| Hotline: 0983.970.780

Bấy giờ cháu mới biết chồng là một người mê lô đề

Thứ Năm 05/08/2010 , 10:43 (GMT+7)

Cô không khuyến khích ly hôn nhưng cô không khuyên chịu đựng.

Cô Dạ Hương kính mến!

Khi cháu 9 tuổi, một người hàng xóm đáng tuổi bố cháu đã làm “chuyện ấy” với cháu… Cháu nghĩ mình không còn là con gái nữa, càng lớn cháu càng thấy tủi thân. Vào đại học, cháu yêu một bạn trai cùng khoa khác lớp vào năm cuối nhưng không dám nói gì. Ra trường, cháu về quê xin làm hợp đồng trong một cơ quan Nhà nước, còn bạn ấy nhận công tác thật xa. Cháu đã đánh mất người ấy. Chồng cháu bây giờ là người cùng làng, hơn cháu 5 tuổi, tốt nghiệp ĐH Luật, làm ngành toà án, một gia đình có vẻ gia giáo, nề nếp, bố anh là cán bộ về nghỉ mất sức, tất cả anh chị em của anh đều tốt nghiệp ĐH và có công ăn việc làm ổn định, chú ruột anh là một giám đốc Sở và rất quan tâm tới con cháu trong nhà… Một điều hạnh phúc là không có bất kỳ chuyện gì xảy ra đối với cháu trong đêm tân hôn, cháu vẫn còn trinh nguyên cô ạ…

Sống trong nhà chồng 4 thế hệ cháu dần nhận ra, họ là một gia đình gia trưởng có hệ thống, từ bà nội chồng tới bố chồng và bây giờ là chồng cháu, đó là những con người khó tính, thô tục. Khi có thai cháu không được khoẻ, phải nghỉ làm nằm một chỗ, bố chồng bệnh nan y phải nằm viện, anh đi nuôi bố, mẹ chồng phục vụ cơm nước giặt giũ, thế là mâu thuẫn giữa cháu và gia đình chồng bắt đầu. Bấy giờ cháu mới biết chồng là một người mê lô đề, ham cờ bạc, rất khéo che đậy. Ngay trước đám cưới, gia đình phải trả nợ cho anh hơn 100 triệu, cho anh tiền mua sắm đồ cưới, mua xe máy đi làm, tiền mừng cưới anh cầm hết. Chỉ trong mấy tháng anh còn nói dối để cắm xe của cháu 2 lần. Đến lần thứ 3 thì anh đã lỡ hẹn chuộc xe cùng với những lời nói gần xa từ gia đình bên chồng, cháu mới sinh nghi. Đem chuyện trình bày với gia đình chồng, hoá ra chỉ mình cháu là ngu ngơ, thời điểm đó anh đang nợ khoảng 70 triệu, chú ruột anh lại cho tiền nhổ xe vợ ra và trả hết chỗ nợ đó. Anh hứa từ giờ sẽ không chơi nữa… Nhưng anh vẫn chơi và vẫn thua.

Con gái 8 tháng tuổi là niềm an ủi duy nhất của cháu nhưng bé bị một căn bệnh di truyền ở da, nứt nẻ, bong tróc, đau rát, nhất là những hôm thời tiết hanh khô. Liên tục gần đây anh và cháu đã va chạm và nói nhiều đến ly hôn nhưng như vậy con sẽ thiếu cha, bố mẹ cháu sẽ mất mặt với xóm làng. Cháu chán nản mọi thứ, đêm nằm chỉ biết ôm con và khóc, cháu muốn đưa con đi chữa bệnh nhưng chưa chuẩn bị đủ tiền và chưa chữa ở đâu, và liệu có chữa được không vì nó là bệnh di truyền?

Cháu gái bất hạnh xin không nêu email

Cháu thương mến!

Cô nhớ một cô gái bị tổn thương từ hồi 9 tuổi và cô đã hồi âm riêng hay lên báo, đã lâu cô không rõ nữa. Lá thư này dài 13 trang vi tính, vô số chi tiết về cuộc sống gia đình, cô hiểu thấu hết nhưng trích ra đây không đủ. Rất mừng là cháu vẫn chưa bị xâm hại sâu sắc và đã có đêm tân hôn đúng nghĩa.

Cuộc sống bây giờ quá hỗn độn, vì vậy sự may rủi trong hôn nhân càng lớn. Người chuẩn cực hiếm và ai lấy được người đó coi như trúng số độc đắc. Người tha hóa quá đông, thư gửi về cô, tỷ lệ thất vọng, chán nản trong hôn nhân quá cao. Cháu không ngoại lệ và càng bế tắc hơn trong mâu thuẫn của một gia đình tứ đại đồng đường, mô hình đã xưa, đã rất lạc hậu. Cô đoán họ mừng rơn khi chàng quí tử hư hốt của họ cưới được vợ, không dưng mà cả họ kín tiếng và chú ruột của chàng ta ra tay cứu giúp hết đận này sang đận khác. Cô thấy nhiều gia đình bất lực như vậy khi con hư và họ kỳ vọng vào một cô gái nết na, một cuộc hôn nhân bền vững. Nhưng ngựa quen đường cũ, càng là quí tử, con cái nhà họ càng hư nặng, như bệnh nhân nan y, trời cứu.

Cô không nghĩ ly hôn là biện pháp tồi trong trường hợp cháu. Cháu tiếc gì, một người cha cờ bạc, một người chồng cạn tàu ráo máng, một gia đình gia trưởng, thô tục ư? Sao cháu không tiếc cuộc đời mình, tấm bằng của mình và công cha nghĩa mẹ. Có thể cha mẹ không bị sốc nếu biết rõ nguồn cơn. Quan niệm con cái ly hôn làm cha mẹ mất mặt có lý nhưng nó không thuyết phục, bằng con gái chửa hoang hay bằng những người tự sinh con một mình chưa? Miệng người việc họ, kệ, cứ lựa chiều thì mất hết tự do cá nhân, không kiến thiết được tương lai cho mình, lại ảnh hưởng đến người thân một cách lâu dài, khó chịu.

Cô không khuyến khích ly hôn nhưng cô không khuyên chịu đựng. Cần bình tĩnh, khôn khéo để tránh đối đầu và xô xát. Dĩ nhiên ai cũng lâm vào tình trạng chiến tranh lạnh trước khi mọi việc vỡ ra, làm lại từ đầu hay kết thúc. Khóc nhiều không giải quyết được gì, hao tâm khổ tứ, thiệt thân. Nín nhịn nhưng quyết đoán, mềm mại để giữ được tư thế cho tới cuối cùng, đó là bản lĩnh và văn hóa của người có học, cháu nhá. Mong cháu may mắn dù hoàn cảnh như thế nào.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm