Xác hổ con được tìm thấy tại chùa Hổ, Thái Lan, cuối tháng 5/2016. (Ảnh: AP) |
40 xác hổ con được tìm thấy trong tủ đông lạnh tại một trong những khu bảo tồn hổ nổi tiếng nhất thế giới. Hơn 500 sĩ quan từ Sở Công viên Quốc gia Thái Lan (DNP) ngày 30/5/2016 đã đột kích chùa Hổ, cách thủ đô Bangkok vài giờ lái xe, và phơi bày bí mật động trời trên sau nhiều năm ngôi chùa bị cáo buộc gây giống và buôn bán hổ trái phép, theo Time.
Trụ trì chùa phủ nhận mọi cáo buộc nhưng tổng cộng 147 con hổ còn sống đã bị tịch thu. Bên cạnh xác 40 con hổ chưa trưởng thành, người ta còn tìm thấy xác 20 con hổ khác được ngâm trong bình formaldehyde, da của hai con hổ trưởng thành, 1.500 lá bùa bằng da hổ cùng hàng loạt trang sức làm từ nanh hổ.
“Họ tặng chúng cho những người quyên góp tiền”, Phó giám đốc DNP Adisorn Noochdumrong cho hay. Không lâu sau cuộc đột kích, chùa Hổ bị đóng cửa.
Thành lập năm 1992, chùa Hổ có tên gọi chính thức là Wat Pha Luang Ta Bua Yanasampanno. Năm 1999, ngôi chùa nhận nuôi con hổ đầu tiên. Các ngôi chùa Phật giáo ở Thái Lan có truyền thống nhận nuôi động vật bị thương hoặc bị bỏ rơi. Nhưng Kanchanaburi trở nên nổi tiếng bởi đây là nơi duy nhất du khách có thể nhìn thấy lũ hổ sống hòa nhập cùng các nhà sư.
Chùa Hổ về cơ bản là một công viên hoang dã. Bên cạnh hổ, nơi đây còn có sự xuất hiện của nai, lợn rừng, bò hoang, ngựa, chim công và mèo rừng. Hổ đa phần được nhốt trong các chuồng bê tông tách biệt. Mỗi buổi chiều, người ta dắt chúng bằng xích tới “Hẻm núi”, một khu vực nhân tạo với những vách đá và ao lớn, để chụp ảnh cùng du khách.
Du khách phải trả khoảng 20 USD cho mỗi lần thăm chùa Hổ và mất thêm 35 USD nữa nếu muốn cho hổ con ăn hoặc chụp ảnh chung với những con hổ trưởng thành.
“Không ai trong chúng tôi muốn vận hành Hẻm núi nhưng chúng tôi cần tiền từ du khách để làm được nhiều điều hơn cho lũ hổ”, Julianne Parker, tình nguyện viên người Australia từng làm việc tại chùa Hổ trong 7 năm, chia sẻ.
Tại Thái Lan, về mặt lý thuyết, tất cả hổ đều thuộc về chính phủ nhưng những chủ sở hữu tư nhân được phép giữ hổ, gây giống và sử dụng chúng cho mục đích thương mại nếu có giấy phép sở thú.
Chùa Hổ cũng có giấy phép nhưng chỉ mới được cấp hơn một tháng trước vụ đột kích. Ngôi chùa đối diện hàng loạt chỉ trích và cáo buộc mà những người phàn nàn nhiều nhất lại là các cựu tình nguyện viên. Họ nói rằng hổ con bị buôn bán bất hợp pháp.
Các nhà sư và những con hổ được nhìn thấy sống hòa đồng tại chùa Hổ. (Ảnh: AOL) |
Theo các tài liệu rò rỉ hồi năm 2004, ngôi chùa đã bán hổ cho một cơ sở ở quốc gia láng giềng Lào. Giáng sinh năm 2014, ba con hổ trưởng thành bị đánh cắp, nghi là do có “tay trong”.
“Đúng thế, những điều tồi tệ đã xảy ra. Nhưng chúng tôi đã có cách quản lý mới và mọi thứ có vẻ đang tiến triển tốt”, Tanya Erzinclioglu, tình nguyện viên tại chùa Hổ trong 6 năm, nói.
Theo Parker, trước khi bị đóng cửa, chùa Hổ đã bắt đầu thay đổi. Ngoài ba con hổ mất tích mà họ không thể lý giải, Parker và Erzinclioglu cho hay họ không biết gì về việc hổ con bị buôn bán tại chùa trong thời gian làm việc tại đây, đồng thời bác bỏ cáo buộc cho rằng hổ bị đánh thuốc mê để khiến chúng hiền hơn trước du khách.
Erzinclioglu giải thích việc xác hổ con được tìm thấy trong tủ đông cũng có lý do chính đáng. Cựu bác sĩ thú y tại chùa cho biết lưu giữ như vậy để chứng minh chúng không bị buôn lậu.
“Việc lưu trữ xác hổ con trong tủ đông là điều mà DNP đã biết suốt nhiều năm qua”, Erzinclioglu nói.
Tuy nhiên, Phó giám đốc Adisorn của DNP lại cam đoan rằng không ai trong cơ quan ông biết về việc ngôi chùa cất xác hổ con trong tủ đông. “Chúng tôi chưa bao giờ nhận được báo cáo nào về việc này”.
Dù ai sai, ai đúng, có một thực tế là mô hình kinh doanh của chùa Hổ thực sự gặp vấn đề, chuyên gia đánh giá. Để trang trải chi phí thức ăn, thuốc thang và lương cho 90 nhân viên, ngôi chùa cần tiền thu từ dịch vụ chụp ảnh chung với hổ. Nhưng hầu hết du khách lại chỉ muốn chụp ảnh cùng những chú hổ con nhỏ bé, đáng yêu. Vì thế, họ phải tăng cường gây giống để đáp ứng nhu cầu và lũ hổ cũng trở nên khó kiểm soát hơn khi đạt đến 6 tháng tuổi.
Trong thời gian Parker làm việc tài chùa, số lương hổ đã tăng từ khoảng 40 con lên 147 con. “Nhiều người nghĩ rằng đây là một cỗ máy kiếm tiền khổng lồ nhưng hầu hết chúng tôi chỉ hòa vốn, thậm chí lỗ”, Parker cho hay.