| Hotline: 0983.970.780

Bộ NN-PTNT đề nghị hạn chế mở rộng quy mô đàn lợn

Thứ Sáu 17/02/2017 , 07:50 (GMT+7)

Với mức tăng trưởng nóng trong lĩnh vực chăn nuôi những năm gần đây, nhất là với lĩnh vực chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm...

17-46-22__dsc0094
Bắc Giang là địa phương phát triển quy mô đàn lợn khá nhanh trong những năm qua
 

Với mức tăng trưởng nóng trong lĩnh vực chăn nuôi những năm gần đây, nhất là với lĩnh vực chăn nuôi lợn và công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm đang gây nên những hệ lụy lớn về thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi cũng như môi trường sinh thái trong tương lai gần, Bộ NN-PTNT đã có văn bản đề nghị siết chặt quản lý.

Theo Bộ NN-PTNT, tổng đầu lợn có mặt thường xuyên hiện nay của Việt Nam đã trên 29 triệu con, đứng thứ tư trên thế giới; tổng công suất thiết kế của các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã đạt trên 31 triệu tấn, vượt xa so với kế hoạch định hướng là 25 triệu tấn vào năm 2020, với sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năm 2016 đạt 23,5 triệu tấn (trong đó thức ăn thủy sản khoảng 3,0 triệu tấn) đã đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong các nước Asean và đứng thứ 10 trên thế giới.

Nhằm giảm thiểu những áp lực nêu trên, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản về “chăn nuôi lợn và thức ăn chăn nuôi công nghiệp", đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện các nội dung sau:

Với chăn nuôi lợn, rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương. Hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái, mà chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi lợn theo các phân khúc thị trường khác nhau.

Chỉ đạo đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng phát triển chăn nuôi lợn công nghiệp mà cần chú ý phát triển mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống và chăn nuôi hữu cơ.

Quy hoạch và chỉ đạo quyết liệt vấn đề giết mổ tập trung, công nghiệp và khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng thịt lợn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Với lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, hạn chế đầu tư mở rộng thêm các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi lợn và gia cầm, nhất là ở các địa phương thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Khuyến khích phát triển lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đáp ứng nhu cầu trong nước thay thế nhập khẩu, nhất là việc áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ cao trong sản xuất các chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh và xử lý môi trường chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi cho đàn gia súc ăn cỏ; các nhà máy chế biến bột thịt xương, bột máu, bột cá, bột đầu tôm, bột khoáng… vừa hạn chế ô nhiễm môi trường vừa tận thu khối lượng lớn nguồn hữu cơ hiện nay trong sản xuất.

Xem thêm
Phát hiện cơ sở chuyên xử lý lợn ốm chết ở Vĩnh Phúc

Chủ cơ sở ở Vĩnh Phúc cho biết, lợn thu mua của dân đó đều là các con bị ốm do xuất huyết hoặc yếu do nắng nóng hoặc chết không rõ nguyên nhân.

Kiểm dịch tôm giống còn gặp khó

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên tôm nuôi mà một phần nguyên nhân do tôm giống gây ra, ngành chức năng đã siết chặt công tác kiểm dịch.

Sầu riêng rụng quả non hàng loạt do sốc nhiệt

KHÁNH HÒA Nhiều diện tích sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa đang thời kỳ quả non bị rụng hàng loạt do sốc nhiệt.

Quảng Ngãi xây dựng mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa

Các đơn vị đã phối hợp tổ chức gieo sạ bằng máy sạ cụm 12 hàng trên diện tích 5.000m2 tại mô hình ở cánh đồng lúa xã Đức Chánh (Mộ Đức, Quảng Ngãi).