Ngày 6/9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ông Phạm Thụy Luân - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước hiện có 260 chuỗi liên kết tập trung tại các trang trại chăn nuôi gia công; khoảng 60 đơn vị (HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ) tham gia chuỗi liên kết hồ tiêu với Công ty Nesdpice; 10 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều tham gia liên kết với khoảng 24 đơn vị (HTX, tổ hợp tác, trang trại) với diện tích liên kết 3.500ha đạt chứng nhận hữu cơ Mỹ/EU; trái cây có khoảng 20 doanh nghiệp tham gia liên với khoảng 30 đơn vị (HTX, tổ hợp tác, trang trại).
Được UBND tỉnh giao là đơn vị chủ trì thực hiện, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai, qua đó tiếp nhận, phê duyệt 29 chuỗi cấp tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Kết quả, đã hỗ trợ kinh phí cho 5 dự án hơn 28 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ gần 1,9 tỷ đồng, vốn đối ứng của thành viên hơn 26 tỷ đồng. Đối với cấp huyện, thị xã, thành phố, đã phê duyệt, triển khai chuỗi liên kết đối với 2 dự án, kế hoạch.
Tiêu biểu như: Dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ hạt điều theo tiêu chuẩn hữu cơ Mỹ/EU; dự án liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP… Từ các dự án, đã hình thành các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị phát triển ổn định, mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia và là điểm tham quan học tập, tạo tiền đề khuyến khích nông dân tham gia các mô hình hợp tác, liên kết theo chuỗi như: Chuỗi liên kết điều (HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Xanh, Đồng Nai, Bình Minh, Như Hoàng, Hòa Phú...), cây ăn trái của HTX Phương Nghĩa, Nông Thành Phát, Thành Tiến, Bàu Nghé...
“Nhìn chung, các mô hình liên kết theo chuỗi được triển khai rộng khắp trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế sản xuất nông nghiệp của tỉnh chủ yếu vẫn là nhỏ, lẻ, manh mún, tự phát nên các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn ở quy mô nhỏ, lỏng lẻo. Sự liên kết, gắn kết lợi ích và trách nhiệm giữa doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã còn bất cập, hạn chế….”, ông Phạm Thụy Luân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước đánh giá.
Tính đến ngày 15/5/2023, toàn tỉnh Bình Phước có 311 HTX (trong đó có 232 HTX đang hoạt động), trong đó có 270 HTX nông nghiệp (chiếm 86,8%). Các HTX nông nghiệp chủ yếu là trồng trọt với các sản phẩm như điều, tiêu, sầu riêng, bơ, bưởi, cam, quýt, ổi, mít… và chăn nuôi với các sản phẩm như dê, bò, heo, gà, vịt...
Tuy nhiên, hầu hết các HTX nông nghiệp hoạt động chưa đúng với bản chất. Một số quản lý HTX chưa quan tâm đến hợp tác, liên kết sản xuất. Phần lớn các hợp tác xã chưa chủ động xây dựng kế hoạch, phương hướng hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến khó ký các hợp đồng bao tiêu sản phẩm bền vững, chưa có các hình thức liên doanh liên kết khu vực HTX, HTX với các tổ chức doanh nghiệp. Số lượng HTX nông nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị (có thực hiện liên kết cả đầu vào và đầu ra cho thành viên HTX) còn ít, chỉ có 11/88 HTX, chiếm 12,5%.
Mặc dù HTX tham gia vào liên kết chuỗi giá trị hàng hóa nhưng việc xuất khẩu sản phẩm vẫn do các công ty thực hiện, HTX chỉ đóng vai trò cung cấp sản phẩm thô. Việc liên kết chuỗi giá trị đòi hỏi các sản phẩm phải sản xuất theo các tiêu chuẩn, tuy nhiên hiện nay việc đầu tư sản xuất theo các tiêu chuẩn cần đầu tư vốn lớn, kỹ thuật canh tác cao, vượt quá khả năng đầu tư của thành viên HTX, đặc biệt là các HTX vùng đồng dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, đến 2025, Bình Phước phấn đấu cấp huyện phê duyệt khoảng 35 chuỗi, cấp tỉnh khoảng 25 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bình Phước cũng đề nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/08/2018 của Chính phủ theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình giải ngân, nhất là phần nguồn vốn của hợp tác xã, người dân đối ứng phải hướng đến phù hợp với thực tế, tập quán của nông dân và sản xuất nông nghiệp…
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cần quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các chuỗi liên kết được vay ưu đãi để doanh nghiệp, hợp tác xã được đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng sản xuất và xây dựng nhà kho, sân phơi, sơ chế, chế biến sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Huỳnh Anh Minh cho rằng, dù đã đạt được một số kết quả nhưng việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn khó khăn. Ông đề nghị thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp; quan tâm bố trí đủ nguồn lực, tăng cường hướng dẫn, tạo điều kiện tốt cho các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện liên kết.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh mong muốn các doanh nghiệp, hợp tác xã phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như phục vụ cho xuất khẩu.