| Hotline: 0983.970.780

Bí thư xã đầu tư công nghệ, nâng tầm đặc sản nếp cái hoa vàng

Thứ Sáu 28/06/2024 , 14:28 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Trăn trở với giống nếp cái hoa vàng của địa phương, gia đình ông Lương Thanh Sắc đã đầu tư công nghệ hiện đại để biến những hạt gạo thành sản phẩm có giá trị.

Giống nếp cái hoa vàng trồng tại xã Đại Thắng được đánh giá thơm, dẻo, ngon hơn các địa phương khác. Ảnh: Đinh Mười.

Giống nếp cái hoa vàng trồng tại xã Đại Thắng được đánh giá thơm, dẻo, ngon hơn các địa phương khác. Ảnh: Đinh Mười.

Biết về đặc sản nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng (huyện Tiêng Lãng, TP Hải Phòng) đã lâu và không ít lần về tận nơi mục sở thị mấy ngày liền để tìm hiểu nhưng câu chuyện xung quanh giống lúa đặc sản đã được truyền lại từ cách đây cả nghìn năm chưa bao giờ hết thú vị.

Câu chuyện lần này xuất phát từ lời đồn thổi về một loại rượu được chưng cất từ gạo nếp cái hoa vàng ở xã Đại Thắng, uống vào khi thở ra người đối diện sẽ không cảm nhận thấy mùi như uống các loại đồ uống có cồn khác.

Về xã Đại Thắng gặp chính quyền địa phương tìm hiểu nội dung này, chúng tôi được cả ông Mai Hoa Giang – Chủ tịch UBND xã và ông Lương Thanh Sắc – Bí thư Đảng ủy xã tiếp đón, đưa tận xưởng sản xuất để giới thiệu.

Ông Sắc cho biết, sản phẩm “rượu không mùi” được dư luận đồn thổi là có thật và của chính gia đình sản xuất trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm truyền thống kết hợp với một số kĩ thuật học hỏi được từ bà con người Dao ở Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Ông Lương Thanh Sắc giới thiệu về cơ sở sản xuất rượu nếp cái hoa vàng của gia đình, với công nghệ hiện đại, có thể tách được cả andehit và axit trong rượu. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Lương Thanh Sắc giới thiệu về cơ sở sản xuất rượu nếp cái hoa vàng của gia đình, với công nghệ hiện đại, có thể tách được cả andehit và axit trong rượu. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, để rượu ngon hơn, gia đình ông cũng đã tìm tòi nghiên cứu các bài thuốc bắc để nấu rượu nếp cái hoa vàng với men thuốc bắc truyền thống. Quá trình chưng cất được thực hiện theo quy trình khép kín, sau đó chưng luyện lại lần hai bằng tháp đa tầng công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam hiện nay để loại bỏ hoàn toàn các tạp chất trong rượu.

Sau khi nấu thành phẩm, rượu được hạ thổ trong chum sành dài ngày đảm bảo đủ 6 tháng trở lên mới được bán cho người tiêu dùng, mỗi một sản phẩm khi đưa ra thị trường đều đã được xét nghiệm đủ điều kiện theo quy định của ngành y tế mới được đem bán.

“Rượu đã khử andehit và axit nên uống rất êm, có vị ngọt sắc, mùi thơm đặc trưng của gạo nếp cái hoa vàng, không đau đầu, uống xong khi nói ra không hơi mùi rượu như các loại thông thường nên nhiều người thích lắm”, ông Sắc chia sẻ.

Cũng theo ông Lương Thanh Sắc, đặc điểm của rượu nếp cái hoa vàng là khó nấu, thời gian ủ cơm dài hơn, nếu chưng cất không có kinh nghiệm sẽ bị khê, ủ cơm lâu sẽ bị chua, nhất là khi gặp thời tiết nhiều gió Tây Nam sẽ rất khó nấu và hay bị hỏng rượu.

Rượu được hạ thổ trong chum sành dài ngày trước khi bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Đinh Mười.

Rượu được hạ thổ trong chum sành dài ngày trước khi bán cho người tiêu dùng. Ảnh: Đinh Mười.

Để có được sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng ngon, đẩm bảo chất lượng, từ việc lựa chọn thóc khi mua đến quá trình xay truội, đãi gạo, nấu cơm đều phải rất tỉ mỉ. Khi vào men đòi hỏi phải làm cẩn thận để men có thể ăn đều, tạo ra nấm men và Glucose.

Cùng với đó, khi chọn men cũng phải chọn men bằng vị thuốc bắc, có thể là loại 18 vị, 21, 36 vị tùy theo kĩ thuật nấu của mỗi gia đình, xong một điều chung nhất là men phải đảm bảo chất lượng.

Thời gian tới, gia đình ông Sắc sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ để có sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và từng bước cùng chính quyền địa phương xây dựng thương hiệu bền vững, hướng tới xây dựng thành làng nghề truyền thống của địa phương.

Ông Mai Hoa Giang – Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, địa phương được thiên nhiên ban tặng cho vùng đất phù sa màu mỡ, phù hợp với giống lúa nếp cái hoa vàng nên đã tạo ra loại gạo thơm ngon hiếm thấy.

Đã bao đời nay, ngoài các sản phẩm như xôi, bánh chưng được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, người dân trong xã còn dùng để nấu rượu và sản phẩm này rất nổi tiếng, được đông đảo người dân trong và ngoài TP Hải Phòng biết đến. Riêng gia đình ông Lương Thanh Sắc đã có kinh nghiệm nấu rượu từ những năm bao cấp để phục vụ nhu cầu của gia đình trong dịp Tết, lễ và phục vụ người dân địa phương.

Cơ quan chức năng đang hướng dẫn hộ gia đình ông Sắc hoàn thiện thủ tục để đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Mười.

Cơ quan chức năng đang hướng dẫn hộ gia đình ông Sắc hoàn thiện thủ tục để đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Ảnh: Đinh Mười.

Ban đầu, do sản lượng gạo nếp cái hoa vàng thấp, lại thiếu thốn nên gia đình chỉ nấu rượu từ gạo tẻ hoặc Nếp 87, vừa dễ nấu vừa dễ bán vì giá thành rẻ. Những năm gần đây, khi đời sống của người dân từng bước được nâng cao, nhu cầu sử dụng rượu uy tín, chất lượng ngày càng tăng, gia đình ông Sắc đã dần chuyển sang nấu rượu bằng gạo nếp cái hoa vàng, sản phẩm đầu vào là những hạt gạo do chính người dân trong xã làm ra.

Xã Đại Thắng có gần 300ha trồng lúa nếp cái hoa vàng, đây là điều kiện thuận lợi để gia đình phát triển nghề nấu rượu, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình và góp phần tiêu thụ sản phẩm gạo nếp cho người dân địa phương.

Năm 2015, sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng với thương hiệu Thanh Sắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, đây là điều kiện quan trọng để người dân địa phương phát triển sản phẩm. Hiện tại, sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng đã được công nhận là sản phẩm OCOP, riêng sản phẩm rượu nếp cái hoa vàng Đại Thắng đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền công nhận là sản phẩm OCOP năm 2024.

Xem thêm
Chăn nuôi thay đổi để tồn tại: [Bài cuối] Vùng chăn nuôi tập trung là cách tiếp cận không sai

‘Nhiều địa phương đang hiểu sai giữa vùng chăn nuôi tập trung và khu chăn nuôi tập trung’, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam nói.

Khánh Hòa khống chế dịch tả lợn Châu Phi

Hiện, tình hình dịch tả lợn Châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cơ bản được khống chế nhờ triển khai các biện pháp phòng chống tích cực, kịp thời.

Bàn giải pháp phòng trừ bệnh trên cây mãng cầu

TÂY NINH Hội quán Mãng cầu Tây Ninh tổ chức tọa đàm bàn giải pháp phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu, thu hút đông đảo thành viên tham gia.

Bình luận mới nhất