| Hotline: 0983.970.780

Chăm sóc cây vải lai trứng sau thu hoạch

Thứ Sáu 14/06/2024 , 05:49 (GMT+7)

Mùa thu hoạch vải lai trứng vừa kết thúc. Để được mùa vải năm sau, các nhà vườn cần tiến hành một số biện pháp kỹ thuật trên cây vải.

1. Cắt tỉa: Ngay khi kết thúc mùa vụ thu hoạch quả, tiến hành cắt bỏ hết các cành gầy yếu, sâu bệnh, cành mọc quá dày trong tán, cành trên đỉnh tán và cắt các đầu cành để loại bỏ 70 - 80% bộ lá cũ trên cây, kết hợp thu gom, thiêu huỷ mọi tàn dư thực vật trong vườn.

Cắt tỉa lần 2 vào trung tuần tháng 9 âm lịch, gồm cắt bỏ các cành gầy yếu, sâu bệnh, cành khuất tán. Riêng những cành mọc ra từ thân mà vẫn nhận đủ ánh sáng thì chỉ bấm ngọn, để lại chiều dài khoảng 1cm ở chân cành lộc cuối.

Cắt tỉa lần 3 vào cuối tháng 1 âm lịch (khi nhìn rõ chùm hoa), cần tỉa bớt những cành hoa nhỏ, cành không có hoa mọc sít nhau, để lại những chùm hoa khỏe phân bố đều trên cây.

Vườn vải trứng cổ thụ ở xã Phan Sào Nam năm nay cũng bị mất mùa nên rất ít quả. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn vải trứng cổ thụ ở xã Phan Sào Nam năm nay cũng bị mất mùa nên rất ít quả. Ảnh: Hải Tiến.

2. Lượng phân bón/cây 10 - 15 tuổi/năm: 5kg phân hữu cơ vi sinh + 0,8 - 1kg Ure + 1,5 - 2kg lân supe + 1 - 1,2kg Kaliclorua, chia phân bón làm 3 lần: Lần 1 bón trong 10 ngày sau thu hoạch; lần 2 bón khi hoa vải xuất hiện rõ; lần 3 bón khi kích thước quả đạt 1 - 1,5cm.

Cách bón: Đào rãnh rộng 30cm, sâu 20cm quanh hình chiếu tán cây, rải phân hữu cơ xuống rãnh, tiếp theo là các loại phân hoá học, rồi lấp đất, tưới nước giữ ẩm. Có thể sử dụng NPK chuyên dùng trên cây ăn trái thay cho các loại phân đơn (đạm, lân, kali) và phân hữu cơ vi sinh thay phân chuồng. Liều lượng và cách bón theo hướng dẫn ghi trên vỏ bao bì của nhà sản xuất, tùy theo tuổi cây, thực tế sinh trưởng của từng cây để điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.

3. Kỹ thuật làm tăng khả năng ra hoa, đậu quả: Với những cây vải sinh trưởng, phát triển khoẻ, có nguy cơ ra lộc trước tháng 1 năm sau, cần tiến hành khoanh vỏ cây từ 25 tháng 10 và cắt lộc đông ngay khi lộc dài 8 - 10cm. Để tăng đậu quả, nên phun qua lá một trong các chế phẩm Komix, Botrac, FS – 900 vào các thời điểm cây sắp ra lộc; lộc chuyển màu xanh; nhú ngồng hoa.

Ông Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên kiểm tra, đánh giá giống vải lai trứng sau tuyển chọn. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Trần Tùng Chuẩn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên kiểm tra, đánh giá giống vải lai trứng sau tuyển chọn. Ảnh: Hải Tiến.

4. Phòng trừ một số sâu bệnh gây hại chính: Cắt tỉa, vệ sinh và thu dọn mầm bệnh thường xuyên trong vườn vải. Đảm bảo tốt hệ thống tiêu nước. Diệt một số sâu bệnh (xén tóc, sâu róm, sâu ăn lá...) bằng tay khi tỷ lệ gây hại còn thấp. Phòng trừ các đối tượng dịch hại quan trọng bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học, chất dẫn dụ pheromon, sinh học hoặc thuốc hoá học chọn lọc khi thực sự cần thiết.

- Bọ xít nâu: Bắt bọ xít trưởng thành qua đông vào tháng 10 - 12. Phun thuốc Sherpa 25EC, Trebon 10EC, Cyperkill 10EC hoặc Altach 5EC.

- Rệp hại hoa và quả non vào các tháng 2, 3, 4 hàng năm: Phòng trừ bằng những thuốc ít gây ảnh hưởng tới hoa, quả non như Alphacide 50EC, Cyperkill 10EC, Altach 5EC, Trebon 0,1- 0,2%, Sherpa 0,15 - 0.2% (mật độ rệp cao cần phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày), phun vào chiều mát.

- Sâu đục quả: Mỗi vụ quả có hai lứa sâu gối nhau tạo hai cao điểm vào tháng 4 - 6.  Cần vệ sinh vườn, hạn chế lộc đông, tạo cho vườn cây luôn thông thoáng. Tỉa bỏ quả bị sâu đục và nhặt quả rụng đem hủy làm giảm nguồn sâu. Phun thuốc phòng trừ vào các đợt trưởng thành vũ hóa rộ (tháng 3, 4, 5) theo khuyến cáo của cán bộ bảo vệ thực vật địa phương và dừng phun thuốc trước thu hoạch ít nhất 15 ngày. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học như Ema 5EC, Movento 150OD, Anboom 40EC hoặc các thuốc hóa học có hoạt chất Methidathion như Suprathion 40EC; Etofenprox như Trebon 10EC…

Ông Nguyễn Hữu Thoại ở xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) bên cây vải trứng của gia đình. Ảnh: Hải Tiến.

Ông Nguyễn Hữu Thoại ở xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) bên cây vải trứng của gia đình. Ảnh: Hải Tiến.

Sâu đo: Thường xuất hiện cùng các đợt ra lộc non, ra hoa. Phun trừ khi sâu non xuất hiện bằng các thuốc Peran 50EC, Sherpa 25EC...

- Bệnh sương mai: Gây hại từ thời kỳ ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch, trời âm u, mưa phùn, ẩm độ không khí cao, thuận lợi cho nấm bệnh sương mai phát sinh gây hại. Cần tỉa cành, tạo tán sau mỗi vụ thu hoạch và bón phân cân đối. Kiểm tra phát hiện sớm bệnh. Phun phòng trừ bằng một trong các loại thuốc như Phytocide  50WP, Jack M9 72WP, Ridomil Gold 68WG....

Kỹ thuật trồng thâm canh vườn vải trứng trong thời kỳ kiến thiết cơ bản cũng tương tự quy trình trồng, chăm sóc các giống vải chín sớm khác.

Giống vải lai trứng thường gọi là vải trứng, do Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) tuyển chọn từ các giống vải trứng thực sinh tại huyện Phù Cừ (Hưng Yên). Giống có đặc điểm cây sinh trưởng, phát triển khoẻ, kích thước lá khá lớn (lá chét dài 12,7 - 16,3cm, rộng 4 - 5,1cm); ra hoa từ giữa tháng 1, kết thúc nở hoa vào cuối tháng 3; cho thu hoạch quả vào cuối tháng 5 (sớm hơn vải thiều từ 20 - 25 ngày); quả to (45 - 50g/quả), khi chín vỏ quả màu đỏ tươi, cùi dày, màu trắng trong, dễ bóc, ráo nước, vị ngọt đậm và không có vân nâu trên cùi quả như một số giống vải phổ biến khác.

"Giá quả vải lai trứng vừa qua có sự tăng cao đột biến (120.000 – 150.000 đồng/kg tuỳ thời điểm) do năm nay vải thiều mất mùa, vải trứng cũng không ngoại lệ. Đồng thời diện tích vải trứng cho thu hoạch hiện vẫn còn nhỏ (chỉ khoảng 150ha), tổng sản lượng quả ước đạt 250 tấn.

Nhà nông không nên mua giống vải trứng với mọi giá để mở rộng diện tích trồng, dễ dẫn đến hiện tượng sốt giá ảo, mua phải giống không đúng vải trứng, tự gây thiệt hại không đáng có. Nếu phát triển trồng giống vải lai trứng, cần theo quy hoạch của địa phương, mua giống từ các cơ sở sản xuất có uy tín, lựa chọn giống theo các đặc điểm hình thái lá, hoa, quả đã nêu ở trên.

"Lưu ý, khá khó phân biệt giữa cây giống ghép vải trứng với cây giống vải khác nếu không có bề dày kinh nghiệm thực tế nên người mua rất dễ bị trà trộn lẫn giống, nhất là với những nhà nông ở xa khu vực nguyên sản vải trứng Phù Cừ (Hưng Yên)", PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả khuyến cáo.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ mới có 9 trang trại đáp ứng 100% điều kiện chăn nuôi

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có 1.093 trang trại chăn nuôi và 233.000 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với 145.000 con trâu, bò; 749.000 con lợn và trên 15,7 triệu gia cầm.

Triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh các cơ sở chăn nuôi

QUẢNG BÌNH Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi.

Xuống đồng chăm sóc lúa hè thu giữa nắng nóng gay gắt

HÀ TĨNH Những ngày này tại Hà Tĩnh nắng nóng gay gắt, tuy nhiên nông dân vẫn tích cực xuống đồng tỉa dặm, chăm sóc lúa hè thu...

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm