Căn nhà hiện nay của ông Nguyễn Văn Đông, người từng nghèo nhất huyện Hoài Ân. |
Về Hoài Ân, huyện trung du miền núi tỉnh Bình Định, khó ai tưởng tượng cách đây hơn chục năm, vùng đất này khô khốc với những gò đồi trải dài nối tiếp. Những khoảnh vườn cũng ủ dột đủ loại cây ăn quả tạp nham không mang lại chút hiệu quả kinh tế.
I.
Tôi về Hoài Ân vào ngày cuối năm 2019, cơn mưa sáng sớm rửa sạch bụi trên lá cây, những khu vườn bừng sáng sắc xanh. Không như Hoài Ân cách đây hơn 10 năm, già cỗi, nghèo nàn; Hoài Ân giờ đây sung mãn như một vùng đất mới bạt ngàn bưởi da xanh, cam, quýt, mít Thái, bơ…
Vừa đưa tôi đi len lỏi giữa các vùng quê trên chiếc xe máy để thưởng ngoạn những vườn cây ăn quả mơn mởn, anh Thái Thanh Việt, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, vừa phác họa bức tranh xưa của Hoài Ân.
Anh Việt kể: Cách nay chỉ chừng hơn 10 năm, quỹ đất bạt ngàn của Hoài Ân còn chìm trong “bóng tối mê muội” với những loại cây ăn quả không mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều nhất là điều.
Những vườn điều già cỗi không hiệu quả kinh tế, nông dân chặt bỏ để trồng keo. Một thời gian dăm gỗ được thị trường ăn mạnh, cây keo lên ngôi, thế là keo được trồng cả trên đất nông nghiệp, vườn nhà.
Thời hưng thịnh của dăm gỗ kéo dài không lâu, người trồng rừng lâm cảnh lao đao. Đúng lúc này người dân Hoài Ân phát hiện ra vùng đất này rất phù hợp với các loại cây ăn quả có giá trị như bưởi da xanh, cam, quýt, bơ, mít Thái.
Chính quyền Hoài Ân lập tức triển khai đề án tái cơ cấu theo hướng phát triển cây ăn quả; vận động người dân phá bỏ cây lâm nghiệp trên đất nông nghiệp để chuyển đổi.
Các loại cây bưởi da xanh, dừa xiêm, bơ, cam, quýt nhanh chóng chiếm lĩnh đất Hoài Ân, từ gò đồi đến vườn nhà. Hoài Ân trở thành thủ phủ cây ăn quả của Bình Định với 250ha bưởi da xanh, 395ha dừa xiêm, 72ha bơ và hàng trăm héc ta cam, quýt.
II.
Về tiềm năng kinh tế, người dân Hoài Ân kỳ vọng nhất vào bưởi da xanh. Bưởi da xanh Hoài Ân được người tiêu dùng rất ưa chuộng, bởi chất lượng còn cao hơn bưởi được trồng nơi xuất xứ miền Nam.
Hơn thế, trong một cuộc trao đổi về cây ăn quả ở Bình Định, tiến sỹ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ, cho rằng bưởi da xanh ở Hoài Ân còn ưu điểm khác là cho quả trái mùa với bưởi trồng ở miền Nam.
Do đó, đến vụ thu hoạch chính (từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm) thì đầu ra của bưởi Hoài Ân là bát ngát, từ thị trường trong tỉnh đến khắp thị trường Nam - Bắc.
Trong chuyến công tác này, tôi tranh thủ tìm gặp người đang trồng bưởi da xanh nhiều nhất Hoài Ân là ông Phạm Đình Đô (56 tuổi) ở thôn Long Mỹ, xã Ân Mỹ. Ông Đô là người rất giàu có về đất đai, nhờ sau ngày giải phóng ông đã khai hoang vỡ hóa được đến 10ha đất gò đồi. Sau thời gian dài ông “phung phí” quỹ đất với các loại cây điều, keo; 3 năm nay ông mới thực sự thấy mình đi đúng hướng khi đã trồng được các loại cây có tương lai tươi sáng.
Ông Phạm Đình Đô, người đang sở hữu nhiều diện tích cây ăn quả nhất Hoài Ân. |
“Hiện tôi đã trồng được 6ha cây ăn quả; trong đó có 4ha bưởi da xanh 2 năm tuổi; 1ha cam và 1ha quýt đã được 3 năm tuổi; chung quanh rào tôi trồng thêm dừa xiêm, mít Thái và trồng sả, đu đủ xen với bưởi, cam, quýt. Năm nay cam, quýt ra trái chiến, thu được khoảng 5 tấn, với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg tôi thu về được 70 triệu đồng.
Bưởi thì đang ra hoa, hoa bưởi ra dày hứa hẹn cho nhiều quả. Trong tháng Chạp này tiền bán đu đủ và sả mỗi ngày tôi thu vào hơn 1 triệu đồng, đủ để gia đình ăn cái Tết thoải mái”, ông Đô bộc bạch.
Thấy tôi mê mẩn trang trại bưởi, cam, quýt của ông Đô, anh Thái Thanh Việt, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, hứa hẹn sẽ dắt tôi đến mô hình độc đáo khác, một trong những mô hình đầu tiên trồng bưởi da xanh ở Hoài Ân. Anh nói: “Chủ mô hình này từng là hộ nghèo nhất huyện, hàng năm phải được cứu tế, thế nhưng bây giờ đã ở trong ngôi nhà mới xây dựng bạc tỷ”.
Khi tôi bước vào căn nhà khang trang của ông Nguyễn Văn Đông ở thôn Vạn Hội 2, xã Ân Tín, tôi không thể ngờ ông từng là người nghèo nhất huyện Hoài Ân. Sinh được 6 người con, để nuôi chúng ăn học, 2 vợ chồng ông Đông phải cắm đầu làm 7 sào ruộng nhưng vẫn không đủ vào đâu. Hàng ngày, vợ chồng ông lùng sục trong các rẫy chuối của người dân địa phương để hái bắp chuối về bán.
Ông Nguyễn Văn Đông, người từng nghèo nhất Hoài Ân giờ đang sở hữu 600 gốc bưởi, quýt đã cho quả, thu nhập hàng trặm triệu đồng/năm. |
“Hôm nào bán bắp chuối được 50.000 đồng là 2 vợ chồng mừng húm. Cả ngày vợ chồng tôi mỗi người mỗi ngã mất hút giữa những rẫy chuối, nếu bị tai nạn hay đau ốm bất ngờ cũng chẳng ai biết”, ông Đông nhớ lại.
Đó là chuyện ngày xưa, hiện vợ chồng ông Đông đang sở hữu 600 gốc vừa bưởi vừa quýt. Bưởi, quýt của ông Đông đã được 7 năm tuổi. Riêng năm ngoái ông thu cả bưởi cả quýt được hơn 200 triệu đồng, số tiền trong mơ.
Năm nay thời tiết bất thuận quýt cho quả ít, nên thu nhập cả bưởi cả quýt chỉ khoảng 100 triệu đồng. Tuy nhiên, mới chỉ giai đoạn đầu mà khu vườn từng hoang hóa đã cho thu nhập là thế nên ông Đông phấn khởi lắm.
Ông tính, tuổi đời của bưởi dài đến 25 - 30 năm, quýt từ 10 - 12 năm nếu chăm sóc tốt. Như vậy, gia đình ông Đông còn cả chuỗi thời gian dài phía trước túc tắc hằng năm lượm tiền từ bưởi và quýt.
“Trước kia, trên diện tích đất vườn tôi trồng keo. Khi cây keo được 3 năm tuổi, bước sang năm thứ 4 là thu hoạch, nhưng khi ấy con trai út của tôi tư vấn tôi bán ngay rừng keo để trồng bưởi và quýt. Nó thuyết phục tôi bằng hiệu quả của mô hình nó đang làm trong Bình Dương. Tôi lập tức phá hết keo theo ý nó, kỹ thuật thì nó hướng dẫn qua điện thoại.
Khi ấy, người làng đã có lời ra tiếng vào rằng cha con tôi dại. Họ xem chuyện tôi phá rừng keo là phá tiền, rồi lại bỏ tiền ra đi trồng loại cây không có tương lai. Tôi không cãi, chỉ lặng lẽ làm. Bây giờ thì vườn bưởi và quýt của tôi đã có câu trả lời”, ông Đông nhớ lại.
III.
Trong năm 2019, bưởi da xanh ở Hoài Ân luôn ổn định với giá 30.000 đồng/kg, nếu vào đến TP Hồ Chí Minh thì giá của nó sẽ tăng gấp đôi, 60.000 đồng/kg. Còn trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 sắp tới, dự báo giá bưởi tại Hoài Ân sẽ tăng đến 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Theo ngành chức năng, sang năm 2020, ở Hoài Ân sẽ có khoảng 100ha bưởi đến tuổi kinh doanh. Người trồng bưởi ở đây đang lo lắng, khi bưởi cho thu hoạch diện tích lớn liệu chừng bưởi có bị ế theo quy luật “nhiều hàng mất giá”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, vẫn rất lạc quan: “Thương hiệu Bưởi Hòa Ân có rồi, mã vạch truy xuất nguồn gốc bưởi có rồi. Hiện chúng tôi đã xây dựng được mô hình 2ha bưởi VietGAP.
Trong thời gian tới, từng bước chúng tôi sẽ đưa toàn bộ 250ha bưởi trên địa bàn đi theo hướng VietGAP, đến khi ấy đầu ra của sản phẩm sẽ thênh thang bởi sẽ tiêu thụ được bất cứ ở thị trường nào.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thành lập riêng 1 HTX chuyên thu mua, sơ chế bưởi làm đầu mối cung ứng ra thị trường”.