| Hotline: 0983.970.780

Bệnh dại diễn biến phức tạp

Chủ Nhật 24/03/2024 , 07:53 (GMT+7)

Đắk Lắk hiện có trên 185.000 con chó, mèo, tình hình bệnh dại tại địa phương này có chiều hướng gia tăng trong những năm qua khi đã có 4 trường hợp tử vong.

Số ca tử vong tăng, đứng thứ 3 cả nước

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2023 đến ngày 19/3/2024, địa phương có 8 ca tử vong do bệnh dại, nhiều thứ 3 cả nước. Riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 4 người tử vong do bệnh dại, bằng tổng số ca tử vong trong cả năm 2023.

Đắk Lắk hiện có 185.211 con chó, mèo, tình hình bệnh dại tại địa phương này có chiều hướng gia tăng trong những năm qua.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại gia tăng tại địa phương là do một số huyện chưa quản lý được đàn chó, mèo (chưa thống kê chính xác số lượng đàn chó, mèo). Hiện nay, chó thả rông còn phổ biến, đặc biệt là tại các vùng nông thôn.

Lực lượng chức năng tuyên truyền về tiêm phòng cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên. 

Lực lượng chức năng tuyên truyền về tiêm phòng cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Quang Yên. 

Ngoài ra, công tác tiêm phòng vacxin bệnh dại cho chó, mèo chưa đạt hiệu quả. Việc thông tin, tuyên truyền về bệnh dại chưa thường xuyên, liên tục.

Virus dại còn lưu hành trên động vật. Chưa áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo theo quy định.

Việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; Hệ thống thú y cơ sở còn thiếu về số lượng, công việc vất vả, phụ cấp thấp, trong khi đó địa bàn quản lý rộng.

Trong khi, nhận thức của một bộ phận người dân về mức độ nguy hiểm và các quy định về phòng, chống bệnh dại còn hạn chế. Phối hợp liên ngành, nhất là ngành thú y, ngành y tế và chính quyền ở một số địa phương còn rất hạn chế.

Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, địa bàn có diện tích rộng, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, công tác quản lý việc nuôi chó mèo rất khó khăn vì theo tập quán người dân thường thả rông.

Theo ông Minh, ở vùng nông thôn mỗi nhà có thể nuôi chó mèo với số lượng lớn nên việc tiêm phòng rất khó.

“Việc tiêm phòng rất khó vì người dân phải trả phí nên họ không chấp hành. Ngoài ra địa bàn rộng, nhưng cán bộ ít nên rất khó khăn trong công tác tiêm phòng trên vật nuôi cũng như tuyên truyền người dân chủ động tiêm huyết thanh khi bị chó cắn”, ông Minh nói.

Tỷ lệ tiêm phòng vacxin thấp

Ông Đỗ Xuân Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh tiêm phòng dại cho chó, mèo đạt tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng từ 29% đến 38% so với mục tiêu UBND tỉnh đã đề ra (tiêm phòng phải đạt được 70% tổng đàn chó, mèo).

Hiện, tỷ lệ tiêm vacxin cho đàn chó, mèo tại Đắk Lắk rất thấp khoảng từ 28,95% đến 37.71% so với mục tiêu UBND tỉnh đề ra. Ảnh: Quang Yên.

Hiện, tỷ lệ tiêm vacxin cho đàn chó, mèo tại Đắk Lắk rất thấp khoảng từ 28,95% đến 37.71% so với mục tiêu UBND tỉnh đề ra. Ảnh: Quang Yên.

Theo ông Dũng, kết quả tiêm phòng thấp là do số lượng lớn động vật nuôi không được tiêm phòng chủ yếu ở các hộ đồng bào dân tộc ít người (Đắk Lắk hiện có 49/54 dân tộc sinh sống), các hộ có đời sống khó khăn.

Người dân nuôi thả rông, đường giao thông ở một số địa phương không thuận lợi cho việc đi lại gây khó khăn cho việc thực hiện công tác thú y để thực hiện tiêm phòng.

Chó thả rông, đi hoang, lang thang còn nhiều không kiểm soát, không bắt nhốt được, là nguy cơ lan truyền bệnh dại cho cộng đồng.

Đặc biệt, ý thức của người nuôi chó trong việc tiêm phòng vacxin và phòng, chống bệnh dại ở một số địa phương còn thấp.

Mặt khác, một bộ phận người dân nuôi chó mèo còn trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa hợp tác với cơ quan thú y trong việc tiêm vacxin phòng bệnh cho vật nuôi.

Lực lực thú y cơ sở còn mỏng, phụ cấp thấp, công việc nhiều, vất vả, rủi ro. Công tác tuyên truyền và chế tài xử lý vi phạp chưa đồng bộ...

Theo ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh dại cũng như giảm số người chết vì dại, các ngành chức năng và các địa phương cần phải tập trung mọi nguồn lực để thực hiện nghiêm các kế hoạch phòng chống bệnh dại mà tỉnh đã ban hành.

Trong đó, các ngành, các địa phương tăng cường công tác quản lý đàn chó, đẩy mạnh công tác truyền thông và bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ thêm cho lực lượng thú y cơ sở.

Các đàn chó, mèo tại Đắk Lắk chủ yếu thả rông nên công tác quản lý, tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Các đàn chó, mèo tại Đắk Lắk chủ yếu thả rông nên công tác quản lý, tiêm phòng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Thiên Văn cho biết, biện pháp hữu hiệu nhất để giảm trừ dệnh dại chính là tăng tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại.

“Địa phương phấn đấu tiêm cho trên 70% tổng số chó mèo trong giai đoạn 2022 - 2025, tiến tới đạt 80% trong giai đoạn 2026 - 2030. Để tiêm phòng thì phải nắm được tổng số chó mèo trên địa phương của mình, sau đó xây dựng kế hoạch.

Bao nhiêu hộ trong đó thuộc đối tượng chính sách được ưu tiên thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Còn lại ngành thú y tham mưu cho lãnh đạo huyện cho chủ trương hỗ trợ thêm từ nguồn dự phòng ngân sách để hỗ trợ cho công tác tiêm phòng rồi hỗ trợ cho lực lượng thú y", ông Văn nói.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay địa phương có 4 trường hợp người chết nghi do mắc bệnh dại. Trong đó, huyện Krông Pắc 3 người, huyện Krông Búk một người. Các trường hợp tử vong đều do chủ quan không đi tiêm phòng vacxin dại sau khi bị chó cắn. Nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây tử vong trên người trong thời gian tới là rất cao.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.