| Hotline: 0983.970.780

Giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững

Chủ Nhật 06/11/2022 , 11:43 (GMT+7)

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nêu giải pháp phát triển nuôi tôm hùm bền vững tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Các tỉnh Nam Trung bộ, nơi được xem là “thủ phủ” nuôi tôm hùm bằng lồng bè, trong đó tập trung nuôi nhiều nhất tại 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Những năm qua, nghề nuôi tôm hùm tại 2 tỉnh trên đã trở thành đối tượng nuôi biển trọng điểm của địa phương và là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp rất lớn vào kinh tế - xã hội, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh.

Nam Trung bộ được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Nam Trung bộ được xem là thủ phủ nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Tại tỉnh Phú Yên trong năm 2021, sản lượng tôm hùm thu hoạch đạt 1.500 tấn. Những tháng trong năm 2022, theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh thả nuôi 96.114 lồng tôm hùm, trong đó thị xã Sông Cầu 64.985 lồng, huyện Tuy An 14.650 lồng, huyện Đông Hòa 16.479 lồng.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, theo ngành nông nghiệp tỉnh này, tổng số lồng thả nuôi tôm hùm toàn tỉnh khoảng 64.500 ô lồng, sản lượng trên 1.300 tấn.

Tuy nhiên điều đáng nói nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh hiện còn nhiều thách thức như việc quản lý nguồn giống, thức ăn, quản lý vùng nuôi còn nhiều bất cập. Đặc biệt các hộ nuôi tôm hùm luôn phải đối mặt trước nhiều rủi ro và thách thức khi có thiên tai, dịch bệnh, môi trường nuôi bị ô nhiễm, tôm hùm tiêu thụ phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch…

Trước những tồn tại, hạn chế trên, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nêu một số giải pháp cho các địa phương trong việc phát triển nuôi tôm hùm bền vững.

Theo đó, về tổ chức và quản lý sản xuất, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất tôm hùm (vùng sản xuất giống, vùng nuôi thương phẩm) để đưa vào quy hoạch sử dụng đất, mặt nước biển theo quy định. Cùng với đó thực hiện cấp phép nuôi biển và xác nhận đăng ký nuôi lồng, bè theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.

Tôm hùm là loại có giá trị kinh tế cao, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: ĐB.

Tôm hùm là loại có giá trị kinh tế cao, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: ĐB.

Tổ chức lại nuôi tôm hùm theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thành các Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Chi hội nghề nghiệp liên kết với các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm. Xúc tiến thành lập Hiệp hội của người nuôi, chế biến và xuất khẩu tôm hùm Việt Nam. Kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất: điều kiện cơ sở nuôi; sản xuất, cung cấp con giống; thức ăn; thuốc, hóa chất; sản phẩm xử lý cải tạo môi trường và vật tư phục vụ trong nuôi tôm.

Đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác nguồn giống tôm hùm tự nhiên; ban hành các quy định về kích cỡ, nghề khai thác và mùa vụ khai thác tôm hùm giống tự nhiên. Thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của của người dân về bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên. Ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập cơ sở dữ liệu về sản xuất, xuất khẩu tôm hùm.

Đối với lĩnh vực khoa học công nghệ và khuyến ngư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần hợp tác với các quốc gia như Úc, New Zealand, Nhật Bản nghiên cứu để chủ động sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông và tôm hùm xanh. Đồng thời tập trung nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ sử dụng hệ thống lọc nước tuần hoàn, thức ăn công nghiệp.

Lồng bè nuôi tôm hùm chủ yếu làm bằng gỗ tre không thích ứng với thiên tai. Ảnh: KS.

Lồng bè nuôi tôm hùm chủ yếu làm bằng gỗ tre không thích ứng với thiên tai. Ảnh: KS.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình nuôi tôm hùm theo nhiều giai đoạn nhằm nâng cao năng suất, tăng tỷ lệ sống, giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm rủi ro do dịch bệnh, hạn chế các tác động làm ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi tôm hùm ứng dụng công nghệ cao tại các vùng biển xa bờ, vùng biển hở bằng vật liệu liệu mới (lưới làm lồng bằng hợp kim đồng, khung lồng làm bằng nhựa HDPE,...).

Nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và dây chuyền sản xuất thức ăn hỗn hợp theo quy mô công nghiệp, nhằm giảm hệ số sử dụng thức ăn, giảm giá thành, tăng sức đề kháng, nâng cao tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống trong quá trình nuôi; cải thiện màu sắc và hạn chế gây ô nhiễm môi trường.  Đào tạo, tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm hùm tiên tiến cho các cơ sở nuôi tôm hùm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và phát triển bền vững.

Về phòng trị bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu cần tập trung nghiên cứu và đề xuất các biện pháp phòng trị bệnh hiệu quả trên tôm hùm nuôi, đặc biệt là những bệnh thường gặp như: bệnh sữa, đen mang, đốm trắng trên vỏ, đỏ thân, trắng râu, long đầu,... Tăng cường công tác quản lý môi trường, dịch bệnh theo quy định; xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường tự động tại các vùng nuôi tập trung, trọng điểm; kịp thời cảnh báo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm thực thi pháp luật của người nuôi tôm hùm về các quy định phòng chống dịch bệnh, quy trình kỹ thuật nuôi, phòng chống thiên tai... đồng thời tăng cường việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ĐB.

Nuôi tôm hùm trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ĐB.

Chính quyền địa phương xây dựng, ban hành quy chế thu gom, xử lý chất thải các vùng nuôi tôm hùm; thực hiện việc quản lý thu gom và xử lý chất thải từ nuôi tôm hùm. Đối với việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tôm hùm nên xây dựng hệ thống dịch vụ vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm tôm hùm sống tại thị trường nội địa.

Về phía nhà nước hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tôm hùm tại nước ngoài, cũng như tổ chức đàm phán, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong nhập khẩu tôm hùm giống từ các nước: Indonesia, Philippines, Myanmar, Srilanka, Singapore...

Thu hút các đơn vị tham gia xây dựng và mở rộng hệ thống phân phối tôm hùm sống bao gồm các điểm thu mua, lưu giữ tại vùng nuôi tập trung; các điểm trung chuyển trước khi phân phối để tạo sản phẩm tôm sạch, đảm bảo chất lượng và yêu cầu truy xuất nguồn gốc.

Tiếp tục áp dụng các giải pháp công nghệ trong chế biến, bảo quản đặc biệt là đầu tư chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, công nghệ bảo quản vận chuyển sống tôm hùm nhằm đa dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm tôm hùm Việt Nam.

Về vốn, đầu tư, theo ông Trần Đình Luân, sẽ thực hiện hợp tác công tư, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước trong các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển nuôi, chế biến xuất khẩu tôm hùm. Đối với ngân sách nhà nước tập trung đầu tư các dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, thức ăn, nuôi tôm hùm lồng ở các vùng biển xa, biển hở, nuôi trong hệ thống trên bờ; quan trắc cảnh báo môi trường, bệnh dịch; điều tra, bảo vệ nguồn lợi tôm hùm; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm hùm trọng điểm.

Xem thêm
Làng nghề nuôi cá giống Hội Am thắng lớn ngày ông Táo

HẢI PHÒNG Do sức mua tăng nên người dân nuôi cá chép giống phục vụ ngày ông Táo ở làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo thắng đậm.

Giảm khai thác, tăng nuôi trồng, nâng cao giá trị thủy sản

Đây là mục tiêu mà ngành thủy sản tiếp tục đặt ra trong năm 2025 - năm cuối tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.

Bình luận mới nhất