| Hotline: 0983.970.780

Băn khoăn đúng sai làm gì nữa cháu ơi

Thứ Năm 21/11/2013 , 10:32 (GMT+7)

Cháu đã sai từ đầu thì thanh thản mà sửa chữa sai lầm đi, còn băn khoăn đúng sai chi nữa? Một bát nước đã hắt đi, cháu muốn hốt lại ư? Không có chuyện đó đâu...

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, nề nếp, là con thứ tư trong gia đình 5 anh chị em. Không giàu sang nhưng kinh tế gia đình khá tốt, không vì vậy mà cháu ỷ lại. Từ bé đã biết sống độc lập và từ khi ra trường, cháu tự thân vận động kể cả về công việc và kinh tế.

Một công việc khá ổn định ở huyện, đã có biên chế và có cả thời gian công tác ở miền núi nghèo. Sau khi đi làm cháu còn hỗ trợ mẹ nuôi em út đi học chuyên nghiệp, rồi tự mua xe, tự xoay được một số tiền (xin thêm mẹ một ít) để mua đất ở thành phố, ngoài ra còn phòng thân một khoản nhỏ nữa.

Năm 2010 chuyển công tác về một huyện không phải nơi công tác ban đầu, chân ướt chân ráo thì cháu gặp anh (chồng cũ cháu hiện nay). Anh nói dối là hơn cháu 10 tuổi, cháu nghĩ mình lấy chồng không cần tình yêu mà chỉ cần người đàn ông cứng tuổi như vậy để có thể yên tâm lo toan công việc, sinh con đẻ cái… Chính vì sự nông cạn ấy mà giờ đây cháu đã khô cạn nước mắt (mặc dù mẹ và anh chị đã từng khuyên ngăn cháu).

Cưới xong, cháu mới vỡ lẽ ra nhiều chuyện (chính xác anh ấy hơn cháu những 20 tuổi) và chỉ là cán bộ hợp đồng có thời hạn. Cuộc sống khó khăn, anh ta mới hiện nguyên hình một con người khác: Độc đoán, gia trưởng, ki bo, đối nội đối ngoại không có, lại còn chê cháu làm công việc kiếm quá ít tiền, nghề không sang trọng…

Tất cả cháu chịu được hết, vẫn làm tròn bổn phận làm vợ, làm dâu trưởng, đối nội, đối ngoại với gia đình hai bên và hoàn thành công việc của đơn vị (được cấp tỉnh tặng khen).

Chính vì cháu quá siêng năng, hoạt bát trong quan hệ nên công việc rất suôn sẻ, bạn bè đồng nghiệp và cả sếp cũng quý, thỉnh thoảng sếp còn quan tâm hỏi han. Ích kỷ hẹp hòi, chồng cháu cấm đoán cháu đi giao lưu và phải phục tùng chồng, lại còn ì ra khi cháu sinh con, không hỗ trợ một việc gì. Nói thì anh bảo “Đó là những việc của đàn bà!”.

Mỗi tháng anh chỉ đưa cho cháu khoảng 3 triệu, làm sao đủ được đây cô? Nhà trọ, thuê người trông bé con, rồi con ốm, con đau, giỗ chạp ma chay, đủ thứ…

Cháu không nghĩ cuộc sống sau hôn nhân lại khổ sở vậy. Khi nhóc cháu tròn 3 tuổi thì mọi thứ với cháu hơn địa ngục. Con lớn lên tốn kém hơn thì chồng cháu lại dở chứng bỏ việc không lý do, thủ trưởng của anh gọi cháu lên nói, lúc ấy cháu chỉ muốn chui xuống lỗ cho hết nhục.

Tối đến cháu lo gửi con rồi lo quà cáp chạy lui chạy tới xin cho chồng khỏi bị đuổi việc, nhưng khi biết cháu làm vậy anh còn chửi, nào là ai mượn mi chạy chọt, tao không cần thằng nào giúp tao cả! Cháu điện thoại nói với mẹ và cô em chồng thì cả hai nói rằng, lúc trước nghèo không chết, bây giờ không làm chỗ này thì làm chỗ khác! Trời đất như sụp đổ, cháu chịu không nổi nên quyết định viết đơn xin được ly hôn.

Chồng không muốn ly hôn, ngược lại cháu vẫn quyết định chia tay (đã mấy lần anh đánh cháu). Cuối cùng, tòa xử, cháu tha thiết được nuôi con nhưng anh nói không góp tiền nuôi, để kệ cháu mà lại giao hẹn cấm cháu không được cấm anh đến thăm con. Bây giờ mọi việc tạm ổn nhưng cháu vẫn thấy tổn thương quá lớn, một mình cháu vật lộn làm lụng để nuôi nhóc con, cũng khá thiếu thốn. Quyết định chia tay là đúng hay sai hả cô?

Giữ kín email giúp cháu.

Cháu thân mến!

Cháu không nói rõ nhưng cô đoán, chồng của cháu thuộc diện ế chứ chưa từng có vợ, đúng không? Hơn cháu 20 tuổi, quá chênh lệch, mà đàn ông tuổi ấy chưa vợ thì ai cũng hâm cả. Tính khí khó chịu và có thể, nhiều nhược điểm như cháu liệt kê thì không gái nào dám lấy. Tiếc là cháu tự lập giỏi, tháo vát ghê gớm mà lấy chồng lại đơn giản như đi mua áo mua quần. Quá sai lầm cháu ơi.

Hôn nhân ở VN nói chung là nhiều bi kịch. Nhưng nói vậy cũng oan. Các nước văn minh không bi kịch ư? Quá bị kịch nên tỷ lệ bỏ nhau cao hơn xứ mình nhiều. Vậy thì hôn nhân ngày nay khác xưa thế nào? Rất khác.

Khác ở chỗ chồng vẫn ỳ ra gia trưởng ỷ lại vợ nhưng vợ thì luôn phản ứng, đòi hỏi, bình quyền. Khác nữa, khác là tiền bao nhiêu cũng không đủ, chồng đưa cho 3 triệu vẫn chưa thấm gì (mặc dù vợ cũng làm ra tiền). Thế là bài ca tiền tiền tiền đầu độc vợ chồng suốt ngày đêm.

Thế hệ của cô tiền ít hơn mà nghĩa vụ vẫn tràn đầy như các cháu hôm nay. Các cô chịu đựng giỏi hơn, gói ghém giỏi hơn, thế thôi. Nếu cháu lại hôn nhân thì điệp khúc tiền vẫn lặp lại, vì các cháu bây giờ nhu cầu cao mà lại thực dụng hơn. Chồng phải làm nhiều tiền, lại phải nai lưng ra giúp vợ đủ thứ việc nhà cơ. Kiếm đâu ra một anh chàng VN tiêu chuẩn ấy.

Cháu đã quyết ly hôn vì người chồng ấy không cùng quan niệm sống với cháu. Mà lại yếm thế, không biên chế, không chạy chọt, không giỏi xoay. Thôi đành cháu ơi. Làm như người mẹ đơn thân đi, nuôi lấy con mình, mẹ nào chẳng phải ôm con khi gia đình tan vỡ. Có người còn ôm hai hoặc ba đứa con mà họ vẫn nuôi được đó thôi.

Cháu đã sai từ đầu thì thanh thản mà sửa chữa sai lầm đi, còn băn khoăn đúng sai chi nữa? Một bát nước đã hắt đi, cháu muốn hốt lại ư? Không có chuyện đó đâu, nước bẩn rồi mà cũng không hốt lại được gì. Rồi con sẽ lớn, cháu có tiền để dành, có cả đất ở thành phố, đừng kêu ca nhiều mà suy sụp. Coi như mình mượn giống sinh ra đứa con này, cho mình, nghĩ vậy cho nhẹ nợ, nhá.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm