Đồng Nai là tỉnh có số cơ sở chăn nuôi và tổng đàn gia súc, gia cầm lớn hàng đầu cả nước. Trong đó, huyện Thống Nhất là thủ phủ chăn nuôi của tỉnh này với hơn 1.200 cơ sở chăn nuôi và 432 trang trại tập trung. Do truyền thống chăn nuôi nên các hệ thống xử lý nước thải ở Thống Nhất không còn phù hợp, cần phải thay đổi để bảo vệ môi trường.
Suốt nhiều tháng nay, trang trại nuôi heo của anh Phan Tú (xã Hưng Lộc) đã tạm ngưng tái đàn, tập trung cho việc nâng cấp hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi để kết hợp tưới cho cây trồng.
Từ hệ thống biogas đã lỗi thời, anh Tú đầu tư hệ thống xử lý chất thải mới hoàn toàn. Hệ thống xử lý này bao gồm máy ép phân khô, hồ lắng có bạt phủ, hệ thống xử lý hiện đại… Tổng kinh phí anh bỏ ra đầu tư cho hệ thống xử lý này là hơn 1 tỷ đồng, chưa tính tới những thu nhập cơ hội bị mất đi sau nhiều tháng phải ngưng chăn nuôi để nâng cấp hệ thống xử lý chất thải. Tuy vậy, anh Tú khá vui vẻ thực hiện và coi đây là nghĩa vụ của bản thân.
“Trước nay chúng tôi chỉ biết lấy phân, nước thải nuôi heo lắng đọng qua các hồ chứa rồi bón trực tiếp cho cây trồng. Tuy nhiên, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thống Nhất đã phân tích và hướng dẫn chúng tôi nên chuyển qua những công nghệ xử lý chất thải mới hơn để chăn nuôi bền vững, không tác động đến môi trường”, anh Tú chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Đình Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất, trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở chăn nuôi đang tạm ngưng chăn nuôi để đầu tư hệ thống xử lý chất thải. Điều này phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi bền vững của UBND tỉnh.
“Đây vừa là trách nhiệm của các hộ chăn nuôi, vừa là sự chung tay của chủ trang trại trong bảo vệ môi trường địa phương. Chăn nuôi Đồng Nai đã khác xưa, nghĩa là phải gắn liền với những kĩ thuật mới nhất. Chăn nuôi còn phải hướng đến xanh, sạch và vì cái chung. Huyện Thống Nhất hướng đến mục tiêu tất cả các cơ sở chăn nuôi phải áp dụng các kĩ thuật xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng tiên tiến nhằm bảo vệ môi trường”, ông Cương cho hay.
Con suối bên chảy qua hông trang trại heo nhà anh Tú cũng đi qua ít nhất 20 hộ chăn nuôi khác tại ấp Hưng Thạnh của xã Hưng Lộc. Vào mỗi mùa mưa, dòng suối bị nước thải từ các bể lắng của trang trại heo tràn ra gây đục ngầu, hôi thối. Thế nhưng nhiều tháng nay, nhờ sự quyết tâm thay đổi công nghệ xử lý nước thải của đồng loạt các trang trại chăn nuôi, dòng suối này được “hồi sinh” trở lại.
Ngoài ra, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, UBND huyện Thống Nhất đã đồng hành cùng các chủ trang trại đưa ra các giải pháp kĩ thuật hiện đại để phát triển kinh tế gắn liền với môi trường.
“Chúng tôi đã chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tuyên truyền và phối hợp với chủ trang trại để cải tạo, sửa chữa, xây thêm các hệ thống xử lý thu gom chất thải, bổ sung thay thế bạt lắng, đầu tư hệ thống xử lý chất thải theo quy trình tiết kiệm nước, chuồng lạnh, sử dụng men vi sinh xử lý mùi và hấp thu chất thải dư…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất chia sẻ thêm.
Theo chị Trần Thị Thùy Vân, chủ trang trại nuôi heo tại xã Hưng Lộc, hiệu quả đầu tư xây hầm biogas là rất lớn. Dù có thể phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng nhưng thu được rất nhiều lợi ích, giúp người dân yên tâm chăn nuôi.
“Đáng kể nhất là vệ sinh môi trường, tận dụng được khí sinh học, tận dụng được nước thải sau xử lý để tưới cho cây trồng. Trong nước thải thu được từ công trình biogas có chứa một lượng đạm hữu cơ cao hơn các phương pháp ủ phân gia súc nên cây trồng lớn rất nhanh, năng suất cao mà chẳng phải bỏ một đồng chi phí phân bón nào”, chị Vân nói.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cũng có hướng dẫn, đưa ra một số công nghệ xử lý nước thải như bùn hoạt tính, hồ sinh học, xử lý nước thải sinh học kết hợp với công nghệ vật lý - hóa học. Đây là những công nghệ tiên tiến đang được nhiều nơi áp dụng để xử lý chất thải. Tuy nhiên, theo ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, do đa số các trang trại trên địa bàn huyện Thống Nhất thuộc dạng vừa nên các chủ trang trại đã lựa chọn sử dụng công nghệ hồ sinh học.
Cũng giống như huyện Thống Nhất, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng đang chấn chỉnh, đầu tư hệ thống xử lý chất thải hiện đại, phù hợp với những tiêu chuẩn khắt khe nhất để bảo vệ môi trường.
Theo ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đang thực hiện quyết liệt các định hướng bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi giá.
“Thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai không chỉ đứng đầu cả nước về số trang trại, tổng đàn nuôi mà còn phấn đấu đến số mô hình công nghệ cao, kĩ thuật tiên tiến áp dụng trong chăn nuôi, thân thiện với môi trường. Xu hướng ứng dụng các kĩ thuật tiên tiến, nhất là trong khâu xử lý chất thải chăn nuôi sẽ trở thành quy định bắt buộc và tiên quyết”, ông Phi chia sẻ.