| Hotline: 0983.970.780

Công nghệ số nâng tầm giá trị nông sản

'Bình dân hóa' nấm đông trùng hạ thảo

Thứ Ba 23/05/2023 , 10:29 (GMT+7)

BÌNH PHƯỚC Làm chủ công nghệ sản xuất, chị Tiên còn áp dụng nền tảng số vào giám sát sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó đã 'bình dân hóa' nấm đông trùng hạ thảo.

Mục tiêu "bình dân hóa" sản phẩm

Đến thăm cơ ngơi sản xuất nấm dược liệu đông trùng hạ thảo của chị Nguyễn Thị Tiên, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước tại thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, chúng tôi bất ngờ trước thành quả sản xuất của chị.

Chị Tiên mới tuổi đôi mươi nhưng đã làm chủ công nghệ sản xuất đông trùng hạ thảo, một trong những dược liệu được xem là quý hiếm và đắt đỏ hiện nay.

Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Tiên tại thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: Trần Trung.

Cơ sở sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của chị Tiên tại thị trấn Thanh Bình, huyện biên giới Bù Đốp (Bình Phước). Ảnh: Trần Trung.

Dẫn chúng tôi đi thăm từng công đoạn sản xuất với các trang thiết bị tiên tiến, chị Tiên cho biết, chị sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bình Phước - xứ sở của các loài cây công nghiệp lâu năm. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bản thân chị đã chọn học ngành công nghệ sinh học, với mong ước tìm ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp địa phương. Trong quá trình học tập, chị đã có cơ duyên tiếp xúc với anh Ngô Kim Lai (sinh năm 1991, quê Phú Yên), người đã thành công và có đăng ký bản quyền cho quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo.

Tại đây, ngoài thán phục trước sự vượt khó của anh Ngô Kim Lai trong quá trình vừa học vừa làm, vừa nghiên cứu khoa học nấm, chị còn thấy được giá trị của nấm đông trùng hạ thảo. Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học loại ưu, được công ty Vinamilk tuyển dụng làm hơn 3 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, nhận thấy vấn đề sức khỏe được ưu tiên hàng đầu, chị Tiên quyết định chọn đông trùng hạ thảo để khởi nghiệp và từng bước "bình dân" hóa sản phẩm.

Chị Tiên ứng dụng công nghệ vào sản xuất, khắc phục khí hậu bất lợi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chị Tiên ứng dụng công nghệ vào sản xuất, khắc phục khí hậu bất lợi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Xác định "muốn đi nhanh phải đi cùng nhau", trước khi bắt tay khởi nghiệp, chị Tiên đã tập hợp những người bạn cùng chí hướng, thành lập HTX Nấm đông trùng hà thảo PN Bình Phước, HTX chính thức đi vào hoạt động cuối năm 2022.

HTX tuy chỉ có 7 thành viên, nhưng mỗi thành viên đều tuổi đời còn rất trẻ và mỗi người có thế mạnh riêng, người giỏi kỹ thuật, người giỏi truyền thông. Nhờ phát huy sức mạnh tập thể, hiện HTX đã đi vào hoạt động ổn định. Mỗi tháng HTX sản xuất cung cấp ra thị trường gần 2.000 hộp nấm, mỗi hộp 10g được chế biến thành các sản phẩm như nấm tươi, nấm sấy thăng hoa, rượu… với giá cả phải chăng, đem lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/tháng.

Làm chủ công nghệ

Theo chị Tiên, để thành công, chị và cộng sự cũng đã phải trá giá rất nhiều, thậm chí có lúc tưởng chừng như bỏ cuộc bởi đông trùng hạ thảo là dược liệu quý, phôi giống gốc buộc phải nhập khẩu nên giá rất đắt. Mặt khác, loài nấm này thường sống ở vùng cao nguyên lạnh giá quanh năm, đòi hỏi nguồn dinh dưỡng, vật ký sinh phù hợp để phát triển.

Trong khi Bình Phước có khí hậu khá nóng, trong quá trình nuôi, do sốc nhiệt, nấm chậm phát triển, chưa kể do lơ là khâu kiểm tra giá thể nuôi, nấm bị nhiễm thuốc BVTV và các tác nhân gây hại nên bị chết hàng loạt. Không đầu hàng thất bại, với vốn kiến thức sẵn có, cùng mạnh dạn thử nghiệm công nghệ mới, chị Tiên và cộng sự đã giải được bài toán sản xuất.

Nhờ làm chủ công nghệ, nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ làm chủ công nghệ, nấm đông trùng hạ thảo sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, để nuôi cấy và sản xuất thành công, đòi hỏi công tác chọn giống và giá thể nuôi cấy giống phải kỹ, môi trường nuôi cấy nấm phải tuyệt đối sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, không khí, âm thanh… Các công đoạn cấy giống, nhân giống, tạo giống và nuôi trồng bắt buộc phải đầu tư, trang bị hệ thống thiết bị tự động để giảm tác động của con người và thời tiết.

Trong đó, việc nhân giống, cấy phôi nấm đông trùng là công đoạn khó khăn nhất. Để đảm bảo chất lượng và hàm lượng dược chất, chị Tiên sử dụng phôi nấm nhập từ Nhật Bản. Tiếp theo, phôi nấm phải khử hết yếu tố vi sinh vật bên ngoài để đảm bảo không nhiễm bệnh mới có thể cấy, giá thể để cấy thường dùng là gạo lứt có tại địa phương được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn.

Sau khi cấy, nấm được chuyển vào phòng lạnh, có hệ thống phun sương tự động, cùng đèn chiếu sáng công nghệ cao. Sau 1 tuần nấm bắt đầu sinh tơ, lan đều trên bề mặt giá thể, sinh trưởng và phát triển, đều, đẹp, có màu vàng đậm. Nấm tiếp tục được đưa vào phòng kín nhiệt độ từ 20 độ C trở xuống, độ ẩm trung bình trên 85% trong 90 ngày sẽ cho ra sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo hoàn thiện.

Chị Tiên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chị Tiên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các thành viên HTX. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Để kiểm tra dược tính, chị Tiên đã gửi các mẫu nấm về Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để kiểm định.

Khoe kết quả kiểm định mới nhất, chị Tiên cho biết, qua phân tích, hàm lượng dược tính của sản phẩm đã đạt yêu cầu, trong đó hoạt chất Cordycepin (hoạt chất quý trong nấm đông trùng hạ thảo) đạt 32,6mg/l, cao gấp 1,5 lần so với các sản phẩm khác trên thị trường. Điều đó minh chứng cho thành quả cả quá trình mày mò nghiên cứu, không chùn bước của bản thân chị Tiên nói riêng và tất cả các thành viên trong HTX nói chung.

Ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm

Sau khi sản xuất thành công, để tăng tính cạnh tranh, "bình dân hóa" sản phẩm theo phương châm từ sản xuất đến tay người tiêu dùng, chị Tiên đã chú trọng ứng dụng nền tảng số vào tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, để minh bạch sản phẩm, mọi quá trình sản xuất đều được chị sử dụng camera ghi lại. Sau đó, đưa dữ liệu lên các sàn thương mại điện tử kết hợp livestream giới thiệu công dụng và hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm…

Dù còn non trẻ nhưng HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước đã gây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

Dù còn non trẻ nhưng HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước đã gây dựng được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Trần Trung.

“Đời sống người dân ngày càng nâng lên, nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cao cấp khá nhiều. Hiện 80% sản phẩm của HTX đang được bán trên các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. 20% còn lại chủ yếu cung ứng cho các đối tác nhà yến trên địa bàn tỉnh để họ sản xuất yến đông trùng hạ thảo. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày càng được rộng mở, tiếp thêm động lực để HTX tiếp tục mở rộng quy mô, xây dựng đội ngũ kinh doanh, marketing phát triển thương hiệu.

Đặc biệt, hầu hết giá các sản phẩm HTX làm ra được bán với giá rất “mềm”, chỉ dao động từ 300 - 500 ngàn đồng/hộp 10g nấm đã sấy thăng hoa, nông dân, người lao động tại địa phương ai cũng có thể mua dùng được”, chị Tiên cho biết thêm.

Hiện 80% sản phẩm của HTX đang được bán qua các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiện 80% sản phẩm của HTX đang được bán qua các nền tảng công nghệ và kênh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Trần Văn Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bù Đốp đánh giá, tuy mới hoạt động nhưng HTX Nấm đông trùng hạ thảo PN Bình Phước đang chinh phục được khách hàng bởi sản phẩm chất lượng và đa dạng cách quảng bá trên nền tảng công nghệ.

Ngoài các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, HTX cũng đang phát triển thành công nhiều dòng sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khác nhau từ trung cấp đến cao cấp như: Nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, yến chưng đông trùng hạ thảo, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, rượu đông trùng hạ thảo...

“Đây là mô hình phát triển kinh tế còn khá mới tại Bù Đốp nói riêng, Bình Phước nói chung. Qua thực tế cho thấy, mô hình của chị Tiên đã có những thành công nhất định. Chúng tôi đang hỗ trợ HTX xây dựng sản phẩm OCOP, tạo dựng thương hiệu từ đầu tư bao bì, đóng gói chỉn chu để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và từng bước nhân rộng mô hình.

Hi vọng với sức trẻ, Bù Đốp ngày càng có nhiều thanh niên có ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp rõ ràng, tính khả thi cao để mỗi bạn trẻ đều có thể phát triển kinh tế trên chính quê hương Bù Đốp”, ông Trần Văn Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.