| Hotline: 0983.970.780

‘Bí kíp’ của HTX trồng nhãn đạt lợi nhuận bình quân 600 triệu đồng/ha

Thứ Bảy 22/04/2023 , 20:31 (GMT+7)

HTX Nhãn lồng Nễ Châu (Hưng Yên) chỉ với 15ha chuyên canh nhãn và 32 thành viên nhưng lợi nhuận đạt gần 9 tỷ đồng/năm, tương đương giá trị thu nhập đạt 600 triệu đồng/ha.

HTX Nhãn lồng Nễ Châu, Hưng Yên chỉ với 15ha chuyên canh nhãn và 32 thành viên góp vốn, nhưng kể từ khi thành lập tháng 2/2016 đến nay, mỗi năm HTX vẫn sản xuất được trên 300 tấn nhãn quả đặc sản, lợi nhuận đạt suýt soát 9 tỷ đồng/năm, tương đương giá trị thu nhập đạt 600 triệu đồng/ha canh tác, cao hơn giá trị canh tác nhãn chung trong toàn tỉnh khoảng 250 triệu đồng/ha.

6 – Giám đốc HTX Nhãn lồng Nễ Châu, Nguyễn Thị Bắc trong vườn nhãn

Giám đốc HTX Nhãn lồng Nễ Châu, bà Nguyễn Thị Bắc trong vườn nhãn. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Trần Thị Bắc, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX cho biết, có được hiệu quả sản xuất cao như trên là do HTX tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP trên cây nhãn và đưa vào gieo trồng nhiều giống nhãn bản địa quý hiếm như nhãn cùi cổ Phố Hiến, nhãn lồng đầu dòng Hưng Yên. Đặc biệt một số nhà vườn còn thâm canh nhãn theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu.

Theo bà Bắc, nhãn trồng trong HTX năng suất chỉ tương đương với nhãn trồng bên ngoài, nhưng giá bán bao giờ cũng cao gấp 2,5 - 3 lần nhãn ngoài thị trường. Như năm 2022 vừa qua, nhãn trên thị trường từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, HTX vẫn bán được 30.000 - 45.000 đồng/kg cho các siêu thị Big C, Vinmart... xuất sang Cộng hoà Liên bang Đức với giá 70.000 đồng/kg. Có hộ bán tại vườn cũng được tới 90.000 đồng/kg.

Bà Bùi Thị Bích Hằng có 0,4ha (110 gốc) nhãn lồng đầu dòng Hưng Yên, chăm bón theo quy trình VietGAP, chỉ bón NPK giúp cây phục hồi nhanh sau thu hoạch và phun thuốc BVTV độ độc thấp khi sâu bệnh có nguy cơ bùng phát dịch. Các thời kỳ chăm sóc còn lại đều sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học. Nhờ đó, bà Hằng luôn bán được nhãn với giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Kết quả năm 2022, bà Hồng thu được 315 triệu đồng tiền nhãn, sau khi trừ hết chi phí đầu tư còn lãi được 205 triệu đồng.

7 – Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đến thăm vườn nhãn của HTX

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong một lần đến thăm vườn nhãn của HTX Nhãn lồng Nễ Châu. Ảnh: Hải Tiến.

Bà Hằng nói, trong thâm canh nhãn VietGAP, khó nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, vì người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là nhãn sản xuất theo VietGAP và nhãn canh tác thông thường. Đây chính là lý do bà Hồng chủ động tham gia HTX Nhãn lồng Nễ Châu từ ngày đầu thành lập.

“Tham gia HTX sẽ được Sở NN-PTNT Hưng Yên cấp mã số vùng trồng, hỗ trợ phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu quả và cấp chứng nhận VietGAP (nếu đạt các chỉ tiêu quy định). Sau còn được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giúp các nhà nông tiêu thụ trái cây thuận lợi và bán được giá tốt hơn”, bà Hằng nói thêm.

Nhà vườn Bùi Xuân Sử (thành viên HTX) cho rằng, trong sản xuất nhãn, quan trọng nhất là khâu cắt tỉa, vì không cắt tỉa kịp thời, cây nhãn sẽ bị hao tổn rất nhiều dinh dưỡng cho duy trì những bộ phận thực vật không còn tác dụng như cành khô, cành gầy yếu, cành sâu bệnh, cành khuất tán, quả sâu bệnh và những quả phát triển không cân đối. Đặc biệt cần lưu ý tỉa thưa các chùm quả quá dày trên cành và các chùm quả quá sai.

Ông Trịnh Văn Cương ngoài 80 tuổi vẫn trực tiếp chăm sóc trên 100 gốc nhãn đặc sản cùi cổ Phố Hiến theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Trịnh Văn Cương ngoài 80 tuổi vẫn trực tiếp chăm sóc trên 100 gốc nhãn đặc sản cùi cổ Phố Hiến theo hướng hữu cơ. Ảnh: Hải Tiến.

Do đa số các nhà vườn đều mang nặng tâm lý chắc ăn, sểnh quả này còn quả khác. Hơn nữa, vào thời kỳ tỉa quả (tháng 5 - 6), thời tiết rất nắng nóng, việc luồn người dưới các tán cây, tỉ mẩn cắt bỏ từng quả nhãn không mong muốn rất vất vả và tốn công. Những điều trên dễ làm cho các nhà nông buông xuôi, không thèm tỉa quả hoặc “được đâu âu đấy”. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến vườn nhãn trồng đạt hiệu quả thấp. 

Ông Trịnh Văn Cương (thành viên HTX) có 110 gốc nhãn, nhờ thâm canh theo hướng hữu cơ và trồng giống nhãn cùi cổ Phố Hiến nên năm nào ông cũng bán hết nhãn ngay từ đầu vụ được giá 70.000 - 90.000 đồng/kg.

Kinh nghiệm trồng nhãn của ông Cương cũng cho thấy, trồng giống nhãn cùi cổ Phố Hiến nếu không nắm chắc bí quyết chăm sóc sẽ rất dễ mất mùa, do vậy hiện nay ở Hưng Yên rất ít hộ còn trồng giống nhãn này, mặc dù chất lượng thuộc hàng tuyệt hảo, cùi dày, hạt nhỏ, vỏ mỏng, hương thơm, vị ngọt sắc, ngon như nhãn đường phèn, nhưng khối lượng quả lại lớn rất đáng kể.

Năm nay, dự báo sản lượng nhãn ở Hưng Yên sẽ giảm do tỉ lệ đậu quả thấp. Ảnh: Hải Tiến.

Năm nay, dự báo sản lượng nhãn ở Hưng Yên sẽ giảm do tỉ lệ đậu quả thấp. Ảnh: Hải Tiến.

Hội tụ được nhiều người làm vườn tâm huyết và giàu kinh nghiệm sản xuất nêu trên, nên sản phẩm nhãn quả của HTX đã được công nhận đạt OCOP 3 sao từ năm 2018. Đồng thời còn được nhiều lãnh đạo trung ương và các tỉnh, thành, địa phương lân cận đến thăm quan. Theo kế hoạch năm 2023 này, HTX sẽ nâng diện tích nhãn sản xuất VietGAP lên 45ha. Trong đó có 5ha sản xuất hữu cơ.

“Vụ nhãn năm nay, do gặp mưa phùn liên tục suốt giai đoạn cây nhãn nở hoa, làm cho hầu hết diện tích nhãn trồng ở Hưng Yên khó thụ phấn, thụ tinh nên dự báo sản lượng quả nhãn một số nơi sẽ bị giảm mạnh. Trong đó, HTX Nhãn lồng Nễ Châu cũng chỉ được áng chừng đạt 200 tấn quả (giảm 35% sản lượng quả so với năm 2022)” bà Trần Thị Bắc, Giám đốc HTX Nhãn lồng Nễ Châu nhận định.

Xem thêm
Nâng cao chất lượng đào tạo ngành chăn nuôi thú y: [Bài 1] Chuyện khởi nghiệp của chàng sinh viên Nông học

Ngay trên ghế nhà trường, Âu Phát Đạt, sinh viên ngành Nông học đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi dê nhờ áp dụng kiến thức về chăn nuôi và thú y.

Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.