| Hotline: 0983.970.780

Bức xúc 'cát tặc', người dân vây kín trụ sở xã phản đối

Thứ Tư 11/04/2018 , 13:50 (GMT+7)

Cát tặc là vấn nạn nhức nhối tại huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa bấy lâu nay. Dù đã triển khai nhiều phương án để ngăn chặn nhưng tất cả chỉ như muối bỏ bể, nguồn tài nguyên bị đục khoét liên hồi kéo theo muôn vàn hệ lụy…

Nhiều năm qua, xã Thiệu Đô luôn được xem là điểm nóng về cát tặc. Việc khai thác diễn ra rầm rộ khiến cho hàng chục hecta đất sản xuất nông nghiệp, hoa màu của người dân bị cuốn phăng theo dòng nước. Bởi thế trong mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, vấn đề này là đề tài được bàn tán sôi nổi nhất, có điều đâu rồi lại vào đó, sự việc không được xử lý triệt để khiến bà con càng bức xúc thêm.

09-07-43_2
Tình trạng cát tặc diễn ra liên hồi khiến người dân vô cùng bất an

Đỉnh điểm là mới đây nhất, vào sáng ngày 9/4 hàng trăm người dân đã kéo nhau lên trụ sở UBND xã Thiệu Đô yêu cầu chính quyền địa phương phải có biện pháp ngăn chặn triệt để nhằm bảo vệ tài sản, hoa màu cũng như mồ mả tổ tiên.

Trước tình hình trên, ngay buổi chiều cùng ngày đại diện UBND huyện Thiệu Hóa, chính quyền xã Thiệu Đô đã tổ chức đối thoại với người dân.

Như chiếc lò xo bị dồn nén bấy lâu, từ đầu giờ chiều bà con đã kéo đến chật kín hội trường. Sau khi nghe lãnh đạo huyện, xã phát biểu, nhận thấy những giải pháp đưa ra không khả thi, người dân lại phản đối kịch liệt hơn. Nhiều người cho rằng: “Nếu không xử lý dứt điểm, vẫn để tình trạng cát tặc hoành hành thì tốt nhất lãnh đạo nên từ chức”.

Ghi nhận tại khu vực bãi bồi của xã Thiệu Đô, rất nhiều diện tích canh tác của bà con đã bị cuốn trôi. Nhiều hộ lo ngay ngáy phải mua cả gạch đá đổ xuống để ngăn sạt lở nhưng không ăn thua. Qua ghi nhận thực tế, so với thời điểm trước Tết Nguyên đán 2018 hiện môt số điểm đã ăn sâu thêm đến dăm bảy mét, đất sạt theo kiểu hàm ếch rất nguy hiểm.

Khi được hỏi về thực trạng hiện nay, bà Hoàng Thị Bình, trú tại thôn 7 ngao ngán: “Vấn nạn này xảy ra nhiều năm rồi, không hiểu sao đơn vị chức năng không xử lý nổi. Với tình hình trên, chẳng mấy chốc đất sản xuất sẽ mất sạch, nếu huyện và xã không giải quyết chúng tôi sẽ kiện lên tỉnh”.

09-07-43_4
09-07-43_3
Người dân kéo đến chật kín cả nhà văn hóa thôn để phản ánh thực trạng trên

Nhiều hộ dân phản ánh, có hôm thấy tàu thuyền hút cát sát bờ, họ tìm cách xua đuổi thì ngay lập tức bị các đối tượng “xăm trổ, ngổ ngáo” uy hiếp, đe dọa. Tối 8/4, sau khi nhận được tin báo về việc có 4 tàu hút cát trái phép trên sông, tổ công tác 5 người gồm công an và cán bộ xã Thiệu Đô đã tiến hành truy bắt nhưng chỉ giữ được 2 tàu, còn 2 tàu chạy thoát. Cho rằng tổ công tác không kiên quyết nên sáng hôm sau, người dân kéo lên trụ sở UBND xã yêu cầu làm rõ.

Ngày 29/3/2013 UBND tỉnh Thanh hóa ban hành quyết định số 26/GP-UBND về việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản và cho thuê đất đối với Cty TNHH Sơn Đào tại mỏ cát số 03, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa. Thời hạn khai thác là 5 năm kể từ ngày ký quyết định, đồng nghĩa với việc sau ngày 29/3/2018 trên địa bàn xã Thiệu Đô không có mỏ cát nào được cấp phép. Thế nhưng, vào đêm 8/4, các đối tượng vẫn liều lĩnh điều khiển phương tiện vào khu vực bãi bồi để hút cát bất chấp sự phản ứng quyết liệt từ phía người dân.

 

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.