| Hotline: 0983.970.780

Bất ổn triền miên tại BQL RPH Bắc Nghệ An: Đụng đâu sai đó

Thứ Năm 14/02/2019 , 14:05 (GMT+7)

Tình trạng người dân tự ý lấn chiếm, khai thác rừng trái phép tại Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Bắc Nghệ An kéo dài mải miết nhưng các đơn vị liên quan không tài nào xử lý được...

Sai phạm hàng loạt

Trước tình trạng bất ổn liên miên tại địa phận quản lý của BQL RPH Bắc Nghệ An (thành lập theo Quyết định số 47 ngày 5/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An trên cơ sở chuyển đổi Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu, sau đó sáp nhập với BQL RPH Quỳnh Lưu), ngày 18/10/2018 Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu đã có công văn số 1201-CV/HU về việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Bí thư – Chủ tịch UBND xã Tân Thắng; nguyên Bí thư Chi bộ, Đảng viên – nguyên Trưởng BQL RPH Quỳnh Lưu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ.

11-19-50_1
Rừng phòng hộ tại bị người dân đốt cháy nham nhở để trồng dứa, keo...


Mới đây Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Huyện ủy Quỳnh Lưu đã có thông báo số 131 – TB/UBKTHU nêu rõ một số nội dung trọng tâm sau:

Đối với Ban thường vụ Đảng ủy xã Tân Thắng, đơn vị này chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng (PCCR). Trên địa bàn vẫn xảy ra chặt phá rừng, cháy rừng nhưng chưa có hướng giải quyết và ngăn chặn hiệu quả. Chưa kịp thời kiểm tra, chỉ đạo xử lý các trường hợp sai phạm, nhất là với các đảng viên, cán bộ, công chức thuộc UBND xã.

Đối với ông Phan Tiến Dũng - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Tân Thắng, UBKT khẳng định chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao, công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện công việc bảo vệ và phát triển rừng chưa tốt.

Đối với các trường hợp vi phạm gồm ông Dương Đình Phúc, đảng viên, cán bộ văn hóa xã; Nguyễn Thị Yến, đảng viên Chi bộ xóm 26/3; Nguyễn Ngọc Sơn, đảng viên, cán bộ Tư pháp xã; Đậu Đức Thắng, công dân xóm 2/9, 4 hộ trên đã tự ý khai thác 10,3 ha rừng trồng nằm trong diện tích rừng phòng hộ khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Khi tiếp nhận văn bản đình chỉ đã không nghiêm túc chấp hành.

Về trường hợp của ông Võ Văn Vinh, nguyên Bí thư Chi bộ, nguyên Trưởng BQL RPH giai đoạn 2007 – 2018, phía đơn vị kiểm tra xác nhận: “Nhiều sai phạm trong việc lập hồ sơ, thủ tục trồng, chăm sóc rừng phòng hộ; một số diện tích đất rừng chưa đưa vào quản lý, giao khoán mà để cho các hộ dân trồng cây tự do đã dẫn đến tình trạng sử dụng sai mục đích, khai thác trái phép; thiếu cương quyết trong xử lý sai phạm dẫn đến tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật, sử dụng đất sau mục đích; thiếu trách nhiệm trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng, chưa phối hợp chặt chẽ với UBND xã...”.

Trong giai đoạn 2007 – 2012, ông Võ Văn Vinh với chức danh Trưởng ban đã đã buông lỏng quản lý vốn đầu tư trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng phòng hộ theo QĐ số 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng, không chi trả đầy đủ chế độ cho các hộ dân thuộc diện dự án.

“Đối tác” ăn ý của ông Vinh thời gian này là kế toán (Nguyễn Thị Bích Thủy) và thủ quỹ (Cao Thị Vân và Ngũ Thị Mai) của BQL RPH Quỳnh Lưu. Những người này đã tiến hành giả mạo hồ sơ (biên bản nghiệm thu trồng, chăm sóc rừng, giả mạo chữ ký 50 người thanh toán, người nhận tiền) để rút ngân sách, có dấu hiệu tham ô số tiền 1.303.696.232 đồng sử dụng vào mục đích riêng.

Tại buổi làm việc ngày 19/12/2018, Đoàn kiểm tra yêu cầu những cá nhân sai phạm nạp đủ số tiền trước ngày 10/1/2019, tuy nhiên đến 15/1/2019 các trường hợp liên quan vẫn không chấp hành (!?) Xét tính chất mức độ nghiêm trọng của vụ việc, UBKT đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quỳnh Lưu để điều tra, làm rõ.
 

Nan giải xử lý

Hậu quả nặng nề từ “nhiệm kỳ trước” để lại khiến tập thể lãnh đạo, CBCNV của BQL RPH Bắc Nghệ An như gánh trên vai hàng tấn áp lực. Quyết tâm có thừa nhưng do vướng phải quy định mang tính đặc thù (chủ rừng không có chức năng xử phạt), thành thử dù muốn bản thân họ cũng không thể tự thân xoay chuyển tình hình.

Thực tế huyện Quỳnh Lưu hiểu hơn ai hết bản chất của vấn đề, điều này được thể hiện rõ ràng trong thông báo số 131 – TB/UBKTHU. Theo đó, nhằm tránh tình trạng “đêm dài lắm mộng”, một mặt UBKT yêu cầu BQL RPH Bắc Nghệ An lập thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền hủy bỏ các hợp đồng (khế ước) giao khoán trái luật trước đây.

11-19-50_2
Ảnh: V.K

Mặt khác chỉ đạo Đảng ủy xã Tân Thắng phải tổ chức khắc phục hậu quả, đồng thời tiến hành họp kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan. Đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; cán bộ địa chính nông nghiệp, lâm nghiệp.

Trong khi đó, phía Chi bộ Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu phải tiến hành kiểm điểm trách nhiệm về việc lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Bí thư Chi bộ, Chi bộ và cá nhân được giao trong công tác quản lý, tuần tra bảo vệ rừng tại xã Tân Thắng.

Lạ thay mặc dầu sai phạm đã được cơ quan chuyên ngành chỉ rõ rành rành nhưng xem ra bấy nhiêu đó chưa đủ tạo nên sức nặng cần thiết, bằng chứng là thời điểm hiện tại máu rừng phòng hộ vẫn không ngừng tuôn. Điều đáng nói là hành vi vi phạm không còn gói gọn trên địa giới hành chính của xã Tân Thắng mà còn lan rộng ra các địa bàn khác, e rằng nếu không sớm có biện pháp ngăn chặn thấu đáo thì sớm muộn rừng Quỳnh Lưu sẽ trở thành một mớ hỗn độn theo kiểu “cha chung không ai khóc”.

Cần biết rằng trong tổng số 6.000 ha rừng thuộc sự quản lý của BQL RPH Bắc Nghệ An chỉ có khoảng 1.500 rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ. Nhiều diện tích trồng theo dự án đầu tư của nhà nước, về sau khi được giao khoán bảo vệ thì một số hộ đã tự ý phát dọn và trồng mới keo, dứa... Việc mập mờ “đánh lận con đen” cùng với lập luận “tự trang trải kinh phí nên có quyền khai thác” khiến tình hình an ninh rừng nơi đây luôn căng như dây đàn.

Dư luận thực sự ái ngại với những gì đang diễn ra, liệu rằng rồi đây khi các đối tượng cố tình tát nước theo mưa chẳng hình dung nổi rừng phòng hộ Quỳnh Lưu sẽ thê thảm đến mức độ nào?

Trao đổi với Báo NNVN, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu Hoàng Văn Bộ cho biết: “Tình trạng chặt phá rừng chủ yếu xảy ra ở địa bàn 2 xã Quỳnh Tân và Tân Thắng. Quá trình quy hoạch ban đầu chưa chính xác, toàn bộ 2.800 ha không phải rừng nguyên sinh mà một phần diện tích có rừng, một phần là đất sản xuất của dân. Rừng thuộc quản lý của BQL RPH nhưng không xác định rõ diện tích giao khoán cho từng hộ nên rất khó chủ động, lâu nay luôn phải chạy theo sự việc tìm hướng giải quyết”.

Theo ông Bộ, trước mắt cần rà soát lại hiện trạng, sau đó tiến hành bàn giao chi tiết và có cam kết rạch ròi của từng hộ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ thẩm quyền của đơn vị chức năng và điều chỉnh mức độ xử phạt nhằm tạo nên sức răn đe cần thiết.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.