| Hotline: 0983.970.780

Cá hồi bị 'buộc tội' gây mất cân bằng hệ thống thủy sản

Thứ Hai 07/03/2022 , 15:13 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu cho biết việc nuôi nhiều cá chép hơn và ít cá hồi hơn có thể làm tăng sản lượng thủy sản toàn cầu thêm 6,1 triệu tấn.

Nuôi cá hồi là một ví dụ điển hình cho thấy hệ thống lương thực toàn cầu kém hiệu quả và bất bình đẳng, nghiên cứu mới 'buộc tội'.

Nuôi cá hồi là một ví dụ điển hình cho thấy hệ thống lương thực toàn cầu kém hiệu quả và bất bình đẳng, nghiên cứu mới "buộc tội".

Theo một nghiên cứu mới có tên là Maximising sustainable nutrient production from coupled fisheries-aquaculture systems, thị hiếu thích mua cá hồi của người tiêu dùng đang khiến hàng triệu tấn cá thu, cá mòi và cá cơm giàu dinh dưỡng bị lãng phí.

Các tác giả của nghiên cứu mới được xuất bản trên diễn đàn nghiên cứu Plos Sustainability and Transformation, cho biết nuôi cá hồi là một cách không hiệu quả để sản xuất hải sản giàu dinh dưỡng, tính ra khoảng từ 50 - 99% khoáng chất, vitamin và axit béo trong cá đánh bắt tự nhiên không được giữ lại khi dùng để chế biến làm thức ăn nuôi cá hồi Đại Tây Dương.

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng loại bỏ cá đánh bắt trong tự nhiên trong sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản và chuyển chúng thành thực phẩm cho con người, đồng thời nuôi nhiều cá chép hơn và ít cá hồi hơn, có thể làm tăng sản lượng thủy sản toàn cầu thêm 6,1 triệu tấn, trong khi bảo tồn 3,7 triệu tấn cá ở biển.

Lia ní Aodha, thuộc chiến dịch Feedback Global, một trong những tác giả của báo cáo cho biết: “Nuôi cá hồi là một ví dụ điển hình cho thấy hệ thống lương thực toàn cầu kém hiệu quả và bất bình đẳng sâu sắc như thế nào. Phần lớn cá giàu chất dinh dưỡng được sử dụng để làm thức ăn cho cá hồi nuôi có nguồn gốc từ các khu vực ở phía nam toàn cầu, nơi tình trạng mất an ninh lương thực thường xảy ra, trong khi cá hồi chủ yếu được bán cho người tiêu dùng ở các thị trường có thu nhập cao ở châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực của châu Á”.

Feedback Global, chiến dịch cung cấp thực phẩm bền vững, đã hợp tác với các nhà nghiên cứu từ các trường đại học Cambridge, Lancaster và Liverpool để điều tra các nguồn thức ăn - và các chất dinh dưỡng được chuyển từ nguồn thức ăn - trong ngành công nghiệp cá hồi Scotland, nơi xuất khẩu thực phẩm lớn nhất của Anh. 

Họ tính toán rằng trong một năm, 179.000 tấn cá hồi được sản xuất tại các trang trại nuôi trồng thủy sản ở Scotland đã tiêu thụ bột cá và dầu cá được sản xuất từ ​​460.000 tấn cá đánh bắt tự nhiên, 76% trong số đó có thể ăn được.

Bài báo cho biết: “Hầu hết các loài cá đánh bắt tự nhiên ăn được trong [bột cá và dầu cá] có nồng độ vi chất dinh dưỡng chính cao hơn cá hồi nuôi và đối với một số vi chất dinh dưỡng này, chưa tới 1% được giữ lại trong cá hồi nuôi.

“Đối với canxi, sắt, selen và kẽm, khoảng 1% - 28% được giữ lại trong cá hồi nuôi. Cá hồi Scotland thường được bán trên thị trường vì chứa nhiều axit béo omega-3 (EPA và DHA), nhưng có hàm lượng omega-3 tương tự trong cá cơm, cá trích, cá mòi và cá sprat, và chỉ giữ lại 49% và 39% DHA từ cá tự nhiên trong cá hồi nuôi”, các nhà nghiên cứu thông tin.

Trong năm 2016, 15 triệu tấn cá đánh bắt tự nhiên được chế biến thành bột cá và dầu cá, nhằm phục vụ nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Theo các số liệu được trích dẫn trong bài báo, nuôi cá hồi chiếm 60% dầu cá và 23% bột cá dùng cho nuôi trồng thủy sản, trong khi chỉ sản xuất 4,5% sản lượng toàn cầu của ngành.

Các tác giả vẫn coi trọng vai trò của nuôi trồng thủy sản, nhưng cho rằng nuôi cá chép và vẹm có giá trị dinh dưỡng hơn cá hồi.

Tiến sĩ James Robinson, trường Đại học Lancaster, người tham gia nghiên cứu, cho biết: “Nuôi trồng thủy sản, bao gồm cả nuôi cá hồi, có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu lương thực toàn cầu, nhưng cá tự nhiên giàu dinh dưỡng nên được ưu tiên tiêu thụ tại địa phương hơn là dùng làm thức ăn cho cá hồi, đặc biệt nếu chúng bị bắt ở những nơi không đảm bảo an ninh lương thực.

“Hỗ trợ cho các loại thức ăn thay thế có thể giúp quá trình chuyển đổi này, nhưng chúng tôi vẫn cần thêm dữ liệu về khối lượng và loài được sử dụng dùng làm bột cá và dầu cá, vì điều này có thể cho thấy nuôi cá hồi gây thêm áp lực lên nguồn cá”.

Hamish Macdonell, Giám đốc hợp tác chiến lược với Salmon Scotland, đại diện cho những người nuôi cá hồi, cho biết:

“Trong số 5,5 triệu tấn bột cá và dầu cá được sản xuất hàng năm, những người nuôi cá hồi Scotland sử dụng chưa tới 1%. Phần lớn sử dụng vào các mục đích khác, bao gồm cả thức ăn cho vật nuôi“.

Vì vậy, về cơ bản là sai lầm khi giả định rằng ngành công nghiệp bột cá sẽ ngừng hoạt động nếu không được đưa vào trong sản xuất thức ăn nuôi trồng thủy sản. Nguồn cung cấp chỉ đơn giản là sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác kém bền vững hơn. Nếu các nhà vận động như những người đứng sau báo cáo này thực sự muốn làm điều gì đó để cứu cá làm thức ăn cho gia súc, họ nên xem xét tất cả những gì cho vật nuôi ăn”.

(Theo Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Nga mở cửa triển lãm khí tài quân sự hạng nặng giữa lòng Moscow

Triển lãm trưng bày các loại khí tài quân sự hạng nặng của phương Tây bị quân Nga thu giữ trong cuộc xung đột Ukraine đã được khai mạc tại Moscow hôm 1/5.

Hàng nghìn người Trung Quốc mua phải vàng giả trên mạng

Giá vàng tăng vọt trong thời gian qua đã gây ra một cơn sốt vàng thỏi, cùng với đó là số vụ lừa đảo bán vàng giả ở Trung Quốc.