| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Bến Tre với 'cuộc cách mạng' lúa - tôm

Thứ Tư 23/02/2022 , 08:17 (GMT+7)

Những năm qua, khuyến nông Bến Tre đã đi đầu trong việc sáng tạo, tìm hướng canh tác linh hoạt, lan tỏa mô hình canh tác lúa - tôm, biến bất lợi thành lợi thế.

Đột phá từ mô hình lúa - tôm

Nông nghiệp Bến Tre những năm qua đứng trước nhiều thách thức của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề bởi xâm nhập mặn. Do đó, tái cơ cấu nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu là yêu cầu sống còn đối với nông nghiệp Bến Tre. Công tác khuyến nông của tỉnh Bến Tre đã rất chủ động, linh hoạt, kịp thời lựa chọn, xây dựng những mô hình, kỹ thuật canh tác mới theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Lúa - tôm càng xanh toàn đực là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đã phát huy hiệu quả rất cao ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Lúa - tôm càng xanh toàn đực là mô hình thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu đã phát huy hiệu quả rất cao ở Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Bài liên quan

Ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre cho biết: Thời gian qua, đứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, Trung tâm đã lựa chọn những loại cây trồng vật nuôi và phương pháp để giảm thiểu rủi ro. Từ đó, con người có thể sống hài hoà, thích ứng với thiên tai cực đoan.

Trong đó, Trung tâm đã xác định mô hình tôm càng xanh xen trong ruộng lúa và luân canh với mùa vụ nước mặn để tận dụng được thời gian, không gian cũng như các môi trường sinh thái một cách hài hoà về các đối tượng cây trồng, vật nuôi trên cùng một diện tích. Dựa trên nền tảng canh tác truyền thống, kinh nghiệm thực tiễn của nông dân, Trung tâm đã có nhũng định hướng, phương pháp cải tiến phù hợp và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong mô hình này.

Nhìn chung, đối với mùa mặn từ tháng 10 âm lịch, các huyện ven biển, không chỉ riêng của Bến Tre mà các tỉnh Tây Nam bộ cũng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Do đó, mùa này sẽ tiến hành nuôi những đối tượng nước mặn và nước lợ như tôm sú quảng canh, cá kèo, cá nâu, cá đối, cua biển… trong vòng 4 - 6 tháng sẽ có thu hoạch.

Đầu mùa mưa, khi thu hoạch hết các đối tượng mùa mặn, sẽ hướng dẫn nông dân sẽ tiến hành rửa phèn, rửa mặn. Sau đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật để thực hiện mùa vụ tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa.

Ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Châu Hữu Trị, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm.

Đối với lúa, Trung tâm ứng dụng một số giống lúa chịu mặn và có giá trị cao như ST24. Bên cạnh đó, một số giống truyền thống là Đài Thơm 8 và OM9192, OM6162 vừa ngắn ngày vừa có khả năng chịu mặn từ 2 - 3‰. Đối với mô hình này, năng suất lúa cũng đạt được từ 4 - 5 tấn/ha.

Để gia tăng giá trị kinh tế trong mô hình trồng lúa thích ứng biến đổi khí hậu, Trung tâm còn sử dụng con tôm càng xanh toàn đực của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản II. Tôm càng xanh toàn đực có ưu điểm sinh trưởng và phát triển khá tốt. Chính vì toàn đực nên đàn tôm nuôi được kích cỡ (size) lớn, gia tăng được sản lượng, năng suất cũng như giá bán. Thay vì nuôi tôm truyền thống, đến giai đoạn 40 - 50 con/kg thì tôm kết cặp sinh sản, làm năng suất, sản lượng, giá bán thấp. Việc đưa con tôm càng xanh toàn đực vào sản xuất là tiến bộ lớn trong khoa học kỹ thuật, mang lại hiệu quả tích cực.

Bởi đời sống hài hoà giữa “con tôm ôm cây lúa”, đã tạo thành môi trường sinh thái hoà quyện với nhau. Những sản phẩm của cây lúa như nhị, lúa đổ sau thu hoạch được tôm sử dụng. Ngược lại, phân và thức ăn thừa của tôm cũng được cây lúa hấp thu. Một sự hài hoà tận dụng không gian, thời gian và không cạnh tranh với nhau mà cùng với nhau hỗ trợ và sinh trưởng phát triển. Đó là một trong những cách làm mang lại hiệu quả thiết thực vừa bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế.

Nông dân tham quan mô hình lúa - tôm. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân tham quan mô hình lúa - tôm. Ảnh: Minh Đảm.

Xét về hiệu quả, đối với cây lúa, mỗi ha trung bình lợi nhuận khoảng 15 - 20 triệu đồng. Đây là lúa sạch, gần như không sử dụng phân bón nên được thị trường ưa chuộng. Còn đối với con tôm, năng suất trung bình đạt được khoảng 500 kg/ha/vụ. Trừ chi phí, riêng con tôm lợi nhuận mang lại từ 60 - 100 triệu đồng/ha, gấp 4 lần so với lúa. Do đó, nông dân rất phấn khởi chăm chút tạo điều kiện cho con tôm, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Với mô hình tôm càng xanh, luân và xen canh trong ruộng lúa vừa có tính phù hợp canh tác truyền thống, vừa tính thực tiễn và đặc biệt phù hợp trong quá trình canh tác của nông dân. Chi phí đầu tư tương đối phù hợp, chỉ cần 30 - 50 triệu đồng là sẽ đầu tư được canh tác lúa và tôm trên một ha. Tuy nhiên, nếu tính tỷ suất lợi nhuận thì đạt khá cao, từ 100 - 200%. 

Bà đỡ cho nông dân

Tại huyện Thạnh Phú, địa phương có diện tích thả nuôi tôm - lúa ước trên 6,3 ngàn ha, các đối tượng nuôi xen chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh. Năng suất trung bình đạt 500 kg/ha, sản lượng khoảng 3.200 tấn. Xã An Nhơn là địa bàn có diện tích nuôi tôm - lúa cao nhất huyện với 1.783 ha. Năm 2017, xã An Nhơn thành lập Hợp tác xã lúa - tôm Thạnh Phú và duy trì phát triển. Đến nay, có 133 thành viên tham gia, diện tích khoảng 900 ha.

Ông Hồ Văn Cương, Phó Giám đốc HTX Tôm - Lúa Thạnh Phú cho hay: Hoạt động chính của HTX là sản xuất lúa sạch, nuôi tôm càng xanh. Nhiều năm qua, HTX được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật kỹ thuật. Nhất là trong thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực xen trong ruộng lúa.

HTX được chuyển giao kỹ thuật lựa chọn giống lúa ngắn ngày, chịu mặn như OM4900, OM6162. Đối với con tôm càng xanh, HTX được chuyển giao kỹ thuật ương nuôi lên size và bẻ càng nhiều đợt. Qua đó, tôm phát triển tốt, khoẻ bán được giá cao. Hiện nay, mô hình kinh tế từ tôm lúa được nhiều thành viên HTX duy trì và nhân rộng.

Kỹ thuật bẻ càng trong nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp tôm đạt trọng lượng lớn. Ảnh: Minh Đảm.

Kỹ thuật bẻ càng trong nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp tôm đạt trọng lượng lớn. Ảnh: Minh Đảm.

“Dựa trên nền tảng canh tác truyền thống và thực tiễn của từng vùng mà chúng ta có được lịch thời vụ cho hợp lý, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật như tôm càng xanh toàn đực, lúa chịu mặn. Một số biện pháp canh tác cải tiến như ương, bẻ càng, giăng lưới… để gia tăng tỷ lệ sống.

Những cách làm như thế đã mang lại hiệu quả tích cực của vùng chịu ảnh hưởng của mặn. Mùa mặn, chúng ta có những đối tượng canh tác của mùa mặn, chịu độ mặn cao. Mùa ngọt, chúng ta tận dụng thời gian, không gian để phối hợp các loại vật nuôi cây trồng phù hợp, hài hoà trong lịch thời vụ, cắt đứt nguồn lây lan mầm bệnh trong vùng sinh thái khác nhau”, ông Châu Hữu Trị, giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bến Tre nói.

Năm 2021, UBND xã An Nhơn đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bến Tre, Tổ chức WWF, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú đã khảo sát, chọn khu vực triển khai thực hiện “Dự án mô hình tôm - lúa An Nhơn” thuộc ấp An Bình. Quy mô dự án gồm 18 hộ tham gia, 19 ao nuôi, với tổng diện tích 28,1 ha, diện tích mặt nước thả nuôi 25,09 ha.

Lắng nghe, thấu hiểu nông dân

Trong quá trình chuyển giao nhân rộng các mô hình, đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre luôn chú trọng đến các phương pháp hướng dẫn, lắng nghe, thấu hiểu nông dân. Gần đây, trong dịch bệnh Covid-19, Trung tâm cũng linh hoạt chuyển tiếp qua các hình thức hội nghị, hội thảo tập huấn online, trình chiếu online các clip trên đồng ruộng, các hội thảo đầu bờ…để nông dân dễ tiếp cận.

Canh tác lúa - tôm đã thực sự tạo 'cuộc cách mạng' cho sản xuất ở ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng. Ảnh: TL.

Canh tác lúa - tôm đã thực sự tạo "cuộc cách mạng" cho sản xuất ở ĐBSCL nói chung và Bến Tre nói riêng. Ảnh: TL.

Ông Đỗ Văn Khuyên ở ấp An Ninh, xã An Thuận, huyện Thạnh Phú cho biết: Ông có 8.000m2 canh tác tôm – lúa tham gia mô hình trình diễn “Nuôi luân canh tôm càng xanh toàn đực - lúa”. Trong quá trình nuôi, gia đình ông được Trung tâm Khuyến nông Bến Tre hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí thực hiện, gồm: 50% giống tôm càng xanh toàn đực và 50% thức ăn và chế phẩm sinh học.

Trong thời gian thực hiện, ông Khuyến được đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn thực hiện. Đến nay, sau 5 tháng thực hiện mô hình, tôm sinh trưởng, phát triển tốt và đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc, tỷ lệ tôm sống trên 65%, kích cỡ 18,2 g/con (55 con/kg). Ước năng suất khoảng 660kg/ha.

Thời gian qua, những mô hình của Trung tâm Khuyến nông Bến Tre thực hiện đã mang lại những hiệu quả hết sức tích cực. Về kinh tế, nông dân đã có những thu nhập tăng vọt so với những cách làm truyền thống trước đây. Các công ty lương thực, thương lái các nơi đến thu mua lúa tại các diện tích lúa - tôm với giá luôn rất cao, từ 8.500 - 10.000 đồng/kg.

Nhờ linh hoạt, khéo léo vận dụng phù hợp canh tác lúa - tôm, đất đai không còn hoang hoá vì phèn mặn như trước. Công lao động của địa phương cũng được tận dụng, đời sống nông dân được cải thiện. Nông dân bám đất, bám làng trên đồng ruộng của mình. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái được cải thiện, bởi mô hình tôm - lúa sạch không tác động gây hại đến hệ sinh vật xung quanh. Đây là tín hiệu phấn khích để Trung tâm Khuyến nông Bến Tre tiếp tục duy trì phát triển, nhân rộng trong thời gian tới.

  • Tags:
Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.