| Hotline: 0983.970.780

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 lớn nhất TP.HCM hoàn thành sứ mệnh

Thứ Năm 10/02/2022 , 22:14 (GMT+7)

Thông tin trên được Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết tại cuộc họp báo Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 10/2.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến hồi sức Covid-19.

Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến hồi sức Covid-19.

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai, lý do để giải thể Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (đặt tại cơ sở hai Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM thuộc Thành phố Thủ Đức) là số bệnh nhân Covid-19 thuộc nhóm nặng và nguy kịch đang điều trị tại đây đã giảm dần trong thời gian qua và hiện nay gần bằng không. Những trường hợp đã điều trị ổn định, đủ điều kiện sẽ xuất viện hoặc tùy tình trạng được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 14 và Bệnh viện dã chiến số 16. Người bệnh vẫn được đảm bảo các quyền lợi điều trị.

"Dựa trên tình hình thực tế, Bệnh viện Chợ Rẫy (đơn vị được giao quản lý và vận hành Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM), đã đề xuất giải thể Trung tâm Hồi sức Covid-19 TP.HCM và Sở Y tế khảo sát, UBND thành phố đánh giá phù hợp.

Mặt khác, mục tiêu ban đầu xây dựng Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 là phục vụ người dân có bệnh lý liên quan đến ung thư. Trong khi đó, hiện nay nhu cầu điều trị của bệnh nhân ung bướu đang tăng cao, cơ sở 2 đã đến lúc phải mở cửa phục vụ người ung thư theo đúng mục đích ban đầu.

Cũng theo bà Mai, mặc dù Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đóng cửa, nhưng Thành phố vẫn luôn sẵn sàng 1.000 giường ICU cho bệnh nhân Covid-19, gồm 600 giường ở hai trung tâm hồi sức đặt tại Bệnh viện dã chiến số 14 và số 16; 200 giường tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 200 giường tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Cũng theo Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, tới đây TP.HCM cũng sẽ đóng cửa Bệnh viện dã chiến số 12 (nơi thu dung, điều trị F0 nhiễm biến chủng Omicron), cùng với Bệnh viện dã chiến số 6 và số 8. "Nguyên nhân là đã hết F0 và cơ sở vật chất tại các bệnh viện này được trưng dụng từ khu chung cư chưa hoạt động, do đó về điều kiện khó có thể chăm sóc tốt cho người bệnh. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các bệnh nhân nhiễm Omicron không chỉ khu trú ở bệnh viện dã chiến 12 mà có thể lựa chọn cách ly, điều trị tại bệnh viện tư nhân hoặc tại nhà. Vì vậy, Bệnh viện Dã chiến số 12 cũng đã hoàn thành sứ mệnh, có thể đóng cửa", bà Mai lý giải.

TP.HCM tiếp tục duy trì các bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị Covid-19 tại quận, huyện và khu chế xuất Linh Trung, khu công nghệ cao TP.HCM; các bệnh viện dã chiến 13, 14, 16. Các Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện An Bình, Bệnh viện huyện Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Lê Minh Xuân đã chuyển đổi công năng hoặc "tách đôi" để điều trị Covid-19 sẽ phục hồi công năng ban đầu và thành lập thêm khoa, đơn vị điều trị Covid-19.

"Khi cần thiết, trong vòng 24 giờ, Sở Y tế TP.HCM sẽ kích hoạt lại các bệnh viện điều trị Covid-19 đã tạm ngưng hoạt động", bà Mai nói.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nhận định, năm 2022 toàn bộ người dân Thành phố mới có một cái Tết trọn vẹn. "Đây là sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các cơ quan sở ngành cũng như sự chấp hành, tuân thủ biện pháp 5K của người dân. Nếu như trước Tết có số ca F0 ở ba con số, thì sau Tết từ ngày 8/2-10/2 số ca nhích nhẹ tăng lên. Trong vài ngày tới, theo nhận định, số ca có thể tăng, tuy nhiên số ca bệnh nặng, tử vong không tăng. Đây là tín hiệu tốt”, bà Mai nói.

Cũng theo bà Mai, trong thời gian tới, ngành y tế Thành phố tiếp tục tăng cường vận động truyền thông người dân thực hiện tốt 5K, phải thực hiện tiêm vacxin đầy đủ. Ngành y tế tiếp tục tham mưu UBND TP.HCM tăng cường việc tiêm vacxin, trong đó chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân đến nay đã tiêm được trên 13.560 mũi. Chiến dịch này sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 29/2.

Đồng thời, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với ngành giáo dục thống kê số trẻ em ở lứa tuổi 5-12 tuổi khi có kế hoạch tiêm chủng và chuẩn bị thật chu đáo cho việc tiêm vacxin cho trẻ em để phụ huynh yên tâm cho trẻ đi học, cũng như đạt độ bao phủ vacxin. Bên cạnh đó, tiếp tục bảo vệ người có nguy cơ trên 65 tuổi và có bệnh nền, mở rộng thêm đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Do đó, số lượng người sẽ tăng lên.

Xem thêm
Di căn gan chiếm 25% trường hợp ung thư đại trực tràng

TP.HCM Di căn gan là di căn xa thường gặp nhất, chiếm 25% các trường hợp ung thư đại trực tràng. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 16.000 ca ung thư đại trực tràng mới.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Kháu Vài Lèng bị giả mạo, Lương y Mạc Văn Minh kêu cứu

Kháu Vài Lèng, bài thuốc điều trị sinh lý nam giới của Lương y Mạc Văn Minh đang bị các đối tượng xấu làm giả, bán trục lợi, ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm.