| Hotline: 0983.970.780

Bỏ vụ lúa: Cảnh báo vỡ hệ thống canh tác lúa - tôm

Chủ Nhật 02/07/2023 , 17:35 (GMT+7)

KIÊN GIANG Hàng năm, khoảng 40.000ha nông dân không lấp lại vụ lúa. Việc nuôi thủy sản quanh năm sẽ phá vỡ hệ thống canh tác, làm mất tính ưu việt và bền vững của mô hình.

Hệ thống canh tác lúa – tôm ở ĐBSCL đã được khẳng định có tính bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho nông dân so với sản xuất độc canh. Tuy nhiên nếu không duy trì một cách khoa học, chặt chẽ, hệ thống canh tác này sẽ có nguy cơ bị phá vỡ.

Nguy cơ vỡ hệ thống canh tác tôm - lúa

Ngày 2/7, Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Công ty Hồ Quang Trí – Thương hiệu Gạo Ông Cua phối hợp tổ chức hội thảo "Nâng cao giá trị lúa – tôm" nhằm bàn giải pháp tăng năng suất và chất lượng giống lúa ST canh tác trên nền đất nuôi tôm tại Kiên Giang. Hội thảo được tổ chức tại huyện An Biên và An Minh (Kiên Giang), với sự tham dự của chính quyền địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, nông dân sản xuất lúa – tôm và các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa – tôm.

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan các gian hàng vật tư nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan các gian hàng vật tư nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh.

TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang cho biết, tỉnh Kiên Giang có đặc thù vừa chịu ảnh hưởng lũ mùa nước nổi từ sông Mê Kông, vừa bị nước mặn từ biển xâm nhập. Trước đây, khi tỉnh chủ yếu sản xuất độc canh cây lúa hoặc lúa – cá nước ngọt thì xâm nhập mặn luôn là thách thức lớn cho sản xuất. Tuy nhiên từ thời điểm năm 2000 trở lại đây, khi chuyển đổi sang mô hình lúa – tôm thì nước mặn chính là lợi thế để phát triển nuôi các loại thủy sản nước lợ, luân canh trên ruộng lúa, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nhà nông.

Theo ông Dũng, vào thời điểm năm 2010, toàn tỉnh Kiên Giang có khoảng 60.000ha sản xuất theo mô hình lúa – tôm, nhưng đến nay đã tăng lên 102.400ha, chiêm gần 50% diện tích canh tác theo mô hình này tại các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Sau hơn 20 phát triển, nông dân đã có nhiều cách làm rất sáng tạo, đưa mô hình lúa – tôm từ một cây – một con (trồng lúa và nuôi tôm sú) thành đa cây, đa con. Mô hình lúa – tôm hiện đã trở thành hệ thống canh tác lúa – tôm. Ngoài cây lúa, ở những vùng nhiễm mặn cao, nông dân trồng cỏ nước mặn (chủ yếu là cỏ năn tượng) để thay thế, lấy nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Về con tôm, từ ban đầu chỉ nuôi duy nhất con tôm sú, giờ mở rộng thêm tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, cua biển, sò huyết…

Nhờ mô hình tôm - lúa, đã sản xuất ra gạo chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn khắt khe, nhất là gạo hữu cơ để xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Nhờ mô hình tôm - lúa, đã sản xuất ra gạo chất lượng cao, đạt các tiêu chuẩn khắt khe, nhất là gạo hữu cơ để xuất khẩu. Ảnh: Trung Chánh.

Tuy nhiên, sản xuất lúa – tôm tại Kiên Giang vẫn chưa bền vững, khi hàng năm vẫn còn khoảng 40.000ha nông dân không lấp lại vụ lúa. Việc nuôi thủy sản quanh năm sẽ phá vỡ hệ thống canh tác, làm mất tính ưu việt và bền vững của mô hình. Vì vậy, rất cần có các giải pháp để giúp nông dân có thể trồng lấp vụ lúa trở lại, cải tạo môi trường, giúp nuôi tôm hiệu quả.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Kiên Giang tiếp tục quy hoạch, chuyển đổi thêm 20.000ha đất lúa ven biển phía nam Quốc lộ 80 từ Hòn Đất đến Kiên Lương nhằm mở rộng diện tích canh tác theo hệ thống canh tác lúa – tôm, giúp nâng cao thu nhập vùng nông thôn.

Sản xuất sớm để tránh El Nino

Theo dự báo, hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại từ khoảng tháng 6 năm nay và kéo dài tới mùa khô 2023 - 2024. Khô hạn và nhiễm mặn sẽ gia tăng, đây là thách thức lớn đối với sản xuất lúa theo mô hình lúa – tôm do nguy cơ thiếu nước ngọt vào cuối vụ. Vì vậy, cần bố trí mùa vụ hợp lý, xuống giống sớm hơn so với mọi năm và sử dụng giống lúa có khả năng chống chịu mặn để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra. 

Mô hình tôm - lúa đã khẳng định được sự ưu việt, bền vững, tuy nhiên việc nông dân bỏ vụ lúa trong mô hình để sản xuất thủy sản quanh năm sẽ có nguy cơ phá vỡ hệ thống canh tác này. Ảnh: TL.

Mô hình tôm - lúa đã khẳng định được sự ưu việt, bền vững, tuy nhiên việc nông dân bỏ vụ lúa trong mô hình để sản xuất thủy sản quanh năm sẽ có nguy cơ phá vỡ hệ thống canh tác này. Ảnh: TL.

Ông Lê Văn Khanh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện An Minh cho biết, nông dân trong huyện đã chuyển dịch sản xuất theo mô hình lúa - tôm trên 20 năm, từ 2001 đến nay. Huyện đã tổ chức thực hiện tốt công tác quy hoạch sản xuất từ giai đoạn ban đầu. Đến nay, mô hình lúa - tôm người dân đã sản xuất ổn định, mang lại nguồn thu nhập khá. Hiện toàn huyện có diện tích nuôi trồng thủy sản hơn 47.000ha, trong đó sản xuất theo mô hình lúa - tôm là 39.000ha, diện tích canh tác lấp lại vụ lúa đạt trên 25.000ha.

Những năm qua, sản xuất lúa có hiệu quả đã giúp mô hình lúa - tôm ngày càng phát huy hiệu quả, bền vững. Trong nuôi thuỷ sản, đã nâng dần hình thức nuôi lên tôm - lúa có cải tiến, kết hợp nuôi tôm càng xanh hoặc cua biển... Về sản xuất lúa, riêng vụ mùa 2022 - 2023 đã gieo cấy và thu hoạch với diện tích gần 25.580ha, năng suất bình quân 5 tấn/ha, với sản lượng 130.370 tấn, Trong đó, các giống ST chiếm 30%, còn lại là giống lúa mùa và một số giống lúa cao sản khác.

Đặc biệt, thực hiện chuỗi giá trị lúa - tôm, đã có nhiều doanh nghiệp ký kết với các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đầu tư sản xuất lúa đạt chứng nhận hữu cơ với gần 1.000ha và liên kết tiêu thụ lúa sản xuất trên nền đất nuôi tôm được hơn 2.000ha. Các HTX trên địa bàn cũng đã liên kết ký hợp đồng tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp như Công ty Đại Dương Xanh, Công ty Hồ Quang Trí, Tập đoàn Tân Long với các giống lúa ST5, ST25, ST24, đem lại lợi nhuận khá cho bà con nông dân.

Sau mỗi vụ nuôi tôm, môi trường đồng ruộng sẽ tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển. Ảnh: TL.

Sau mỗi vụ nuôi tôm, môi trường đồng ruộng sẽ tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho cây lúa phát triển. Ảnh: TL.

Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường Đại học Cần Thơ) khoảng định, trong hệ thống canh tác lúa – tôm, cây lúa đóng vai trò rất quan trọng, giúp làm sạch môi trường và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Vào mùa khô, chúng ta phải rước nước mặn vào nội đồng để tạo ra môi trường nước lợ nuôi tôm. Khi mưa xuống, lại phải đuổi mặn đi để tạo ra môi trường ngọt hóa trồng lúa.

Đối với con tôm, chỉ cần có môi trường nước lợ là nuôi được, ngoài nuôi trên ruộng thì có thể nuôi trong ao, hồ bằng bạt cao su. Tuy nhiên, cây lúa ngoài môi trường nước ngọt cần có môi trường đất không bị nhiễm mặn, nhiễm phèn…

Vì vậy, khâu rửa mặn cho đất rất quan trọng để có thể trồng lại vụ lúa hiệu quả. Trong quá trình canh tác, không để đất bị khô nứt, dẫn đến nước mặn thấm sâu xuống đất. Cần cày xới lớp đất mặt để rửa phèn mặn và làm rãnh, tạo điều kiện để phèn mặn theo dòng nước tiêu thoát đi. Đồng thời cần bón phân có bổ sung thêm Canxin, Bio để đuổi mặn ra khỏi đất…

Kỹ sư Hồ Quang Cua - "cha đẻ" của các giống lúa ST nên thực tế đáng buồn: Hiện nay, tình làm giả giống lúa ST đang xảy ra rất nhiều, như tại huyện An Biên (Kiên Giang) vụ lúa – tôm vừa qua lên đến 60 - 70%.

Lúa ST gắn với mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là một đặc sản tuyệt hảo, tuy nhiên cũng đang đối mặt với thách thức do nạn giống ST kém chất lượng đang rất khó kiểm soát. 

Lúa ST gắn với mô hình sản xuất lúa - tôm được xem là một đặc sản tuyệt hảo, tuy nhiên cũng đang đối mặt với thách thức do nạn giống ST kém chất lượng đang rất khó kiểm soát. 

Thiếu giống lúa ST phục vụ sản xuất là do diện tích sản xuất tăng, trong khi gạo ST25 đạt giải Gạo ngon nhất thế giới nên tình trạng "ăn cắp bản quyền” xảy ra khắp nơi, từ Mỹ, Úc và cả tại Việt Nam, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều thời gian để bạo vệ. Các giống lúa ST hút hàng thì tình trạng làm giả xảy ra càng nhiều, không chỉ là lúa giống đóng bao trắng mà còn nhái luôn cả bao bì, nông bị lừa và bị thiệt hại do giống lúa kém chất lượng.

Hệ thống canh tác lúa - tôm là môi trường rất lý tưởng để sản xuất lúa hữu cơ do ít bị ô nhiễm bởi các chất hóa học. Nhờ luân canh lúa - tôm, thời gian cách ly, ngắt vụ rất dài, cắt đứt nguồn lây bệnh từ vụ trước sang vụ sau.

Sau vụ nuôi tôm, các chất hữu cơ còn tồn dư trong đất là nguồn dinh dưỡng giúp cây lúa phát triển, giảm chi phí phân bón. Ngược lại, cây lúa sẽ làm sạch môi trường để nuôi tôm và chính rơm, rạ được phân hủy sẽ tạo ra môi trường cho nhiều loài sinh vật phát triển, tạo thức ăn cho tôm nuôi quảng canh. 

“Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang tập trung tổ chức lại sản xuất, đầu tư phát triển nuôi tôm theo hướng hữu cơ, tôm sinh thái, đầu tư cơ sở hạ tầng để mở rộng thêm diện tích canh tác lúa - tôm”, TS Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang nói.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.