Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy bán hàng online qua nền tảng trực tuyến” trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2023, sáng 15/11, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, xu hướng thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh trong những năm qua, đặc biệt, từ đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng trên thế giới, cũng như Việt Nam.
Là đơn vị được Bộ NN-PTNT giao chức năng nhiệm vụ quản lý, thúc đẩy xúc tiến nông sản, ông Tiến cho biết, trước đây, việc tổ chức kết nối xúc tiến quảng bá, giới thiệu nông sản, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như Shoppe, Lazada, VNPT post… vẫn gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh bởi giá cả, chế độ ưu đãi, chiến dịch truyền thông quảng bá.
Trong khi đó, hầu hết các chủ thể sản phẩm OCOP năng lực còn hạn chế, tài chính eo hẹp. Do vậy, trên các sàn thương mại điện tử thông thường rất khó tổ chức các sự kiện, đặc biệt tạo ra các chương trình mang sức ảnh hưởng lớn, giá ưu đãi, voucher…
Tuy nhiên, đến nay, với sự hợp tác giữa Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN-PTNT và TikTok Việt Nam qua chương trình "Chợ phiên OCOP - Chiến dịch quảng bá nông đặc sản" đã giúp cho các chủ thể OCOP có phương thức kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội kết hợp thương mại điện tử TikTok Shop.
"Qua đó, 10.800 sản phẩm OCOP sẽ là 10.800 câu chuyện kể về giá trị bản địa, câu chuyện về truyền thống, quy trình sản xuất, câu chuyện về nguồn gốc xuất xứ, câu chuyện về chủ thể tạo ra sản phẩm… Từ đó, có thể tạo ra cảm xúc, niềm tin của người tiêu dùng tiếp cận trực tiếp buổi livestream. Nền tảng này đã tạo ra sự phù hợp để thúc đẩy xúc tiến, quảng bá sản phẩm nông nghiệp nói chung và đặc biệt là sản phẩm OCOP", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, qua 7 tháng triển khai tại 24 địa phương, đến nay đã có 700 phiên livetream với tổng doanh số 100 tỷ đồng, bình quân 1 phiên livestream đạt khoảng 130-150 triệu đồng, thậm chí lên đến 300-700 triệu đồng mỗi phiên. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp có doanh thu tốt hơn là các sản phẩm phi nông nghiệp.
Tại các phiên chợ này, đơn vị sẽ tập trung mời các KOLs, TikToker nổi tiếng, đặc biệt, mỗi địa phương chọn 1 nhà bán hàng gắn trực tiếp với địa phương đó để khai thác được niềm tự hào, sự gắn bó của mỗi người bán hàng với mỗi địa phương, qua đó tạo sự lan tỏa, hiệu ứng xã hội tốt. Theo thống kê, hiện có 300 triệu người xem livestream trên TikTok. Hashtag #Ocop hiện đã có 1,1 tỷ triệu người click.
Song song với việc bán hàng thông qua các nhà bán hàng nổi tiếng, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp và TikTok Việt Nam đào tạo thêm những “hạt giống Tiktok” mới.
"Mỗi địa phương chúng tôi lựa chọn 10-15 các chủ thể là những người sản xuất ra những sản phẩm OCOP của từng địa phương để hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, nghiệp vụ, đóng gói bao bì nhãn mác, để từng bước chính thức mở kênh bán hàng của mình. Hiện nay, đã có nhiều bạn thực sự mở kênh độc lập và phát triển bền vững như bạn Đại (Bắc Kạn), Thảo Mola (Lâm Đồng), Tú Trinh (Đồng Tháp), Hoa (Phú Thọ)…", ông Tiến thông tin và cho biết thêm, qua mỗi lần bán hàng trên TikTok Shop, mỗi chủ thể ngoài việc thu lợi về kinh tế họ còn thu được một lượng lớn thông tin phản hồi của người mua, người đã sử dụng sản phẩm từ vấn đề mẫu mã, bao bì, quy cách, chất lượng sản phẩm… từ đó có thể tự hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, cũng như định vị được phân khúc thị trường.
Với việc thành công của sản phẩm nông sản, ông Tiến cho rằng, còn rất nhiều dư địa mà các sản phẩm nông nghiệp nông thôn có thể phát triển. Do đó, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm, sản phẩm OCOP trên nền tảng TikTok Shop trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Asean.
Theo ông Tiến, từ năm 2023, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương cũng như các bộ ngành đã thay đổi rất nhiều về quan niệm thị trường Trung Quốc. Trong đó, Trung Quốc với 30 tỉnh thành, sẽ là 30 thị trường khác nhau, phân khúc khác nhau. Vì vậy, dư địa cho nông đặc sản Việt Nam là còn rất nhiều, tuy nhiên cần phải định vị được vị trí sản phẩm. "Trong năm 2024, sẽ tổ chức các sự kiện livestream cho cả khu vực Asean để giới thiệu bán các sản phẩm Việt Nam", ông Tiến nói.
Là một trong những người “rời phố về quê” lập nghiệp, chị Nguyễn Thị Thu Hà (Hana Ban Mê) cho biết, xuất phát từ con số không, nhưng hiện nay, nhờ quay những video chia sẻ về cuộc sống ở quê như mẹ dạy cách khui quả sầu riêng để không bị chảy máu, hành trình khó khăn từ một quả cafe đến ly cà phê... đã giúp chị sở hữu kênh Tiktok triệu view.
Từ thực tế tại Đồng Tháp trong hai năm qua, bà Nguyễn Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng KHCN và đào tạo Mekong cho rằng, việc đào tạo kỹ năng cho các chủ thể cần là về công nghệ, về cách vận hành, đào tạo quy trình từ đóng gói, nhận đơn, quy trình logistics, tiếp nhận feedback của khách... Đặc biệt là đào tạo về kỹ năng bán hàng cho cả quản lý và cả doanh nghiệp.