| Hotline: 0983.970.780

Bón nhiều phân, năng suất cao nhưng không có lãi thì để làm gì?

Thứ Hai 01/11/2021 , 06:00 (GMT+7)

Thay vì bón phân thật nhiều để có năng suất cao, nhiều nông dân đã quyết định sản xuất hữu cơ, năng suất có thể thấp hơn một chút nhưng lợi nhuận lại cao hơn.

Giảm 60% chi phí phân bón, năng suất lúa vẫn 5 tấn/ha

Hiện nay, để giảm áp lực chi phí phân bón tăng cao, nhiều nông dân đã chọn cách canh tác theo quy trình hữu cơ. 

Tại HTX Nông nghiệp – Sản xuất và Thương mại Châu Hưng ở ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh), vụ thu đông năm 2020, đã có 59 hộ dân với hơn 47 ha tham gia chuyển đổi sang trồng lúa hữu cơ. Đến nay, vụ đông xuân 2021 - 2022, HTX đã phát triển lên 162 hộ với diện tích sản xuất 130 ha sản xuất lúa hữu cơ.

Nông dân HTX Châu Hưng (Hưng Mỹ, Châu Thành, Trà Vinh) đã quyết định chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ trong vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Nông dân HTX Châu Hưng (Hưng Mỹ, Châu Thành, Trà Vinh) đã quyết định chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ trong vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Minh Đảm.

Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX cho biết: HTX sẽ đầu tư vật tư đầu vào như giống, phân hữu cơ, thuốc BVTV. Cuối vụ, HTX thu mua lúa của bà con với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg. Điều đáng ghi nhận là dù chuyển đổi theo quy trình hữu cơ sinh học nhưng lúa vẫn đạt năng suất ổn định.

Bài liên quan

Ông Nguyễn Văn Cam ở ấp Ngãi Lợi, xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành (Trà Vinh) tham gia HTX từ những ngày đầu mới thành lập. Ông Cam cho biết: Chuyển qua làm hữu cơ ông thấy việc canh tác lúa nhàn hẳn so với trước. Nhất là ở khâu phun xịt thuốc bảo vệ thực vật. Cả vụ hè thu 2021, ông chỉ xịt sâu có 1 lần bởi vì cây lúa xanh vừa phải, rất khỏe. Năng suất ruộng lúa của ông ở vụ hè thu 2021 cũng đạt 5 tấn/ha.

Theo ông Cam, chi phí sản xuất cả vụ chỉ tốn 1,2 triệu đồng/công. Trong đó, ông chỉ sử dụng 30 kg phân gà và 9 kg phân đạm, chi phí phân bón chỉ là 390.000 đồng/công, thấp hơn rất nhiều so với mô hình sản xuất lúa thâm canh phân vô cơ (khoảng 1 triệu đồng tiền phân bón/công). Vụ đông xuân 2021 - 2022 này, ông Cam tiếp tục canh tác theo quy trình hữu cơ.

Trong khi nhiều người lo lắng về giá phân bón tăng cao thì ông Cam cũng như các thành viên của HTX Châu Hưng không quá lo lắng. Chi phí sản xuất cả vụ cũng không lớn lắm. Tính ra cũng chỉ bằng 50-60% so với canh tác theo quy trình sử dụng phân hóa học. Tuy nhiên, năng suất, lợi nhuận của bà con vẫn đảm bảo.

Chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ giúp giảm 50 - 60% chi phí sản xuất lúa, nhưng năng suất vẫn không tụt quá nhiều so với thông thường, giá lúa lại cao, lợi nhuận tăng. Ảnh: Minh Đảm.

Chuyển đổi sản xuất lúa hữu cơ giúp giảm 50 - 60% chi phí sản xuất lúa, nhưng năng suất vẫn không tụt quá nhiều so với thông thường, giá lúa lại cao, lợi nhuận tăng. Ảnh: Minh Đảm.

Theo ông Trương Kính Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh: Huyện Châu Thành có điều kiện để phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ. Nhất là vùng chuyên canh lúa - tôm ở các xã cù lao. Ví dụ ở khu vực Long Hòa và Hòa Minh (huyện Châu Thành) với diện tích lúa canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón hóa học trên ruộng nuôi tôm hiện nay khoảng 250 ha đang đem lại hiệu quả cao. Hiện nay, tiềm năng xây dựng và phát diện tích lúa hữu cơ của toàn huyện là 347 ha.

Trước tình hình giá phân bón hóa học tăng cao, nhiều bà con nông dân của huyện đã chọn sản xuất theo mô hình hữu cơ gắn với liên kết bao tiêu đầu ra từ doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất, đảm bảo lợi nhuận.

Giảm 40-50% chi phí, lại bán được giá

Tại vùng chuyên canh cây ăn trái ở TP Cần Thơ, hiện nay nhiều vườn đang tập trung chăm sóc, bón phân, tưới nước… để phục vụ cho thị trường cuối năm.

Trước cảnh giá phân bón tăng cao kỷ lục như hiện nay, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển từ phân bón hóa học sang dùng phân hữu cơ sinh học để giảm chi phí đầu tư, nhưng vẫn giữ vững năng suất cây trồng ở cuối vụ. Bởi giá các loại phân hữu cơ chỉ tăng nhẹ, thậm chí có nhiều loại không tăng như sản phẩm phẩm phân hữu cơ sinh học và chất cải tạo đất…

Nông dân sử dụng quy trình sản xuất cây ăn quả bằng phân bón hữu cơ giúp trái cây đạt chuẩn, bán được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân sử dụng quy trình sản xuất cây ăn quả bằng phân bón hữu cơ giúp trái cây đạt chuẩn, bán được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Điển hình như 7 ha vườn trồng sầu riêng với cây mít siêu sớm (mít Thái) đang cho trái năm thứ 3 của gia anh Đào Huy Lực ở ấp Định Khánh A, xã Định Môn, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ sinh học những vẫn đảm bảo năng suất không thua gì so với sản xuất dùng phân bón hóa học. 

Bài liên quan

Anh Lực cho biết, sử dụng phân thuốc hữu cơ sinh học nên vườn cây của anh cả mít và sầu riêng ít bị sâu bệnh tấn công, lá xanh tốt, rễ ra khỏe và đặc biệt hơn mít Thái trồng tại vườn anh Lực cho trái rất to, với trọng lượng bình quân đạt từ 15 - 20 kg/trái nên hầu hết được xếp vào hàng loại 1, tỉ lệ đạt trên 85% và bán được giá cao cho thương lái. 

Đặc biệt năm nay, giá mít và sầu riêng luôn ở mức cao nên gia đình anh có nguồn thu nhập khá ổn định. 

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, đã bắt đầu hình thành một số mô hình sản xuất, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang hướng hữu cơ. Điển hình là mô hình trồng 8 công bưởi da xanh theo hướng hữu cơ của ông Nguyễn Văn Mười Một (còn gọi Út Một) ở xã Tân Bình, huyện Châu Thành, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. 

Vườn bưởi da xanh của ông Út Một trồng được hơn 5 năm tuổi, được chăm sóc theo phương pháp hữu cơ sinh học từ lúc nhỏ. Nhờ theo đuổi quy trình sản xuất an toàn và hướng đến chuẩn hữu cơ nên vườn bưởi của ông Út Một phát triển xanh tốt, chất lượng, an toàn nên được thương lái và khách hàng đánh giá cao.

Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, nông dân ngày càng quan tâm hơn việc dùng phân hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Trước thực trạng giá phân bón tăng cao, nông dân ngày càng quan tâm hơn việc dùng phân hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Út Một cho biết, trước đây cũng từng trải qua trồng nhiều loại cây ăn trái khác như xoài, mít, cam, quýt, vú sữa… nhưng đều thất bại vì sâu bệnh tấn công, bên cạnh đó giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn khiến vụ trồng nào cũng lỗ.

Bài liên quan

Từ năm 2016, ông thấy người dân Bến Tre trồng bưởi da xanh rất hiệu quả, bán giá cao và có sử dụng phương pháp sinh học nên cây ít sâu bệnh. Từ đó, ông quyết định cải tạo lại 8 công vườn lên bờ trồng bưởi da xanh theo phương pháp hữu cơ 100% nhằm đảm bảo tính bền vững cho đất, vườn cây phát triển tốt.

Theo ông, lâu nay, nông dân trồng lúa hay cây ăn trái, vẫn có tư duy, thói quen là phải cho cây ra quả thật sai, thật năng suất. Muốn thế, bà con thường phải sử dụng phân bón hóa học rất nhiều, chi phí bỏ ra cao.

"Thực ra, dù lúa hay trái cây có năng suất mấy đi nữa nhưng khi chi phí phân bón, vật tư quá cao, trừ đi chi phí đầu vào thì có khi lại lỗ. Năng suất cao nhưng hoạch toán ra lại lỗ thì có khi không bằng năng suất thấp thôi, mà lại có lời", ông Út Một nói.

Không những thế, việc lạm dụng phân thuốc hóa học nhiều còn làm mất đi sự cân bằng trong hệ sinh thái của đất, cây dễ bị sâu bệnh tấn công mà nông sản lại không an toàn. 

Chính vì vậy, ông đã tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm nhiều nơi, quyết định đưa ra công thức phân bón hữu cơ riêng cho bản thân bằng cách ủ các loại bã đậu nành, vỏ khóm, hèm bia, chuối… dùng để bón cho cây nhằm thay thế phân bón hóa học. Điều này đã giúp gia đình ông hàng năm giảm được chi phí từ 40 - 50% so với trước đây canh tác theo truyền thống dùng phân thuốc hóa học. 

Nông dân ủ phân hữu cơ dùng cho sản xuất cây ăn trái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân ủ phân hữu cơ dùng cho sản xuất cây ăn trái. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Út Một chia sẻ bí quyết, để có phân hữu cơ sử dụng, ông dùng các lu hay thùng phuy bỏ các bả đậu nành, vỏ khóm, hèm bia, chuối… rồi ủ hoai mục trong vòng 1,5 - 2 tháng là có thể lấy ra bón lên gốc bưởi.

Đối với bưởi chuẩn bị làm bông, ông pha phân hữu cơ ủ hoai cộng với nước để phun xịt lên lá và thân cây. Khi bưởi ở giai đoạn đậu trái (trái lớn bằng nắm tay), ông dùng phân hữu cơ tự ủ cộng với sữa tươi và trứng gà để phun lên trái nhằm giúp trái đẹp da, hạn chế được sâu bệnh tấn công, giúp trái ngon, ngọt…

Bên cạnh đó, để phòng trừ sâu bệnh mà không dùng đến thuốc BVTV, ông Út Một đã tận dụng thiên địch có lợi và các loại bẫy để bắt côn trùng. Song song đó, ông còn nuôi kiến vàng làm “vệ sĩ” cho cây bưởi.

Kiến vàng sẽ bắt, ăn thịt tất cả các loại sâu, nhện, xua đuổi các loại côn trùng gây hại có cánh và phát ra mùi làm côn trùng sợ không dám lại gần. Thực tế cho thấy, những vườn cây ăn trái được nuôi kiến vàng thì mật độ sâu hại giảm, quả đẹp và bóng hơn so những vườn không nuôi và nhân thả kiến vàng. 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.