Nhiều hộ nuôi cá biển thiệt hại nặng
Những ngày đầu tháng 12, người nuôi cá biển như cá chim và cá bớp tại khu vực Hòn Lăng, xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) trở nên điêu đứng, khi cá chết liên tục mà không rõ nguyên nhân.
Theo ghi nhận chúng tôi, tại vùng nuôi này có khoảng 30 hộ nuôi cá với khoảng 500 ô lồng. Tuy nhiên hầu hết bè nuôi đều có hiện tượng cá chết rải rác, chủ yếu là cá bớp đã nuôi được từ 1-6 tháng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ở thôn Ngọc Diêm (xã Ninh Ích), một người nuôi ở khu vực trên xác nhận thông tin trên và cho biết, riêng gia đình ông thả 5.000 con cá chim và bớp đã nuôi được từ 3-5 tháng, với tỷ lệ cá chết từ 30-40%.
Ông Tuấn cho biết, trước khi chết, cá có hiện tượng bỏ ăn, đục mắt, hỏng mắt, lở loét, xuất huyết vùng đầu, vây, gốc vây, bụng.
Tương tự, bè nuôi của ông Nguyễn Duy Quang thả 100.000 con cá bớp đã nuôi từ 3-6 tháng, với tỷ chết khoảng 30%. Anh Quang cũng cho biết, cá có dấu hiệu yếu, bỏ ăn, da tuột nhớt, hỏng mắt rồi chết.
Các bè nuôi của ông Nguyễn Ngỡ thả 2.000 con và ông Phạm Văn Trí thả 3.000 con cá bớp cũng bị chết với tỷ lệ từ 25-30%.
Các hộ nuôi thông tin thêm, trước thời điểm cá chết 4-5 ngày trên địa bàn có mưa lũ nên bị ảnh hưởng nước ngọt đến vùng nuôi. Hơn nữa, thời tiết trở lạnh do có gió mùa Đông Bắc và sáng sớm có sương muối nên cá có hiện tượng giảm ăn và chết rải rác.
"Sau khi cá chết, người nuôi tận thu đem bán loại cá kích cỡ gần thương phẩm và ít dấu hiệu lở loét, với giá chỉ vài chục ngàn/kg. Trong khi cá bớp thương phẩm dao động từ 145-150 ngàn đ/kg.
Cá chết do nhiễm vi khuẩn
Sau khi nhận được thông báo của địa phương về tình hình cá biển nuôi lồng bè chết thôn Hòn Lăng, xã Ninh Ích, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa đã phân công cán bộ kết hợp với Trạm Thủy sản, cán bộ Thú y xã Ninh Ích tiến hành kiểm tra thực địa, thu thập thông tin dịch tễ, đồng thời thu mẫu cá để xác định nguyên nhân.
Kết quả, mẫu cá chim và cá bớp bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus sp. (trong đó, cá chim bội nhiễm Vibrio sp.) dẫn đến hiện tượng trầy da, lở loét, giảm sức đề kháng, bỏ ăn. Bên cạnh đó, hiện tượng thay đổi đột ngột của môi trường vùng nuôi (xâm nhập ngọt và thời tiết lạnh) có thể là những nguyên đã gây nên hiện tượng cá chết nhiều.
Trước tình hình cá bị chết, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã khuyến cáo người nuôi nên di dời lồng bè đến nơi có nguồn nước dễ lưu thông, đảm bảo độ sâu khi triều thấp là 8m (đối với lồng nổi), tránh ảnh hưởng của nguồn nước ngọt khi mưa lũ.
Đồng thời thường xuyên theo dõi hoạt động của cá nuôi và các chỉ tiêu môi trường nước, đặc biệt oxy hòa tan để có biện pháp xử lý kịp thời. Kiểm tra và thường xuyên vệ sinh lưới lồng, vớt sạch rác thải cũng như các sinh vật gây hại ra khỏi lồng nuôi, tạo môi trường thông thoáng cho cá phát triển.
San thưa mật độ cá nuôi trong lồng, tránh hiện tượng thiếu oxy cục bộ. Bố trí khoảng cách giữa các lồng nuôi đảm bảo độ thông thoáng, thuận tiện trong quá trình chăm sóc, quản lý, vệ sinh. Đảm bảo khoảng cách giữa các bè nuôi tối thiểu 50m.
Bên cạnh đó, người nuôi nên lựa chọn thức ăn đảm bảo chất lượng và tránh dư thừa lượng thức ăn cho cá nuôi nhằm tránh gây ô nhiễm nguồn nước; thu gom chất thải và thức ăn thừa, xác thủy sản chết đem vào bờ xử lý, không được xả thải ra môi trường nước…
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa khuyến cáo: Các hộ nuôi cá cần chọn mua giống cá tại các cơ sở có uy tín về chất lượng, nên kiểm tra các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với đàn giống (VNN, Streptococcus ...) trước khi thả nuôi. Khuyến khích người nuôi cá nên chọn mua những đàn cá được tiêm phòng bệnh VNN và Streptococcus trước khi thả nuôi để giảm thiểu nguy cơ đàn cá nhiễm bệnh từ con giống. Sử dụng hợp lý các chế phẩm sinh học. Bổ sung thêm các loại thức ăn bổ sung, Vitamin C và men tiêu hóa vào khẩu phần thức ăn cho cá. Định kỳ tắm cá bằng oxy già hoặc Iodine. Trị bệnh bằng kháng sinh nếu có kết quả xét nghiệm về tác nhân gây bệnh là vi khuẩn.