| Hotline: 0983.970.780

Cà Mau: Rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển đều được bảo vệ tốt

Thứ Tư 16/11/2022 , 08:53 (GMT+7)

Cà Mau Từ đầu năm 2022 đến nay công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng đều được ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau bảo vệ tốt. 

Số vụ vi phạm khai thác rừng giảm đáng kể

Ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết: Số vụ vi phạm về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Cà Mau trong 9 tháng đầu năm là 24 vụ. Diện tích rừng thiệt hại 18.800m2, thấp hơn cùng kỳ của trung bình nhiều năm. Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng (đặc dụng, phòng hộ, ven biển) đều được bảo vệ tốt. Tình hình phá rừng ở khu vực rừng ngập mặn để mở rộng mặt nước nuôi thủy sản chỉ còn nhỏ lẻ, các vụ vi phạm pháp luật lâm nghiệp đã giảm đáng kể. 

Theo ông Hải, trước đây luật bảo vệ, phát triển rừng chủ yếu là bảo vệ rừng, trồng rừng, khôi phục rừng và phát triển rừng. Hiện nay luật đã sửa đổi thoáng hơn, ngoài bảo vệ rừng còn có các hình thức thương mại, chế biến lâm sản, du lịch hay đặc biệt dịch vụ môi trường rừng.

Hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau thực hiện theo hướng bảo vệ rừng bền vững. Nếu như trước đây không cho khai thác rừng vào mùa khô vì lo sợ cháy rừng, thì hiện nay quy định này không còn phù hợp. Theo đó các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có thể khai thác rừng khi thị trường có giá cao theo phương án quản lý rừng bền vững. 

Hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau thực hiện theo hướng bảo vệ rừng bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, ngành lâm nghiệp tỉnh Cà Mau thực hiện theo hướng bảo vệ rừng bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

“Các chủ rừng được quyền tự chủ trên mảnh rừng được giao, phát triển rừng bền vững. Từ khi có các quy định đó đến nay khu vực rừng Quốc gia U Minh Hạ không xảy ra vụ cháy nào. Có thể thấy khi giao rừng các hộ gia đình, doanh nghiệp sẽ nhận thấy lợi ích từ nguồn lợi rừng. Do đó sẽ cố gắng bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn”, ông Hải cho biết thêm. 

Phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn

Tuy nhiên, theo ông Hải tình trạng người dân sinh sống trong và ven rừng hiện nay là khá lớn. Do đó có tác động không nhỏ đến hệ sinh thái ven biển, tạo áp lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể như mở rộng mặt nước nuôi thủy sản, làm nhà trên đất rừng, xói lở ven biển ảnh hưởng đến rừng phòng hộ còn xảy ra ở nhiều nơi chưa có biện pháp xử lý dứt điểm. 

Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng (đặc dụng, phòng hộ, ven biển) đều được bảo vệ tốt. Ảnh: Trọng Linh.

Công tác bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng (đặc dụng, phòng hộ, ven biển) đều được bảo vệ tốt. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Cà Mau cho biết thêm: Hệ sinh thái rừng ven biển là vành đai tự nhiên trải dài trên địa phận hành chính của 6 huyện, có vai trò đặc biệt quan trọng trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Để chỉ đạo và thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng ven biển, công tác phối hợp giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau luôn được quan tâm thực hiện. Quy chế phối hợp được rà soát và ký lại hàng năm. Thường xuyên báo cáo định kỳ và tổ chức đánh giá hàng quý, sơ kết đánh giá 6 tháng, cuối năm về tình hình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo.

Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã ký quy chế phối hợp với UBND các huyện, vườn quốc gia, công an tỉnh, bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, các cơ quan báo, đài. Chi cục Kiểm lâm ký quy chế phối hợp với Phòng cảnh sát PCCC-CHCN Công an tỉnh, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh vùng giáp ranh.

Các vườn quốc gia, ban quản lý rừng phòng hộ ký quy chế phối hợp với hạt kiểm lâm huyện, đồn biên phòng, công an huyện. Các lực lượng phối hợp chặt chẽ nhiều cấp đã kịp thời phản ứng nhanh để xử lý các sự cố xảy ra như: cháy rừng, phá rừng, chống người thi hành công vụ, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã, thiên tai, sạt lở ven biển.

Phát triển kinh tế rừng đem lại hiệu quả bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Phát triển kinh tế rừng đem lại hiệu quả bền vững. Ảnh: Trọng Linh.

Với sự phối hợp chặt chẽ đó, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau, đặc biệt là khu vực rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng sản xuất và rừng ven biển trong 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều biện pháp cương quyết để bảo vệ rừng đã được tổ chức thực hiện. Đồng thời, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng. Ý thức người dân được nâng lên cùng với sự quản lý chặt chẽ của các chủ rừng và chính quyền địa phương. 

Ngoài ra, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng III tổ chức lớp tập huấn cho các chủ rừng, kiểm lâm địa bàn về công tác cập nhật, theo dõi diễn biến rừng. Phối hợp với Trường nghiệp vụ quản lý NN-PTNT II (TP HCM) tổ chức 1 lớp về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Phối hợp với cơ quan báo, đài địa phương đưa nhiều tin, bài, phóng sự về công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong đó, chủ rừng, kiểm lâm địa bàn phối hợp với cấp xã trong việc giám sát các phương tiện cơ giới (máy đào, xúc, khoan, nạo vét đất, bùn) ra vào rừng và giám sát các phương tiện được phép hoạt động theo đúng quy định.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đảm bảo. Ảnh: Trọng Linh.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được đảm bảo. Ảnh: Trọng Linh.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được triển khai thực hiện ngay từ khi đầu mùa khô. Các chủ rừng là tổ chức xây dựng kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; chính quyền cấp xã xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng cho các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, đảm bảo tính khả thi cao, phù hợp với các tình huống, theo phương châm “4 tại chỗ”. Cơ quan kiểm lâm có trách nhiệm tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng. Kết quả các tháng mùa khô đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng nào xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý động vật hoang dã: hệ thống rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng ven biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã phát huy tốt vai trò bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan môi trường rừng. Qua đó góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. 

Việc tăng độ che phủ rừng của tỉnh hàng năm có đóng góp một phần của hệ sinh thái rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển là khu vực có tính đa dạng sinh học cao. Đặc biệt mỗi năm có hàng chục héc-ta mới được tạo thành từ quá trình diễn thế nguyên sinh trên đất mới bồi.

Công tác phát triển rừng năm 2022, thực hiện trồng mới rừng đặc dụng, phòng hộ ven biển 106 ha. Triển khai thực hiện khoanh nuôi tái sinh tự nhiên khu vực bãi bồi Vườn quốc gia mũi Cà Mau 100 ha. Nguồn vốn ngân sách tỉnh (Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững), tài trợ của các chương trình dự án khác như: KWF, WWF Việt Nam, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên - Gaia, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững - SRD.

Tỉnh Cà Mau có 3 mặt giáp biển với chiều dài bờ biển là 254 km, có hệ thống sông rạch lớn (trên 8.000 km) với nhiều cửa thông ra biển, đã hình thành nên khu vực rừng ngập mặn, phèn rộng lớn, với tổng diện tích đất lâm nghiệp hơn 143.680 ha. Trong đó, đất rừng đặc dụng 20.100 ha, đất rừng phòng hộ hơn 30.900 ha, và đất rừng sản xuất gần 91.680 ha.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.