Ngày 27/6, tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu (Tây Ninh), Hội quán Mãng cầu Tây Ninh tổ chức toạ đàm bàn giải pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây mãng cầu (cây na).
Dự toạ đàm có ông Lê Viết Bình, Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh và đông đảo thành viên Hội quán tham gia.
Chia sẻ tại tọa đàm, anh Lê Minh Trung - Chủ nhiệm Hội quán Mãng cầu Tây Ninh cho biết, dù mới ra mắt nhưng Hội quán đã thu hút hơn 120 thành viên từ khắp các địa phương trong tỉnh tham gia với tổng diện tích canh tác hơn 500ha.
Bệnh vàng lá, thối rễ mãng cầu là bệnh vô cùng nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến khả năng hấp thụ nước và dinh dưỡng để nuôi cây. Đồng thời, bệnh dễ lây lan rộng, gây thiệt hại lớn đến năng suất, chất lượng của mãng cầu.
“Hội quán quyết định tổ chức tọa đàm để mời các chuyên gia giúp bà con hiểu rõ về bệnh và có biện pháp điều trị bệnh hiệu quả, giúp bộ rễ mãng cầu được hồi phục nhanh, bộ lá phát triển xanh tốt, khỏe mạnh”, anh Trung chia sẻ.
Giải đáp thắc mắc của Hội quán, ông Phạm Hoài Nam - Trưởng phòng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tây Ninh) cho biết, bệnh vàng lá, thối rễ là bệnh hại thường phát sinh trong điều kiện mùa mưa, vườn thường bị đọng nước và thường gây hại nặng trên cây mãng cầu 5 năm tuổi do mật số sinh vật gây hại được tích lũy nhiều.
Tác nhân gây hại của bệnh do sự kết hợp của nhiều loại nấm trong đất như Phytopthora, Rihzoctonia, Fusarium và tuyến trùng. Khi có sự xuất hiện đồng thời của các loại nấm trên và tuyến trùng thì bệnh vàng lá, thối rễ sẽ phát triển nhanh và gây hại nặng cho cây.
Bên cạnh đó, quá trình canh tác, nếu bón phân hóa học không cân đối, lạm dụng thuốc kích thích trái, làm chín trái (hoạt chất Ethephon) hay khai thác tối đa trái trên cây sẽ làm bộ rễ quá tải, suy kiệt, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ.
Khi cây bị nhiễm bệnh, bề mặt cành bị bệnh thường xuất hiện những hạt nhỏ li ti màu nâu đen (là bào tử nấm gây bệnh) gây chết những nhánh nhỏ bên ngoài cành, sau đó lan dần vào và gây chết cành chính. Cây sinh trưởng kém dần, suy yếu, còi cọc, lá già chuyển sang màu vàng, héo úa và rụng trơ cành. Ngoài ra, rễ tơ và rễ cái đều bị hoại tử, thối đen và kèm theo là các vết nứt theo chiều dọc của rễ, lan rộng dần ra toàn hệ thống rễ.
“Để phòng tránh bệnh, bà con cần chọn vị trí đất cao ráo, thoát nước tốt để canh tác, nếu vườn thấp phải làm bờ bao để kiểm soát nước trong mùa mưa lũ. Song song đó, bón vôi vào đầu mùa mưa để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng pH đất, đồng thời tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh (ví dụ phân HCVS1 VIETSTAR) để ổn định cấu trúc đất, tăng độ mùn, giúp đất tơi xốp và tiêu diệt mầm bệnh gây hại có trong đất.
Bệnh vàng lá, thối rễ rất khó chữa trị nên cần lưu ý theo dõi vườn và phun thuốc phòng ngừa bệnh sớm. Khi phát hiện bệnh, bà con cần cắt bỏ những cành bị nhiễm bệnh và dọn cỏ quanh gốc. Cắt từ đỉnh đọt xuống 2 đến 3 mắt lá để cây dễ ra lộc mới khi phục hồi….”, ông Phạm Hoài Nam chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, các thành viên Hội quán còn được phổ biến nội dung nghị quyết về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2019 - 2025.
Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, mãng cầu là một trong những cây ăn trái thế mạnh của địa phương. Mãng cầu Bà Đen cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý giúp khẳng định vị thế trên thị trường trong và ngoài nước.
Những năm gần đây, nhiều tổ hợp tác, HTX và mới nhất là Hội quán Mãng cầu Tây Ninh đã được thành lập. Ngoài tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết để cân đối cung - cầu trên thị trường, việc khép chuỗi sẽ giúp cây mãng cầu có giá trị gia tăng cao hơn.
“Mãng cầu là niềm tự hào của người dân Tây Ninh. Hiện diện tích mãng cầu cả tỉnh chỉ hơn 5.000ha nên dư địa phát triển còn rất lớn. Đặc biệt, mãng cầu sạch Tây Ninh hiện được người tiêu dùng săn đón với giá từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, một số đơn vị đã đưa mãng cầu xuất ngoại.
Có thể thấy giá trị mãng cầu mang lại không thua kém gì so với sầu riêng, trong khi quả sầu riêng mới nổi những năm gần đây, còn mãng cầu Tây Ninh đã có hàng chục năm. Với các hoạt động sôi nổi, thiết thực của Hội quán, tôi tin tưởng rằng, Hội quán sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công, đưa quả mãng cầu địa phương vươn xa”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.