| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam

Biển xâm thực khốc liệt, dân 'kháng cự' yếu ớt

Thứ Ba 21/11/2023 , 06:40 (GMT+7)

Hàng năm, bờ biển trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lại bị xâm thực gây sạt lở. Nhiều ngôi nhà của người dân địa phương có nguy cơ bị sóng đánh sập, cuốn trôi.

Đoạn bờ biển ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Khánh.

Đoạn bờ biển ở xã Duy Hải (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) bị biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: Lê Khánh.

Cứ mùa mưa bão đến, ông Trương Công Trực (trú thôn Trung Phường, xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) lại sống trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Bờ biển trước căn nhà của ông những năm qua đều bị xâm thực. Nơi sinh sống của cả gia đình ông Trực bây giờ chỉ còn cách bờ biển khoảng 10m, có nguy cơ bị sóng “nuốt chửng” bất cứ lúc nào.

Ông Trực cho biết, cách đây 10 năm, khu vực cạnh nhà ông đang ở có 10 hộ dân sinh sống, bờ biển cách xa khu dân cư đến vài trăm mét. Thế nhưng, mưa bão, sóng lớn khiến cho nhiều đoạn bờ bị sạt lở nặng, đánh sập nhà của một số hộ dân. Đặc biệt, vào năm 2022, nước biển “ngoạm” sâu vào bờ thêm 50m, kéo dài đến hơn 1km, nhiều nơi tạo thành những vực sâu gần 5m.

“Đợt áp thấp tháng 9 vừa qua, nước biển đã “khoét” vào ngay vị trí trước nhà tôi, tạo thành con lạch nhỏ sâu hơn 1m. Cứ đà này, nhà cửa của hàng chục hộ dân nơi đây sẽ bị trôi ra biển. Thấy vậy, nhiều người dân thôn đã góp tiền mua tre, cát để làm bờ kè tạm chắn sóng biển xâm thực đất liền. Thế nhưng, chỉ là biện pháp tạm thời, về lâu dài người dân mong muốn cơ quan cấp trên sớm đầu tư xây bờ kè cứng để đảm bảo an toàn”, ông Trực tâm sự.

Nhiều công trình xây dựng bị sóng biển đánh sập. Ảnh: Lê Khánh.

Nhiều công trình xây dựng bị sóng biển đánh sập. Ảnh: Lê Khánh.

Còn tại TP Hội An (Quảng Nam), do ảnh hưởng của mưa bão năm ngoái và áp thấp nhiệt đới vừa qua, hơn 500m bờ biển ở phường Cẩm An cũng bị sạt lở nghiêm trọng. Ngay cả đoạn bờ kè chắn sóng của các hộ dân tại khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An) cũng bị sóng biển “xé toạc”. Đã có 4 căn nhà của người dân bị đánh sập. Không còn chỗ ở, 3 hộ dân phải đi thuê nhà để sinh sống, còn 1 hộ dân sửa lại phòng khách chưa bị sập trú tạm.

Chị Nguyễn Thị Hường (37 tuổi, là 1 trong 4 hộ dân bị sập) cho hay, gia đình chị bây giờ phải thuê nhà để ở, cuộc sống muôn phần khó khăn. Để cố giữ phần đất còn lại, gia đình chị phải vay mượn, góp hơn 100 triệu đồng cùng với 3 hộ khác xây kè đá. “Mặc dù vậy, bờ kè này cũng đã bị sóng biển xói mòn. Chúng tôi lo rằng, sau mùa mưa bão năm nay, bờ kè cũng bị sóng cuốn ra biển, hàng trăm triệu đồng đã bỏ ra sẽ mất hết”, chị Hường nói.

Theo ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải, tình trạng sạt lở bờ biển thôn Trung Phường diễn ra rất mạnh. Trung bình mỗi năm, biển xâm thực vào đất liền từ 15 đến 20m, trong đó có 47 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng đến đất vườn và nhà cửa. Do đó, việc kè biển rất quan trọng đối với với địa phương nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Người dân dùng tre để làm kè chắn sóng tạm nhưng hiệu quả không đáng kể. Ảnh: Lê Khánh.

Người dân dùng tre để làm kè chắn sóng tạm nhưng hiệu quả không đáng kể. Ảnh: Lê Khánh.

Còn ông Đặng Hữu Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, huyện đã nhiều lần đi kiểm tra tại đoạn bờ biển đang sạt lở và thấu hiểu nỗi lo của người dân. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư bờ kè này quá lớn so với ngân sách của huyện nên kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Nam có hướng giải quyết.

Đối với sạt lở ở TP Hội An, UBND TP đã giao Phòng Kinh tế hạ tầng và UBND phường Cẩm An tiếp tục tạm ứng nguồn kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời huy động người dân địa phương, lực lượng thanh niên dùng bao tải cát, rọ đá và cọc tre gia cố những đoạn xung yếu nhằm giảm thiểu tình trạng sạt lở bờ biển do sóng biển, triều cường gây ra.

Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, không có khả năng chống chọi được với triều cường và sóng biển lớn. Vì vậy, UBND TP Hội An cũng đã kiến nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Quảng Nam khẩn trương hoàn tất thủ tục cần thiết sớm triển khai xây dựng công trình kè chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại, đoạn từ UBND phường Cẩm An đến khu vực bờ biển An Bàng dài 550m nhằm bảo vệ an toàn lâu dài cho bờ biển cũng như công trình dân sinh bên trong.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thông tin, về giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển ở các huyện, thị xã trên địa bàn, địa phương đang tập trung kè những đoạn bờ biển xung yếu bị sạt lở. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều khu vực bị sạt lở, tuy nhiên nguồn lực của tỉnh không đủ để thực hiện kè cứng hết được. Do đó, tỉnh Quảng Nam mong muốn các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, khắc phục.

Xem thêm
Trà Vinh kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng

Tỉnh này đã họp bàn tinh gọn tổ chức bộ máy, kết thúc hoạt động 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và thành lập 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.