Nhận được giấy mời tham quan mô hình sản xuất giống lúa mới tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế, ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc HTX Thanh Long Phú Thịnh (xã Hàm Phú, Hàm Thuận Bắc) và một số xã viên từ sáng sớm đã có mặt tại cánh đồng Cây Dừa (xã Hàm Trí).
Được tận mắt chứng kiến lúa Hưng Long 555, ông Hoàng tấm tắc khen giống lúa này rất đẹp, hạt vàng óng, chuẩn bị thu hoạch nhưng bộ lá đòng to vẫn còn rất xanh. “Một số ruộng lúa bên cạnh đã thu hoạch do người dân sử dụng giống lúa cũ nên bị đốm lá và bệnh vàng lá chín sớm, còn giống lúa Hưng Long 555 dù có bị đốm nâu nhưng mức độ rất ít, chứng tỏ chống chịu sâu bệnh tốt”, ông Hoàng nói và đánh giá lúa có bông dài, số lượng bông nhiều nên phải đạt năng suất 9 - 10 tấn tươi/ha.
Theo ông Hoàng, những năm qua, HTX Thanh Long Phú Thịnh đã phối hợp với một số đơn vị làm mô hình sản xuất lúa mới nhằm thay thế các giống cũ bị nhiễm sâu bệnh, năng suất thấp, nhưng đến nay vẫn chưa được như kỳ vọng. Muốn giống lúa mới được người dân đưa vào sản xuất ở địa phương thì phải đáp ứng được yêu cầu sản xuất 3 vụ/năm, giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt và phải được thương lái thu mua.
“Với những gì được thấy qua buổi tham quan, tôi rất kỳ vọng giống lúa Hưng Long 555 thời gian tới sẽ được mở rộng sản xuất tại địa phương, bởi giống cho năng suất cao hơn hẳn các giống lúa đối chứng, chống chịu sâu bệnh tốt”, ông Nguyễn Minh Hoàng chia sẻ.
Bà Lê Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Nông Thịnh Phát (Đắk Lắk) dù cách xa trên 400km nhưng vẫn cùng nhân viên xuống tham quan mô hình sản xuất tại Bình Thuận. Bà Thủy cho biết, giống lúa Hưng Long 555 đã được đơn vị tiến hành sản xuất một số vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và được bà con nông dân rất ủng hộ bởi giống có năng suất cao, vụ đông xuân có nơi đạt đến 13 tấn tươi/ha, vụ hè thu đạt 9 - 10 tấn/ha. Gạo trong, không bạc bụng, được thương lái rất ưa chuộng. Do đó, dù mới đưa vào sản xuất nhưng người dân tại Tây Nguyên rất mê và đăng ký sản xuất với diện tích lớn.
Anh Đinh Bá Thảo, hộ dân triển khai mô hình sản xuất giống lúa Hưng Long 555 tại xứ đồng Cây Dừa (xã Hàm Trí) cho biết: Những năm qua, gia đình ông chủ yếu sản xuất các giống lúa cũ, đã bị thoái hóa nên năng suất không cao, hay bị nhiễm sâu bệnh. Vụ đông xuân năm nay, được sự vận động của chủ đại lý vật tư nông nghiệp Bảy Phụng ở cùng xã, ông trồng thử giống lúa Hưng Long 555 trên diện tích 2,4 sào (sào 1.000m2). Ban đầu ông cũng lo bởi không biết giống lúa mới thế nào, nhưng được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên những lo lắng dần biến mất, thay vào đó là niềm vui bởi giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, lại ít nhiễm sâu bệnh.
“Dù là đất cát pha, độ phì kém, cánh đồng này được người dân sản xuất liên tục 3 vụ/năm. Trong quá trình chăm sóc tôi chỉ bón phân với hàm lượng 60kg cho 2,4 sào và được các chuyên gia đánh giá bón phân quá ít nhưng năng suất vẫn ước đạt khoảng 10 tấn lúa tươi/ha”, anh Đinh Bá Thảo chia sẻ.
Anh Hà Văn Ngọ, chủ đại lý vật tư nông nghiệp Bảy Phụng cho biết, qua theo dõi trực tiếp cho thấy, giống Hưng Long 555 sinh trưởng phát triển mạnh, bộ lá đứng gọn, màu xanh nõn chuối, bền đến cuối vụ. Các ruộng lân cận gieo trồng bằng giống lúa khác bị nhiễm nặng đốm lá và vàng lá chín sớm nhưng ruộng lúa Hưng Long rất ít nhiễm, đặc biệt là với bệnh đạo ôn.
Giống lúa Hưng Long 555 đẻ nhánh khá, đạt 255 - 265 bông/m2. Chiều cao cây trung bình 92 - 95cm, cây khỏe cứng. Lấy mẫu ngẫu nhiên, số hạt chắc/bông đạt từ 142 – 153 hạt, tỷ lệ hạt chắc cao 80 - 83%, bông chính xấp xỉ 300 hạt/bông, thời gian sinh trưởng trong vụ đông xuân khoảng 100 - 105 ngày, phù hợp với điều kiện mùa vụ tại địa phương.
“Năng suất giống lúa Hưng Long 555 cao hơn giống khác từ 12 – 15%, giá bán dự kiến 7.200 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giống khác 200 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 70 - 72 triệu đồng/ha, cao hơn giống khác từ 9 – 12 triệu đồng”, anh Hà Văn Ngọ nói.
Ông Lương Thành Đạt, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, giống lúa Hưng Long 555 lần đầu tiên được sản xuất trong vụ đông xuân 2023 - 2024 trên địa bàn huyện. Qua thăm đồng cho thấy giống có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Vì vậy đây là giống lúa mới giúp nông dân có thêm cơ hội lựa chọn đưa vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận đánh giá, giống lúa Hưng Long 555 đã được công nhận cho phép sản xuất và lưu hành, giống có tiềm năng năng suất cao. Qua mô hình sản xuất tại Hàm Trí cho thấy dù đất xấu, lượng phân bón thiếu nhưng bộ lá đòng vẫn xanh khi lúa chuẩn bị thu hoạch, giống ít bị nhiễm sâu bệnh và cho năng suất cao hơn hẳn các giống lúa địa phương.
"Thời gian tới, chúng tôi mong muốn Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế tiếp tục triển khai mô hình ở Hàm Thuận Bắc cũng như phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Thuận xây dựng các mô hình sản xuất giống lúa Hưng Long 555 tại các huyện. Trên cơ sở đó đánh giá toàn diện về năng suất, tính thích nghi và khả năng chống chịu sâu bệnh, từ đó có cơ sở đưa vào sản xuất trên diện rộng”, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đề nghị.
Ông Lê Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp Quốc tế cho biết, giống lúa Hưng Long 555 đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cấp quyết định lưu hành số 349 ngày 18/11/2022 cho các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong vụ đông xuân năm 2023 - 2024, Công ty phối hợp với nhà phân phối Bảy Phụng xây dựng mô hình canh tác giống lúa Hưng Long 555 trên địa bàn xã Hàm Trí.
Kết quả mô hình cho thấy, thời gian sinh trưởng từ lúc gieo đến lúc thu hoạch khoảng 100 ngày, hoàn toàn phù hợp với cơ cấu gieo trồng của địa phương. Giống lúa Hưng Long 555 thể hiện rõ tính chống chịu sâu bệnh rất tốt, những ruộng xung quanh sử dụng giống địa phương bị bệnh đốm nâu và vàng lá sinh lý chín sớm, nhưng giống Hưng Long 555 lá vẫn xanh bền, vàng gừng. Dự kiến năng suất thu hoạch đạt 9 - 10 tấn lúa tươi/ha, chất lượng cơm ngon, gạo đủ điều kiện xuất khẩu. Thực tế giống lúa Hưng Long 555 đã và đang có mặt trên thị trường các tỉnh ĐBSCL, tham gia vào thị trường chuỗi lúa gạo xuất khẩu.
“Đây là vụ đầu tiên chúng tôi sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, do giống lúa Hưng Long 555 có tiềm năng năng suất cao nên đặc biệt ở những vùng đất pha cát bà con nông dân cần tăng lượng bón lân và kali để cây lúa phát triển tốt. Dù mô hình trình diễn bón thiếu rất nhiều phân bón so với khuyến cáo nhưng năng suất lúa vẫn cao hơn hẳn các giống lúa khác trên cùng xứ đồng. Tôi tin rằng, với đồng đất của huyện Hàm Thuận Bắc nói riêng và Bình Thuận nói chung, khi đưa giống lúa này vào sản xuất sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Lê Ngọc Ánh chia sẻ.
Theo đại diện Cục Trồng trọt tham quan mô hình, giống Hưng Long 555 có nhiều ưu điểm vượt trội cả về năng suất và chất lượng, bà con nông dân nên sớm đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường khuyến cáo giảm lượng giống gieo sạ ở mức xung quanh 80kg/ha tuỳ theo độ phì từng chân đất, hạn chế sử dụng giống đã quá cũ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, người dân không nên tự để giống vì sẽ lẫn tạp và mang mầm bệnh, nên mua hạt giống tại các cửa hàng cung ứng sản phẩm do các công ty sản xuất.