Dù vậy, đến nay, nó vẫn được xem là một trong những nhà hát opera, ballet lâu đời và vĩ đại nhất thế giới.
Mặt tiền Nhà hát Bolshoi. Ảnh: Opera Online. |
Tháng 3/1776, được Nữ hoàng Catherine II Đại đế cho phép, Hoàng tử Pyotr Urusov bắt tay vào xây dựng Nhà hát Bolshoi với mục tiêu làm đẹp cho thành phố cũng như phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân. Không may, tòa nhà mới xây dựng bị cháy và dự án được bàn giao lại cho Michael Maddox, nhà toán học kiêm doanh nhân trong lĩnh vực sân khấu, theo Culture Trip.
Những biến động
Dù quá trình xây dựng thành công, Michael Maddox lại vượt quá ngân sách tới 50.000 rúp và không thể thoát khỏi cảnh nợ nần. Vì thế, ban quản trị đã giao cho Hoàng tử Volkonsky trách nhiệm quản lý nhà hát.
Khi công trình một lần nữa bị lửa tấn công vào năm 1805, kiến trúc sư người Nga gốc Italy Carlo Rossi đã cho xây dựng một tòa nhà bằng gỗ mới thay thế công trình cũ trên Quảng trường Arbatskaya. Tuy nhiên, nó sau đó cũng bị thiêu rụi bởi trận đại hỏa hoạn ở Moscow năm 1812.
Sau cuộc Chiến tranh Vệ quốc năm 1812, một kiến trúc sư người Nga gốc Italy khác là Joseph Bove đã được chọn để giám sát việc tái xây dựng Nhà hát Bolshoi. Vị kiến trúc sư chỉ sử dụng bức tường còn lại trong công trình của Maddox để xây lên tòa công trình cao 37 mét như ngày nay. Năm 1824, nhà hát tái sinh từ đống đổ nát được khánh thành với vở kịch “Triumph of the Muses”, giới thiệu huyền thoại của chủ nghĩa lãng mạn Nga Pavel Mochalov.
Sự thật thú vị
Ngoài những lần biến động, lịch sử Nhà hát Bolshoi cũng có không ít điểm thú vị. Nhà hát Bolshoi của Maddox sở hữu một khán phòng với 1.000 ghế, một sân khấu cùng một hố dàn nhạc. Ngay phía bên trên sân khấu là những chiếc hộp nơi “người yêu hòa nhạc” ngồi và hầu hết họ đều thuộc giới quý tộc.
Họ cũng là người đưa ra các tín hiệu cho một số “khán giả”. Ví dụ, nếu họ đưa hai ngón tay lên, tất cả mọi người phải hoan hô nhiệt liệt. Những vị quý tộc này có thể được xem là chủ của “dàn tung hô”, hay những người được thuê để vỗ tay vào những khúc nhất định trong màn biểu diễn.
Đoàn kịch Nhà hát Bolshoi đầu tiên chỉ có 42 người, trong đó có 8 nữ diễn viên, 13 nam diễn viên, 13 nhạc sĩ, ba nam vũ công và 4 nữ vũ công.
Vua Alexander III và gia đình ông coi Nhà hát Bolshoi là một trong những địa điểm ưa thích. Họ thường tới đây để xem những vở diễn ballet hay các vở opera mới dù thực tế là thủ đô của Nga và cung điện Hoàng gia lúc bấy giờ đặt ở St. Petersburg.
Thời Thế chiến II, Nhà hát Bolshoi, giống như bao công trình biểu tượng khác của Moscow, được nguy trang thành một căn nhà bình thường. Bằng cách này, chính quyền cố gắng bảo vệ di tích trước các cuộc đánh bom.
Một sự thật thú vị khác, Nhà hát Bolshoi còn được minh họa trên đồng 100 rúp của Nga, phát hành năm 1997.
Hàng năm, chính quyền Moscow thường trồng thêm hoa tulip phía trước Nhà hát Bolshoi. Đây là truyền thống được khởi xướng bởi một người Hà Lan tên Lefeber. Sau lần đầu tiên tới thăm nhà hát vào những năm 1950, Lefeber quá ấn tượng bởi màn trình diễn của các vũ công ballet Nga nên đã chuyển giao cho nhà hát hai giống hoa tulip mới mang tên “Nhà hát Bolshoi” và “Galina Ulanova” (tên của một nữ vũ công ballet nổi tiếng nước Nga).
Khán phòng chật kín người bên trong Nhà hát Bolshoi. Ảnh: Opera And Ballet. |
Trong lịch sử lâu dài của nhà hát, sân khấu nơi đây đã có sự góp mặt của trên 700 vũ công ballet, diễn viên, ca sĩ opera.
Những bê bối
Hồi năm 2013, Bolshoi từng khiến cả nước Nga chấn động với vụ tấn công bằng axit nhằm vào Sergei Filin, giám đốc nghệ thuật của nhà hát. Sau sự việc, Filin đã tiết lộ những góc khuất phía dưới vẻ hào nhoáng của nhà hát này.
Nguyên nhân dẫn tới vụ tấn công có thể là do những đấu đá nội bộ của nhà hát, những cuộc tranh giành vai diễn và tình trạng này không phải là điều gì quá mới mẻ mà nó đã tồn tại suốt hàng chục năm.
Cũng trong năm 2013, Anastasia Volochkova, cựu nghệ sĩ nổi danh một thời của Boshoi, bị sa thải năm 2003 với lý do hình thể quá to lớn, đã lên tiếng tố cáo nhà hát là một “nhà thổ lớn”, nơi các nữ nghệ sĩ ballet trẻ thường bị buộc tham gia những bữa tiệc tối và quan hệ tình dục với các nhà bảo trợ giàu có.
Đáp lại, Tổng giám đốc nhà hát Anatoly Iksanov khẳng định những lời tố cáo của Volochkova là “bẩn thỉu và điên khùng”, hoàn toàn vô căn cứ.