Sinh ra trên vùng đất có truyền thống chăn nuôi heo, chị Lê Thị Liễu (52 tuổi) ở thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) lấy con heo để gây dựng cơ nghiệp. Để bảo đảm an toàn cho đàn heo 1.200 con, chị nuôi chúng trên đệm lót sinh học để ít nhiễm bệnh, tăng trọng nhanh, lại không tốn công dọn rửa chuồng và tắm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2019 chị Liễu cùng các đối tác thành lập Công ty TNHH Bảo Châu đầu tư trang trại nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP với tổng vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng.
Nghe chị Liễu kể chuyện nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP, chúng tôi mới cảm nhận hết là đàn heo được chăm sóc tốt đến là dường nào. Thức ăn cho heo phải theo quy chuẩn. Trang trại của chị luôn sẵn đội ngũ bác sỹ thú y. Khi phát hiện trong chuồng có heo bệnh thì đưa sang khu cách ly để được các bác sỹ thú y chăm sóc. Con nào không qua khỏi sẽ tiêu hủy làm thức ăn cho cá trê.
“Trong trang trại của tôi có 5 ao nuôi cá, mỗi ao có diện tích khoảng 90m2, trong đó có 1 ao dùng để nuôi cá phục vụ cho bếp ăn tập thể, 4 ao còn lại chỉ nuôi cá trê để xử lý thịt những con heo chết sau khi chúng được đốt”, chị Liễu cho hay.
Trong quá trình nuôi heo theo hướng VietGAP, chị Liễu đã manh nha hướng nuôi heo thảo mộc. Đích thân chị Liễu cùng một số kỹ sư của Công ty TNHH Bảo Châu đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại một số trang trại chuyên nuôi heo thảo mộc trên cả nước, sau đó nuôi thí nghiệm 100 con/lứa.
“Chúng tôi tìm mua các loại cây thuốc nam như trà đại, hồng ngọc, sâm đất, cách cách, đinh lăng, húng quế, xô thơm, xạ hương… tất cả gồm 10 loại lá thuốc nam về cho heo ăn. Giai đoạn ban đầu, heo ăn bột cám, gạo, bắp…; đến khi tăng trọng khoảng 50kg thì cho ăn bổ sung thảo mộc, nuôi thêm 70 ngày sau thì xẻ thịt. Trọng lượng trung bình heo đến thời điểm xẻ thịt đạt 110 -120kg/con. Trong giai đoạn 70 ngày “thảo mộc hóa”, chúng tôi hoàn toàn không sử dụng thuốc kháng sinh. Hằng ngày còn cho heo ăn men trùn quế để kích thích tiêu hóa, giúp tăng trọng nhanh. Nhờ đó sản phẩm thịt heo thảo mộc chất lượng, an toàn và đặc biệt là thơm ngon”, chị Liễu chia sẻ.
Cũng theo chị Liễu, chi phí nuôi heo thảo mộc tăng cao hơn so với bình thường khoảng 20%. Heo được nuôi bằng thức ăn thảo mộc thiên nhiên nên khả năng miễn dịch và tăng trưởng cao hơn heo nuôi theo kiểu truyền thống. Tỷ lệ nhiễm dịch bệnh ít nên hầu như không tốn kém chi phí thuốc men điều trị.
Toàn bộ số heo thịt của 2 đợt nuôi thử nghiệm vừa qua của Công ty TNHH Bảo Châu đều được các đối tác đăng ký mua dùng từ khi chưa xẻ thịt. Chị Nguyễn Thanh Thụy, người tiêu dùng ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi biết đến thịt heo thảo mộc của Công ty TNHH Bảo Châu qua chương trình quảng bá sản phẩm địa phương của huyện Hoài Ân. Loại thịt này khi luộc nước rất trong, ít bọt, thịt dậy mùi thơm ngay trong quá trình luộc. Khi ăn dễ dàng cảm nhận được vị ngọt, mềm, thơm; thớ thịt chắc, mỡ thì đặc và dẻo ngon. Gia đình tôi và bạn bè rất thích loại thịt này, nhất là khi giá bán không cao hơn thịt heo sạch thông thường là mấy”.
Để chủ động đảm bảo có đủ các loại cây thuốc phục vụ chăn nuôi và tiết kiệm chi phí, trước mắt, chị Liễu đã tổ chức phát triển vườn cây lá thuốc nam ngay trong khuôn viên trang trại rộng khoảng 3-4ha. “Để có nguồn thảo mộc cung ứng đủ cho đàn heo 1.200 con, trong thời gian tới chúng tôi cần đến khoảng 10ha đất để trồng các loại cây lá thuốc nam”, chị Liễu cho biết.