến mức trước đây có nhiều công ty thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đến đặt vấn đề với Chi cục BVTV Phú Thọ để tổ chức 50 - 70 cuộc hội thảo mỗi năm, có khi kéo dài cả tuần ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã nhưng mấy năm nay không có cuộc nào cấp tỉnh, còn huyện xã chỉ cỡ dưới 10 cuộc.

Theo thống kê mới nhất từ Sở NN-PTNT Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có 118.187 ha đất canh tác nhưng lượng thuốc BVTV sử dụng chỉ hơn 71,5 tấn, tương đương với mức bình quân 0,6 kg/ha/năm, trong đó có 0,21 kg là thuốc sinh học.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ kiểm tra sâu bệnh trên bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ kiểm tra sâu bệnh trên bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Thọ giải thích với tôi về kiểu “liệu cơm, gắp mắm” đối với một tỉnh còn nghèo rằng, trong tổng số hơn 32 tỉ đồng đầu tư thống kê cho IPM từ năm 2016 tới nay, số trực tiếp để mở lớp tập huấn cùng xây dựng mô hình chỉ 2,9 tỉ. Số lớn lại là nguồn lồng ghép trong các chương trình như khuyến nông, nông thôn mới, dự án có ứng dụng IPM vào. Một thuận lợi là ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trước đây là giảng viên IPM nên rất ủng hộ, còn ông Lê Toàn trước đây là Chi cục trưởng Chi cục BVTV cũng rất quan tâm.

Ở cấp huyện, trên cơ sở kế hoạch IPM của tỉnh, đã phân bổ ngân sách vào tập huấn, đào tạo cho nông dân hiểu rằng phun thuốc chỉ là biện pháp BVTV cuối cùng. Nhờ đó lượng thuốc BVTV sử dụng đã giảm trung bình mỗi năm xấp xỉ 10%, từ 119 tấn của năm 2015 xuống còn như hiện nay.

“Sản lượng chè khô của tỉnh khoảng trên 60.000 tấn, trong đó chè đen cỡ 70% (chủ yếu dành cho xuất khẩu), chè xanh 30%. Trước năm 2016, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được thông báo rằng lô chè xuất khẩu này bị cảnh báo, lô kia bị trả lại vì vượt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV nhưng từ năm 2016 tới nay không có chuyện đó. Hiện Phú Thọ có 70% diện tích chè ứng dụng IPM.

Còn với cây bưởi có 71% diện tích ứng dụng IPM. Trong hơn 5.000 ha bưởi toàn tỉnh sẽ có 3.500 ha làm theo chuẩn VietGAP mà ở đó nông dân được hỗ trợ phân hữu cơ, thuốc sinh học với định mức 3 triệu/ha. Năm 2020 chúng tôi đã thực hiện được trên 1.400 ha, năm 2021 này phấn đấu thực hiện trên 900 ha để đến năm 2025 thì sẽ đạt mục tiêu...

Bưởi đặc sản Đoan Hùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bưởi đặc sản Đoan Hùng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một nét khác biệt nữa của Phú Thọ là phát triển dịch vụ BVTV tập trung trong đó có Công ty Trác Ngọc đã ứng dụng máy bay để phun thuốc. Dựa trên thông báo dịch bệnh của các Trạm Trồng trọt và BVTV huyện, nhu cầu của các HTX, họ sẽ đến làm dịch vụ. Phun bằng máy bay thời gian nhanh hơn, hiệu quả cao hơn, xong việc đơn vị lại còn thu gom luôn vỏ bao bì về xử lý, tránh tình trạng vứt bừa bãi như trước. Mới xuất hiện được hơn 2 năm nhưng cách làm này đã được áp dụng trên 4.000 ha”. Ông Đạo thông tin.

Tuy nhiên, trên lộ trình sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại như một số huyện, thị bố trí kinh phí cho IPM khá hạn chế. Lượng thuốc BVTV hóa học trên cây lúa và rau giảm chưa đạt kế hoạch. Chưa xây dựng và hình thành được nhiều mô hình tổ dịch vụ BVTV, nếu có mới chỉ thực hiện trên cây lúa. Tập quán canh tác nhiều nơi vẫn còn lạc hậu, đất đai manh mún, gây khó khăn cho việc áp dụng các nguyên tắc IPM…

Giai đoạn 2016-2020 Phú Thọ đã mở được 5 lớp đào tạo giảng viên, 189 lớp huấn luyện nông dân, 3.440 lớp huấn luyện chuyên môn với tổng số trên 160.000 lượt người tham gia. Số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt, hiểu biết về IPM đạt trên 92%. Xây dựng được 359 mô hình với 96.045 hộ nông dân áp dụng trên diện tích 19.416 ha, vượt cả kế hoạch. Ngoài ra tỉnh còn đẩy mạnh mô hình thu gom bao thuốc BVTV sau sử dụng với tổng số 6.080 bể chứa được lắp đặt.

Vợ chồng anh, chị Dậu     

“Anh cầm nó đi để em đeo bao vào cho”. Chị Vũ Thị Tráng vừa nói với chồng mình là Vũ Tuấn Dậu vừa thoăn thoắt đeo bao chống nắng cho từng quả bưởi Diễn, bưởi da xanh trong khu vườn rộng 1 ha ở xã Vân Đồn huyện Đoan Hùng. 50% quả đẹp, quả chìa ra ngoài ánh sáng sẽ phải bao như vậy để tránh bị rám, bị bọ xít, ruồi vàng chích hút. Việc này tốn của họ chừng 200 công trong vòng 1 tháng hè, ngoài trực tiếp làm, anh chị còn phải thuê thêm mất cỡ 40 triệu đồng nữa.

3 năm trước, họ tham gia vào chương trình đào tạo IPM cho cây bưởi rồi năm nay lại đăng ký thực hiện mô hình bưởi của khuyến nông, được hướng dẫn kỹ thuật thụ phấn bổ sung giúp 80-90% quả đậu, được hỗ trợ 50% phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Nếu xưa họ phun thuốc theo định kỳ thì nay biết điều tra đối tượng dịch hại, đến ngưỡng nào đó mới phun và dùng bằng chế phẩm sinh học.

Vợ chồng anh, chị Dậu đang đeo bao cho quả bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vợ chồng anh, chị Dậu đang đeo bao cho quả bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lượng phân hóa học cũng giảm đi trông thấy, thay bằng hữu cơ, vi sinh dù rằng việc đào rãnh để bón tốn của họ tới 100 công. Mọi thứ vật tư chăm sóc cho vườn bưởi đều được ghi tên, ngày mua, đại lý nào, dùng khi nào. Ngoài ra họ còn ủ thêm cá, đậu tương để bón cho cây tăng sức đề kháng. Có lúc bắc thang lên bọc quả không may trượt thang, chị Tráng phải đu người trên cây bưởi khiến cho đứa cháu vừa chạy ra đỡ vừa cười như nắc nẻ.

Làm việc cả ngày ở trên vườn vất vả là thế nhưng tối tối chị Tráng lại thoải mái hát ca livestream qua facebook trong CLB Hương bưởi Đoan Hùng để chia sẻ niềm say mê của những người cùng sở thích. Mỗi năm vườn bưởi đem lại cho vợ chồng chị mức lãi 300-400 triệu.

Anh Đào Mạnh Đạt, Giám đốc HTX bưởi Vân Đồn cho tôi hay, đơn vị mình thành lập mới được 2 năm nay bởi các biện pháp sinh học, bẫy bả thủ công nếu áp dụng trên diện rộng sẽ tốt hơn là làm kiểu cá thể. Hơn thế nữa, sản phẩm thông thường bán cho thương lái hay bị ép giá thì cùng làm một quy trình mới thống nhất được giá bán đầu ra và đạt lợi nhuận cao. Lúc đầu HTX chỉ có 7 thành viên giờ đã lên tới 15 thành viên chính thức cùng 165 thành viên liên kết với tổng diện tích 101 ha. Huyện Đoan Hùng đang có khoảng 10 HTX bưởi như vậy.

Mô hình khuyến nông cho cây bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mô hình khuyến nông cho cây bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tâm tư của cán bộ BVTV

Anh Đỗ Chí Thành, Trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Đoan Hùng cho tôi hay huyện có 3.000 ha bưởi thì năm 2020 đã áp dụng IPM, VietGAP được 648 ha, năm nay phấn đấu đạt 484 ha. Tổng sản lượng bưởi hiện ở mức 24.500 tấn, doanh thu hơn 330 tỉ, những con số mà cách đây trên 10 năm các chủ vườn không dám nằm mơ bởi nạn “bưởi đặt vòng”, ra hoa nhưng không đậu được quả.

Nhờ kỹ thuật thụ phấn bổ sung, trồng xen một số loại bưởi nên đã phá được vấn nạn đó: “Chúng tôi tập huấn không chỉ ở hội trường mà còn cầm tay chỉ việc ngay tại vườn cho nông dân rằng thuốc hóa học chỉ là giải pháp cuối cùng, còn ưu tiên các biện pháp thủ công, sinh học như tỉa cành tạo tán, bao quả, bẫy bả…

Nhờ đó mà các thiên dịch trong vườn như kiến vàng, bọ ngựa, ong, nhện xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Có những hộ như ông Ngô Sĩ Quân ở xã Minh Tiến, Phạm Quốc Toản ở xã Vân Đồn còn chủ động bắt những tổ kiến vàng về, dùng dây điện nối giữa cây này với cây kia cho chúng leo, dùng mỡ gà vuốt vào dây để dụ chúng, dùng ruột gà treo lên cây để làm thức ăn cho chúng. Kiến vàng trị rầy chổng cánh, rệp, bọ xít, nhện đỏ rất hiệu quả”. Anh Thành chia sẻ.

Tâm sự về nghề, anh Thành bảo Đoan Hùng có hơn 12.500 ha đất canh tác các loại với những cây trồng chính như lúa, chè, bưởi, ngô. Ngoài ra còn có hơn 12.400 ha cây lâm nghiệp với đủ thứ sâu bệnh như sâu xanh, chết ngược, khô cành… phải phòng trừ.

Niềm vui của chị Tráng bên vườn bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui của chị Tráng bên vườn bưởi. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quãng thời gian từ năm 2008 - 2019 năm nào trên địa bàn cũng xuất hiện nạn châu chấu tre, ít cũng phá cỡ 10 ha, nhiều lên đến cả 100 ha. Lúc mới nở ra chúng chỉ co cụm hại tre, luồng trên đồi nhưng khi lớn lên thì tràn xuống ruộng đồng hại đủ thứ cây trồng khác. Phải vất vả phòng trừ lắm thì hơn 1 năm nay huyện mới không còn nạn dịch này.

Trước Trạm BVTV có 4 người, giờ thành Trạm Trồng trọt và BVTV vì gánh thêm cả vai trồng trọt nhưng chỉ có 3 người, làm đủ thứ từ tham mưu cơ cấu giống, thời vụ, chỉ đạo sản xuất, chính sách hỗ trợ, phòng ngừa dịch bệnh… 4 tháng cao điểm sâu bệnh trong năm, thứ bảy, chủ nhật cán bộ hầu như không được nghỉ.

Bộ NN-PTNT mới đây còn chỉ đạo các tỉnh thành sắp tới thực hiện cấp mã số quản lý vùng trồng với những cây như lúa, rau, chè, bưởi, chuối cho tiêu dùng nội địa… lại thêm đầu công việc nữa. Thế mà biên chế được phép của Trạm là 5 người nhưng xin tuyển đủ mãi vẫn không được.

Ngược lên là Chi cục Trồng trọt BVTV tỉnh Phú Thọ tình trạng cũng tương tự, biên chế từ Chi cục đến Trạm các huyện tổng được phép là 72 nhưng hiện chỉ có 62. Người nghỉ hưu, chuyển đi thì có mà từ năm 2018 đến nay mới được thêm 1 người, đề xuất xin tuyển dụng cho đủ nhưng chưa được đồng ý đã đành cũng không được ký hợp đồng lao động. Nhiệm vụ thì nhiều nhưng tổ chức bộ máy, nhân lực thiếu như thế sẽ rất khó để chỉ đạo sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được. 

Cũng may là ở Phú Thọ hệ thống Trạm Trồng trọt và BVTV còn giữ được nguyên chứ chưa bị sáp nhập với Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông như một số tỉnh để thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp khiến cho không còn đầu mối để có thể chỉ đạo theo ngành dọc.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm