| Hotline: 0983.970.780

'Cây hy vọng' ở Tây Nguyên

Bài học dưới những tán rừng cao su

Thứ Ba 25/07/2023 , 09:03 (GMT+7)

Tính đa mục tiêu, đa giá trị của cây cao su ở Tây Nguyên đã được khẳng định. Đó là lý do khiến nó đứng chân, trở thành cây chủ lực của mảnh đất này.

Bài học từ những tán rừng cao su

Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên những ngày đầu tháng 7, chúng tôi đã được tận mắt thấy đời sống của những người công nhân cao su ở vùng đất cao nguyên đang đổi thay từng ngày trên khắp các buôn làng, những nơi có cây cao su phát triển, mở rộng, vươn tán, phủ xanh.

Những nữ công nhân cao su của Công ty Ea H'Leo. Ảnh: Kiên Trung.

Những nữ công nhân cao su của Công ty Ea H'Leo. Ảnh: Kiên Trung.

Tại những huyện mới thành lập như Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum), hình ảnh song hành cùng những lô cao su tuổi đời 16 - 20 năm của các Công ty Cao su Chư Mom Ray, Sa Thầy… đang bước vào độ sung mãn nhất là những khu quần cư của công nhân người dân tộc thiểu số từ các tỉnh Bắc Trung Bộ vào vùng đất mới lập nghiệp. Họ chọn cây cao su làm chỗ dựa, chọn làm công nhân cao su để khởi nghiệp. Những khu dân cư tại xã vùng biên Ia Dom, Ia Dal, Ia Tơi đã minh chứng điều đó.

Bài liên quan

Với những công ty cao su hình thành và phát triển ở Tây Nguyên từ giai đoạn đầu những năm 1980, đến nay đã trở thành những đơn vị có bề dày lịch sử lừng lững hơn 40 năm, cuộc sống của đồng bào gắn với cây cao su đã thực sự đi vào ổn định, phát triển. Tây Nguyên trở thành vùng cao su trọng điểm lớn thứ 2 của Tập đoàn Cao su ở trong nước, nhưng cũng đảm nhiệm sứ mệnh cao cả được Đảng, Nhà nước giao phó: là cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào; phủ xanh đất trống, đồi hoang, đảm bảo độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường; làm nhiệm vụ an sinh xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng vùng biên.

Trong các báo cáo về tình hình sản xuất, hoạt động của các công ty cao su Chư Mom Ray, Sa Thầy, Chư Păh, Chư Prông, Ea H’Leo, quá nửa của những báo cáo đó là số liệu về công tác hỗ trợ địa phương nơi công ty đứng chân để xây dựng hạ tầng điện đường trường trạm; xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh. Điều đó cho thấy sứ mệnh chính trị của các đơn vị nhà nước đi làm kinh tế ở Tây Nguyên, lấy cây cao su là “cây mở đường”.

HLe Niê, người Êđê - thế hệ thứ hai trong gia đình là công nhân Công ty cao su Ea H'Leo. Ảnh: Kiên Trung. 

HLe Niê, người Êđê - thế hệ thứ hai trong gia đình là công nhân Công ty cao su Ea H'Leo. Ảnh: Kiên Trung. 

Trong cuộc trò chuyện thân tình, ông Phạm Đình Luyến, Tổng giám đốc Công ty Cao su Chư Păh chia sẻ: “Nhiệm vụ của đơn vị là tạo công ăn, việc làm ổn định cho người lao động là đồng bào tại chỗ, đảm bảo cuộc sống của đồng bào từ chỗ thoát nghèo, đủ ăn, rồi sau đó là phát triển kinh tế, làm giàu. Cho nên, ưu tiên hàng đầu của các đơn vị cao su ở Tây Nguyên, đó là ổn định đời sống của đồng bào địa phương”.

Ông Luyến dẫn chứng: có những giai đoạn, đồng bào nghỉ việc, bỏ cây cao su để chạy theo những cây trồng thị trường sốt giá, nhưng chỉ một thời gian ngắn lại chặt bỏ hàng loạt, trồng cây khác thay thế vì ngay sau đó, thị trường rớt giá xuống thấp thảm hại. Để giữ chân người lao động, mà thực chất là để ổn định thu nhập của đồng bào, ông Luyến đã mạnh dạn đề xuất chính quyền huyện Chư Păh để công ty đi tuyển dụng lao động (cũng là người dân tộc thiểu số ngoài Bắc) vào làm công nhân.

Bài liên quan

“Tỷ lệ thấp thôi, khoảng 5% số lượng công nhân của đơn vị, mục đích là để có sự so sánh, ganh đua, tạo động lực cho bà con đồng bào. Hơn nữa, đó là ví dụ thực tế để đồng bào thấy, công ty cao su đã tạo điều kiện, đã ưu tiên cho đồng bào rất nhiều, nhưng nếu không nỗ lực, cố gắng, sẽ có rất nhiều người thay thế, muốn được vào làm công nhân cao su”, ông Luyến kể lại.

Sự quyết đoán của ông Luyến đã có ý nghĩa ngay lập tức: bà con đồng bào tự giác hơn trong công việc, nỗ lực tự học hỏi nâng cao tay nghề, lao động chuyên cần hơn. Ngoài ra, cơ chế giao khoán chăm sóc, khai thác, cạo mủ đang được tất cả các công ty cao su tại Tây Nguyên áp dụng đồng đều: công nhân nào khai thác được sản lượng mủ nhiều hơn đồng nghĩa với việc thu nhập của tháng đó sẽ cao hơn. Những người tay nghề thấp, cạo mủ không đúng kỹ thuật, vết cạo sẽ không lên được lớp da phẳng phiu, tạo thành các vết nu, sần trên lớp vỏ tái sinh sẽ không khai thác, cạo mủ được ở mùa sau. Lô cao su nào không được chăm sóc tốt, chất lượng mủ sẽ không đạt… Tất cả sẽ thể hiện bằng thực tế, đó là khối lượng, năng suất mủ!

Những nữ công nhân nông trường cao su Thống Nhất người Jrail tại làng Ó, huyện Chư Prông. Ảnh: Tùng Đinh.

Những nữ công nhân nông trường cao su Thống Nhất người Jrail tại làng Ó, huyện Chư Prông. Ảnh: Tùng Đinh.

Thế nhưng, bên cạnh đó, các phong trào “giúp nhau thành thợ giỏi” được triển khai tại công ty cao su Chư Prông một lần nữa lại tăng tính đoàn kết, gắn bó, chia sẻ của người lao động với nhau: công nhân khá, giỏi dìu dắt, chỉ bảo những người tay nghề còn kém, để giúp nhau thành một tập thể mạnh. Kết quả của một người sẽ ảnh hưởng tới kết quả thi đua chung của toàn đơn vị; sự nỗ lực của mỗi người vừa là tấm gương, vừa là động lực cho người còn lại. Những điều tưởng như nhỏ bé ấy, đã giúp hình thành nên những tập thể vững mạnh, đoàn kết, là một khối gắn kết, yêu thương, mà cây cao su là thứ kết dính họ lại với nhau.

Ngay từ những năm 2011-2012, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Păh đã trích từ lợi nhuận thu được từ cây cao su do đơn vị quản lý, chăm sóc, khai thác để hỗ trợ chính quyền địa phương đầu tư xây dựng công trình giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng; hỗ trợ nông dân cải tạo vườn tạp tại các xã Hà Tây, Ia Nhin, Đak Tơ Ve, Ia Ka, Phú Hòa, Ia Khươl…, tổng vốn gần 15 tỷ đồng. Đó là số tiền rất lớn, nếu không vì sự phát triển chung của cả vùng đất, nếu không vì sự chăm lo cho đồng bào?

“Chiếc vành mũ” kỳ diệu dưới những rừng cao su Tây Nguyên

Bạn sẽ rất ngạc nhiên và băn khoăn tự hỏi, tại sao những tán rừng cao su hàng lối thẳng tắp, những vết cạo cùng một chiều; những chiếc ca hứng mủ phía dưới cùng một hướng; và bên trên vết cạo, thân cây nào cũng “đồng phục” đội một chiếc nón che?

Những người công nhân cao su chăm sóc cây cao su nhận khoán như chăm sóc cây trồng trong vườn nhà mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Những người công nhân cao su chăm sóc cây cao su nhận khoán như chăm sóc cây trồng trong vườn nhà mình. Ảnh: Tùng Đinh.

Đó là sáng kiến của tập thể Công ty cao su Chư Prông (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) vào khoảng thời gian 2009 - 2010, được tỉnh Gia Lai trao tặng giải Nhì (không có giải Nhất) về những sáng kiến trong lao động sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế. Sau đó, sáng kiến này đã được Tập đoàn phổ biến, nhân rộng, áp dụng toàn ngành, vì nó đã góp phần giải bài toán thất thoát về sản lượng mủ, thời gian khai thác, cạo mủ…, nhất là với những vùng có mùa mưa kéo dài triên miên 2 – 3 tháng liên tục như Tây Nguyên.

Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty cao su Chư Păh – người đồng hành với chúng tôi trong những ngày công tác, tìm hiểu để viết bài về cây cao su của đơn vị, đã giải thích chi tiết giúp chúng tôi vỡ ra điều đó: Đất Tây Nguyên mùa mưa kéo dài. Mưa cả ngày khiến việc cạo mủ bị dừng lại, khiến thời gian khai thác mủ cây cao su một năm bị mất khoảng 50 – 60 ngày. Sáng kiến mái che vết cạo và nắp đậy ca hứng mủ đã giúp thời gian khai thác tận dụng thêm được 20 ngày. Những hôm mưa nhỏ, công nhân vẫn có thể tiến hành khai thác.

Chiếc máng che mua là sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn đối với ngành cao su.

Chiếc máng che mua là sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn đối với ngành cao su.

Quan trọng nhất, thời gian đó cũng đồng nghĩa với việc, sản lượng khai thác mủ cao su ở khu vực Tây Nguyên sẽ tăng lên ngần đó khối lượng mủ, giúp năng suất thu mủ tăng lên khá nhiều. “Những ngày mưa to, khi chưa có mái che mưa, công nhân vừa cạo xong, mủ bắt đầu được hứng về các ca thu mủ, mưa ấp đến, cuốn bay tất cả, vừa lãng phí, vừa mất công sức của người lao động. Sáng kiến nhỏ này thực sự đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ngành cao su nâng cao năng suất, sản lượng khai thác mủ”, ông Tiến giải thích.

Việc gắn máng chắn mưa cho miệng cạo cây cao su khi khai thác mủ trong mùa mưa nhằm ngăn dòng chảy của nước mưa, giúp miệng cạo nhanh khô để giữ được nhịp điệu cạo và tiến hành cạo mủ được ngay sau khi cơn mưa vừa dứt. Ngoài ra, nhờ có máng chắn mưa, miệng cạo không bị ẩm ướt nên giảm được lượng mủ thất thoát do bị chảy tràn và còn ngăn ngừa được sự lây lan bệnh loét miệng cạo do nấm bệnh gây nên.

'Vàng trắng' ở Tây Nguyên. Ảnh: Kiên Trung.

"Vàng trắng" ở Tây Nguyên. Ảnh: Kiên Trung.

Chi phí cho việc lắp một chiếc mái che này, gồm cả keo gắn là 6 ngàn đồng, tính cả công làm hết 10 ngàn đồng. Đó là một khoản đầu tư rất nhỏ, nhưng nó đã thực sự mang lại một hiệu quả vô cùng lớn cho toàn ngành cao su.

Bài liên quan

Ở ngành cao su, những sáng kiến trong việc cải thiện kỹ thuật khai thác, chăm sóc cây… chủ yếu đều xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất. Những người công nhân hàng ngày, hàng giờ thực hiện các thao tác, công việc gắn với cây cao su, họ là những người đưa ra những phát kiến quý báu ấy. Điều quan trọng, nó cho thấy sự gắn bó, tâm huyết, “ăn ngủ” cùng cây cao su, làm việc tự giác, yêu quý công việc của mình, coi cây cao su như máu thịt.

Tôi nhớ mãi ánh nhìn của ông Trần Xuân Thịnh, TGĐ Công ty cao su Chư Mom Ray nhìn Đậu Quang Trung - cậu công nhân trẻ tuổi, như nhìn đứa con của mình, khi Trung đi những đường cạo mạnh mẽ, dứt khoát trên thân cây cao su đang tuổi sung sức.

Dòng nhựa trắng tứa ra từ mỗi thân cây, nó là sự chắt chiu của đất và nước Tây Nguyên; của những rễ cây cần mẫn, bền chặt; của những ngày tháng các công nhân chăm sóc cây cao su mà mình nhận khoán, như chăm sóc cây trồng của chính gia đình mình.

Dưới tán rừng cao su, cách đối xử của “người cao su” với nhau cũng thật ấm lòng.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.