| Hotline: 0983.970.780

Bảo vệ đất chè - Giữ gìn bản sắc trà Thái

Thứ Hai 09/05/2022 , 13:29 (GMT+7)

Tinh hoa trà Việt là trà Thái. Câytrồng chủ lực này vừa được kích hoạt chế độ bảo vệ nghiêm ngặt. Đó là cách gìn giữ bản sắc của người dân Thái Nguyên nói riêng.

Thu hái chè tại vùng chè sạch Tân Cương TP.Thái Nguyên. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Thu hái chè tại vùng chè sạch Tân Cương TP.Thái Nguyên. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Chuyển đổi mạnh mẽ

Thủ phủ trà Việt được đóng đinh ở Thái Nguyên. Tuy nhiên, đến đầu thế  kỷ này, diện tích chè Thái Nguyên mới chỉ có hơn 10.000 ha, chủ yếu là giống chè Trung du truyền thống. Hơn 2 thập kỷ vừa qua, Thái Nguyên đã thực hiện cuộc cách mạng đặc biệt làm cho sản phẩm chè càng thêm nổi tiếng. Đặc biệt là người làm chè ngày càng hạnh phúc, gắn bó với nghề.

Cuộc cách mạng chè mang lại hạnh phúc cho người làm chè là sự chuyển đổi về phương thức sản xuất khiến cho họ thấy khỏe với nghề, vì nghề. Trước hết đó là sự chuyển đổi về giống chè cùng với bước tăng trưởng đột phá về diện tích trồng chè. Việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống chè đã mang lại sự nhảy vọt cả về chất và lượng cho chè Thái Nguyên.

Nếu như năm 1997, Thái Nguyên mới có 10.952 ha chè, năng suất bình quân đạt 31,48 tạ/ha thì đến năm 2009, diện tích là 17.309 ha, năng suất đạt 98,96 tạ/ha. Có thể thấy, sau hơn 10 năm, dù diện tích chưa tăng gấp đôi nhưng sản lượng chè đã tăng gấp 4 lần.

Đến năm 2011, Thái Nguyên có gần 18.200 ha chè, năng suất đạt gần 109 tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 181.000 tấn (gấp hơn 7 lần so với năm 1997).

Bình quân mỗi năm, Thái Nguyên trồng mới và trồng thay thế chè bằng giống mới là 1.000 ha.  Năm 2011, diện tích chè trung du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% tổng diện tích. Đến năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%. Đến năm 2017, diện tích chè giống mới chiếm 71% đạt 15.480 ha (trong đó, giống chè LDP1 chiếm 70,2%; Kim Tuyên, Thúy Ngọc 12,1%; Phúc Vân Tiên 9%, giống TRI777 7%, các giống chè mới khác chiếm 1,7%. Các giống chè LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên có năng suất, chất lượng cao để làm nguyên liệu chế biến chè xanh cao cấp.

 Việc chuyển dịch mạnh mẽ nói trên cơ bản là do năng suất, chất lượng và giá trị của các loại chè giống mới, nhất là năng suất cao hơn hẳn so với giống chè Trung du. Trong khi, chè Trung du cho năng suất khoảng 70 - 80 tạ/ha thì năng suất trung bình của chè giống mới đạt từ 110 - 130 tạ/ha. Cá biệt chè LDP1 có thể cho năng suất đạt tới 150 - 160 tạ/ha.

Hiện Thái Nguyên có khoảng 22,5 nghìn ha chè, với nhiều vùng sản xuất chè tập trung như, chè giống mới đạt hơn hơn 80%, năng suất bình quân đạt 123,8 tạ chè búp tươi/ha/năm. Bình quân toàn tỉnh, mỗi ha chè cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Đặc biệt, những vùng chè nổi tiếng như Trại Cài, Minh Lập (huyện Đồng Hỷ), La Bằng, Tân Linh, Hùng Sơn (huyện Đại Từ), Tân Cương (TP Thái Nguyên) cho thu nhập từ 500 750 triệu triệu đồng/ha/năm.

Nỗ lực giữ gìn

Từ vị thế là cây xóa đói giảm nghèo, chè được coi là cây trồng mũi nhọn, một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có giá trị thương hiệu lớn của Thái Nguyên. Tuy nhiên, diện tích trồng chè những năm gần đây tăng chậm, chững lại, thậm chí đang có nguy cơ giảm ở một số huyện và thành phố Thái Nguyên. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh sang làm công nghiệp, dịch vụ; nhiều dự án phát triển hạ tầng, công nghiệp, du lịch, khu dân cư, khu đô thị “đè” lên nương chè.

Kịp thời kích hoạt chế độ bảo vệ nghiêm ngặt cho cây chè mang đến sự đồng thuận lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Kịp thời kích hoạt chế độ bảo vệ nghiêm ngặt cho cây chè mang đến sự đồng thuận lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành văn bản tăng cường công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè. Văn bản nêu rõ, sản phẩm chè không những đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang một số nước khác, mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế và thực hiện tốt mục tiêu phát triển cây chè là sản phẩm chủ lực của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương rà soát lại quy hoạch, không quy hoạch các dự án khác vào các khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương (trừ các dự án trọng điểm của tỉnh và dự án quan trọng cấp quốc gia). Không chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác.

Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu chính quyền thành phố Thái Nguyên và các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, nơi đang có các dự án liên quan đến đất trồng chè, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè hoặc để xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trái phép trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng tương tự.

Ông Trần Văn Cường (Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, thành phố Thái Nguyên) cho biết, Phúc Xuân là địa phương nằm trong địa bàn được sử dụng chứng nhận chỉ dẫn địa lý vùng chè đặc sản Tân Cương. Mỗi khi thấy chè bị đốn, đất chè phải nhường cho mục đích sử dụng khác lại thấy bùi ngùi. Văn bản của UBND tỉnh kịp thời hạn chế, ngăn chặn việc san ủi đồi chè vì những cái lợi trước mắt. Đó cũng là động thái tri ân cây chè, người làm chè xứ Thái.

Ông Ma Tiến Kốp, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Phú Lương cho biết, huyện hiện có 4.300 ha chè, thực tế cho thấy, trong những năm qua, trên địa bàn đã xảy ra tình trạng chặt, phá chè để trồng rừng nên diện tích dành cho đất trồng chè bị ảnh hưởng ít nhiều.

Để chủ trương biến thành hiện thực, huyện Phú Lương đã tổ chức cho 100% các xã ký cam kết thực hiện công tác quản lý, bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè trên địa bàn toàn huyện. Phú Lương chủ trương giữ vững diện tích chè đang có, đồng thời hướng tới mục tiêu chuyển đổi sang các giống chè chất lượng cao, đẩy mạnh sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ, để chất lượng và thương hiệu chè Phú Lương ngày một vươn xa.

Ông Dương Sơn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, ngành hàng chè Thái Nguyên không chỉ đứng đầu cả nước về các chỉ tiêu sản xuất, giá trị và hiệu quả kinh tế mà còn cả văn hoá xã hội và môi trường. Với rất nhiều những chương trình, đề án, có thể nói chè Thái Nguyên vẫn còn những dư địa để tiếp tục phát triển.

Giá trị gia tăng của sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn cần tiếp cận để vươn tới những giá trị của thế giới. Bảo vệ đất chè không đơn thuần là gìn giữ bản sắc văn hóa mà chính là sự đảm bảo cho sự phát triển ổn định bền vững với mục tiêu chắc chắn phải đạt được là sự phồn vinh cho người làm chè, cho những vùng chè xứ Thái.

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất