| Hotline: 0983.970.780

Bán buôn bãi vàng và luật lệ chung chi

Thứ Ba 18/09/2012 , 10:12 (GMT+7)

Cơn lốc vàng cuốn "đặc khu" Kim Hỷ (Bắc Kạn) vào những cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Các chủ bưởng tranh giành lãnh địa, đất đai, vàng bạc… dù trên thực tế, đây là vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Cơn lốc vàng cuốn "đặc khu" Kim Hỷ (Bắc Kạn) vào những cuộc chiến vô cùng khốc liệt. Các chủ bưởng tranh giành lãnh địa, đất đai, vàng bạc… dù trên thực tế, đây là vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

>> Thâm nhập thánh địa vàng thổ phỉ

Tôi đi mua bãi vàng

Giữa "đặc khu" Kim Hỷ thì Lũng Phúng, Lũng Phấy là nơi tập hợp những bưởng vàng có thâm niên lâu đời nhất. Mấy chục năm trước, cánh đào vàng đã đến lập cứ địa nơi này. Đó là thời điểm mà giới đào vàng rỉ tai nhau rằng, ở Lũng Phúng và Lũng Phấy, hễ cứ cuốc một nhát xuống đất là có vàng.

Đỉnh điểm, mấy năm trước một đại gia tên Cừ quê ở tỉnh Thái Nguyên khi cho quân đào hang ở nơi này đã trúng mánh cả tấn vàng sa khoáng. Từ đó, mỗi tấc đất trên Lũng Phúng và Lũng Phấy thực sự là tấc vàng theo đúng nghĩa đen.

Hang vàng chỗ đại gia Cừ trúng mánh bây giờ đã bị bới cày thành địa đạo. Cạnh đó, những cuộc ngã giá, tranh giành khiến thị trường đất trong "đặc khu" Kim Hỷ náo động chẳng thua gì chuyện bán buôn bất động sản ở Hà Nội.

Từ đỉnh Cốc Thốc tôi sắm vai một chủ bưởng vàng từ Lào Cai sang rồi theo Tuấn, tay dẫn đường đi vào Lũng Phúng, khu đất vàng Kim Hỷ. Quả đúng như cái tiếng tăm về thâm niên của một bưởng vàng lâu đời, Lũng Phúng tập trung khoảng 20 chủ bưởng và tròm trèm 100 quân. Lán trại, máy móc, lương thực đầy đủ tựa như trung tâm của một bản vùng cao.

Cũng vì là đất vàng nên vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên Kim Hỷ ở khu vực này đều đã được phân chia lãnh địa. Các giếng vàng đều đã có chủ, dĩ nhiên không ai được phép đụng vào.


Các chủ bưởng xem đất Khu bảo tồn thiên nhiên là của riêng mình

Đã qua cái thời các chủ bưởng dùng luật rừng để tranh giành lãnh địa, bây giờ ở Lũng Phúng, các bãi vàng được buôn bán như bao loại đất đai khác trên thị trường. Ranh giới được xác định rõ ràng, các chủ bưởng chỉ sử dụng đến “tay chân” mỗi khi có sự xâm lấn, còn bình thường được “quy hoạch” đâu ra đấy.

Một bưởng vàng khoảng 50m2 có giá bình quân từ 200-300 triệu đồng tùy vào chất đất và hang động đã qua khai thác hay còn nguyên vẹn. Có bưởng trên đỉnh Tốc Lù còn được định giá cả tỷ đồng vì cánh đào vàng dự đoán ít nhất là còn 2-3 tấn vàng sa khoáng ở trong lòng đất.

Lân la gần một ngày trời, tôi mới tiếp cận được một chủ bưởng tên Bính. Bính quê ở Bắc Kạn, được xem là ông trùm của các bưởng con khu Lũng Phúng này. Đặt vấn đề gia nhập bưởng vàng, Bính ban đầu còn dè xét, nhưng sau khi có sự bảo kê của Tuấn, lão bày cơm rượu rồi nói bằng cái giọng đúng chất giang hồ: Muốn lập nghiệp ở bưởng vàng này cũng dễ, miễn là chấp hành luật. Điều quan trọng nhất là phải có tiền. Có tiền là có tất. Có tiền sẽ có đất làm vàng và có cả kiểm lâm, công an làm nội ứng cho mình.

Hiện, Bính đang còn một bưởng vàng ở Lũng Phấy chưa đào đến. Nếu cần, gã có thể nhượng lại cho tôi với giá trao tay là 300 triệu đồng. Tìm hiểu chuyện làm ăn, chung chi để có kế hoạch khai thác vàng lâu dài ở đây, gã vội khoát tay: Đừng vội. Cứ mua bãi đi rồi khắc có người hướng dẫn đường đi nước bước cho chú. Thằng nào vào đây mua mà chả làm ăn được, không phải lo bất cứ một điều gì.

Mua được kiểm lâm, công an?

"Đặc khu" Kim Hỷ nằm trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, việc vàng thổ phỉ lộng hành nhiều năm, biến đất rừng thành tài sản riêng, sử dụng luật ngầm để tồn tại chắc chắn phải có sự tiếp tay và bảo kê từ các cơ quan chức năng.

Theo tìm hiểu, muốn vào làm vàng ở "đặc khu" Kim Hỷ, các chủ bưởng đều phải tuân thủ luật lệ, hàng tháng phải chung chi để đổi lại sự an toàn cho bưởng của mình. Nhóm lão Bính ở Lũng Phấy có 6 bưởng thành viên. “Đường đi nước bước” mà lão nói với tôi chính là chuyện luật lệ hàng tháng.

Theo lão, mỗi tháng các bưởng con dù được bao nhiêu vàng cũng phải trích ra 2 triệu đồng để làm luật cho lực lượng kiểm lâm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ và 300 ngàn đồng chi cho lực lượng công an. Các bưởng con chỉ việc đóng tiền cho lão rồi lão khắc tự lo lấy.

Đổi lại, mỗi lần có đợt truy quét, kiểm tra thì lão có thông tin báo cho các đầu bưởng biết mà ém quân, giấu máy móc, ống nước, tránh việc bị phá hủy. Giỏi ở chỗ, thông tin của lão tuyệt nhiên chưa có một lần nào sai cả. Thành thử các đầu bưởng cứ cung cúc đóng tiền cho lão mà chẳng cần phải lăn tăn, suy xét điều gì.

“Sáu bưởng là 12 triệu, nếu thêm chú nữa là 14 triệu đồng. Anh sẽ giành ra 10 triệu để mua thông tin và đổi lấy sự an toàn cho các chú, còn lại 4 triệu thì để anh quan hệ với các sếp, mời người ta ăn cơm chứ không bỏ túi của các chú một cắc nào cả”, Bính nói.

Sự thật là các bưởng vàng phải chung chi luật lệ cho các lực lượng chức năng hay chỉ là phút “nổ” để dễ bề bán đất của chủ bưởng tên Bính? Tôi lân la tìm hiểu thêm một vài chủ bưởng khác ở "đặc khu" Kim Hỷ và tất cả họ đều có chung câu trả lời việc làm luật là thật và còn có cả khung giá hẳn hoi.

Một chủ bưởng tên Hiếu ở Lũng Phúng là người dân địa phương còn tâm sự với tôi rằng: Trước đây giá cả chỉ có 1 triệu đồng thôi, nhưng từ khi tỉnh Bắc Kạn hay tổ chức truy quét rừng Kim Hỷ thì mức giá tăng thành 2 triệu vì thông tin phải mua nhiều hơn.


Bên ngoài "đặc khu" Kim Hỷ là biển báo nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn thiên nhiên nhưng bên trong hoàn toàn ngược lại

2 triệu đồng mỗi tháng để mua thông tin truy quét và tránh việc đập phá máy móc mỗi khi đụng độ các lực lượng chức năng, các chủ bưởng đều xem giá cả thống nhất như thế là chấp nhận được. “Mỗi bưởng ít nhất phải mua 3 máy, mỗi máy 8 triệu đồng, sàng tuyển, ống dẫn nước hàng nghìn mét, mỗi mét ít nhất là 20 ngàn. Tính ra cũng vài chục triệu đồng mỗi bưởng. Không đóng luật thì không được an toàn, sẽ bị đoàn kiểm tra chặt mất. Mỗi ngày đào vàng cũng kiếm được từ dăm phân đến một chỉ, họ tạo điều kiện cho mình làm ăn thì mình cũng phải theo luật thôi”, một chủ bưởng ở Lũng Phúng phân tích.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ có 15 ngàn ha vùng lõi, 12 ngàn ha vùng đệm. Không ai thống kê được có bao nhiêu bưởng vàng thổ phỉ hoạt động trong rừng bảo tồn. Ông Dũng khẳng định rằng, từ đầu năm đến nay lực lượng kiểm lâm đã dỡ bỏ 103 lán trại, tiêu hủy 178 máy móc, chặt 27 ngàn mét đường ống dẫn nước…  tất cả những con số nặng thành tích ấy đều không rơi vào "đặc khu" Kim Hỷ. Nơi đây, đất rừng vẫn bị tàn phá, cày nát bởi các bưởng vàng thổ phỉ. Chủ bưởng nhơn nhơn vì đã có sự bảo kê, vẫn xem rừng là của riêng mình.

Tất cả những thông tin này đều được chúng tôi chuyển đến ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc kiêm Hạt trưởng Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Trái ngược với dự đoán, ông Dũng phủ nhận hoàn toàn các thông tin trên và cho rằng các chủ bưởng vì thù oán với lực lượng kiểm lâm mà đặt điều với nhà báo.

“Chúng tôi thường xuyên truy quét và tiêu hủy các dụng cụ đào vàng nếu bắt gặp. Mặc dù vậy, hoạt động đào vàng thổ phỉ ở Kim Hỷ tồn tại từ 20-30 năm nay nên rất khó để xử lý”, ông Dũng khẳng định.

Có lẽ vị Giám đốc kiêm Hạt trưởng Khu Bảo tồn thiên nhiên này không biết rằng những thông tin này được thu thập trong quá trình tác giả đóng vai dân đào vàng, lẽ dĩ nhiên chẳng ai biết là nhà báo để mà “đặt điều, bôi nhọ” cả. Ông Dũng cũng bảo rằng “chúng tôi truy quét thường xuyên”, nhưng các chủ bưởng ở Lũng Phúng không nghĩ như thế, họ nói rằng: “Đầu năm đến nay chưa có một đợt truy quét nào, có lẽ nhờ việc các đầu bưởng đã đóng tiền luật đầy đủ. Nếu có thì họ cũng đi đường khác vì bọn anh đã làm luật rồi. Chú bảo, nếu không làm luật, không có thông tin, họ mà vào kiểm tra thì với số máy móc, ống dẫn nước hàng nghìn mét thế này có mà chạy đằng trời. Chưa kể việc vào các lũng đều là đường độc đạo, chỉ riêng việc họ chặn đám người vận chuyển lương thực vào đây thì đám đào vàng đã chết đói rồi”.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.