| Hotline: 0983.970.780

Cà phê cảnh quan: Đa thu nhập, đa lợi ích

Chủ Nhật 15/05/2022 , 07:25 (GMT+7)

ĐẮK NÔNG Dự án VnSAT triển khai mô hình cà phê cảnh quan đã giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định, không phụ thuộc vào độc canh cây cà phê như trước đây.

Nhân rộng mô hình cà phê cảnh quan VnSAT

Mô hình cà phê cảnh quan gồm nhiều tầng, tán được Dự án VnSAT Đắk Nông hỗ trợ hai tHTX trên địa bàn TP Gia Nghĩa triển khai từ nhiều năm trước. Cụ thể, hai HTX được Ban quản lý Dự án VnSAT chọn để hỗ trợ xây dựng mô hình cà phê cảnh quan là HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông và HTX Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông (TP Gia Nghĩa).

Dự án VnSAT đã giúp hình thành các mô hình điểm về cà phê cảnh quan tại Đắk Nông. Ảnh: Minh Qúy.

Dự án VnSAT đã giúp hình thành các mô hình điểm về cà phê cảnh quan tại Đắk Nông. Ảnh: Minh Qúy.

Mô hình cà phê cảnh quan gồm 3 tầng. Trong đó, tầng cao là hồ tiêu, cây ăn quả, cây chắn gió; tầng thứ 2 là cà phê và tầng cuối cùng là thảm thực vật. Các thành viên của HTX canh tác đa tầng tán, ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học, hữu cơ. Phương thức canh tác này giúp cải tạo đất, thân thiện môi trường và giúp mô hình phát triển bền vững. Hiện nay, với mô hình cà phê cảnh quan còn mới mẻ nhưng là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới.

Ông Phạm Hùng Vỹ, Phó Giám đốc Dự án VnSAT Đắk Nông cho biết, cà phê cảnh quan đã giúp định hình ngành cà phê của địa phương.

Theo ông Vỹ, do đây là mô hình còn mới nên sự tiếp cận của người dân còn chưa mạnh mẽ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi hiệu quả được khẳng định, người dân sẽ thay đổi và thực hiện theo rất nhanh. Bởi vì, mô hình cà phê cảnh quan mang lại bền vững cho sản xuất, gia tăng được giá trị sản phẩm nông nghiệp với đa tầng tán, ổn định năng suất, thu nhập.

Đặc biệt, việc trồng xen canh giúp bảo vệ các thiên địch, ổn định về mặt sinh thái. Trong thời gian tới, mô hình cà phê cảnh quan khi tạo được điểm nhấn sẽ bắt đầu mở rộng ra các HTX, các huyện và trên toàn tỉnh, đồng thời tạo ra một phong trào mới vừa sản xuất nông nghiệp, vừa có sinh thái cảnh quan.

Nhờ canh tác theo mô hình cà phê cảnh quan, người dân đã có thêm nhiều nguồn thu nhập từ các cây trồng xen (nhất là cây ăn quả), không còn phụ thuộc vào mỗi cây cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

Nhờ canh tác theo mô hình cà phê cảnh quan, người dân đã có thêm nhiều nguồn thu nhập từ các cây trồng xen (nhất là cây ăn quả), không còn phụ thuộc vào mỗi cây cà phê. Ảnh: Minh Hậu.

“Sở NN-PTNT cũng như Ban quản lý Dự án VnSAT sẽ có những văn bản gửi các địa phương tiếp tục sử dụng các nguồn kinh phí hỗ trợ cho nghành nông nghiệp để duy trì, phát triển mô hình này. Đây cũng là định hướng của nền nông nghiệp địa phương sau khi Dự án VnSAT kết thúc”, ông Vỹ nói và cho biết sau khi Dự án kết thúc, cần duy trì mô hình cà phê cảnh quan liên tục.

Do đó, cơ quan chức năng cần có Dự án mới tiếp nối. Ngoài ra, trong chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng Nông thôn mới, cũng có mô hình vườn mẫu. Đây cũng là tiêu chí để kết hợp với mô hình cà phê cảnh quan nhằm duy trì, phát triển mở rộng ra thành phong trào rộng khắp ở địa phương.

Hướng đi tất yếu

Ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ xã Đắk R’Moan, TP Gia Nghĩa) cho biết, gia đình có hơn 4ha cà phê đã từ rất lâu không dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Thay vì trồng thuần cà phê như trước đây, gia đình đã thực hiện mô hình cà phê cảnh quan 3 tầng tán. Từ khi tham gia Dự án VnSAT, ông Thanh chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và hạn chế dùng phân hóa học, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

“Việc không sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV đã giúp gia đình tiết kiệm chi phí gần 30%. Đây là số tiền lớn khi giá phân bón, thuốc BVTV cao như hiện nay. Việc hạn chế sử dụng thuốc BVTV không những tiết kiệm chi phí mà còn đảm bảo sức khỏe cho chính nông dân chúng tôi và người tiêu dùng”, ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, từ khi thực hiện mô hình cà phê cảnh quan, gia đình đã thay đổi nhiều thói quen, tập quán canh tác lạc hậu. Thực hiện canh tác theo hướng cảnh quan bền vững, ông phải đầu tư chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại năng suất, chất lượng cà phê cao hơn trước, sản phẩm cây trái cũng đa dạng hơn nên thu nhập được nâng lên đáng kể.

Mô hình cà phê cảnh quan là hướng đi cần được nhân rộng trong thời gian tới để phát huy giá trị, hiệu quả đồng bộ trên quy mô lớn. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình cà phê cảnh quan là hướng đi cần được nhân rộng trong thời gian tới để phát huy giá trị, hiệu quả đồng bộ trên quy mô lớn. Ảnh: Minh Hậu.

“Khi trồng cà phê theo mô hình cảnh quan, đã giúp vườn của gia đình phát triển bền vững. Cây cà phê hàng năm đạt năng suất ổn định và tăng dần, giá bán cao hơn các sản phẩm truyền thống nên thu nhập của gia đình luôn đảm bảo”, ông Thanh khẳng định.

Tiến sỹ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, cà phê cảnh quan tại Đắk Lắk và Đắk Nông mới dừng lại ở tiểu cảnh quan.

Theo Tiến sỹ Hà, hiện nay các mô hình này sử dụng tất cả các biện pháp nông lâm kết hợp theo hướng bền vững. Trong đó, mô hình cà phê cảnh quan bảo vệ môi trường là quan trọng nhất. Ngoài ra, mô hình cà phê cảnh quan cũng hỗ trợ nông dân thêm nhiều nguồn thu. Trong đó, các cây trồng xen, giá cà phê trong mô hình được người thu mua trả với giá cao hơn thị trường.

Cái lớn nhất của cà phê cảnh quan là giúp thích ứng với biến đổi khí hậu rất tốt. Tuy nhiên, theo ý nghĩa của cà phê cảnh quan thì nên mở rộng ra những vùng rộng lớn hơn. Để làm được điều này, các ngành cần xác định tất cả các thành phần tự nhiên để bảo vệ cảnh quan. Cụ thể, cần có mô hình trồng xen ở những địa hình khác nhau sao cho hợp lý.

Thời gia qua, Dự án VnSAT đã triển khai một số mô hình cà phê cảnh quan trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên để mô hình cà phê cảnh quan phát triển bền vững lâu dài, phải có sự tham gia của tất cả các bên gồm người sản xuất, người thua mua, các doanh nghiệp chế biến…

Mô hình cà phê cảnh quan đã giúp chất lượng cà phê được cải thiện, giá bán cà phê nhờ đó cũng cao hơn trước đây. Ảnh: Minh Qúy.

Mô hình cà phê cảnh quan đã giúp chất lượng cà phê được cải thiện, giá bán cà phê nhờ đó cũng cao hơn trước đây. Ảnh: Minh Qúy.

“Khi thiết kế mô hình cà phê cảnh quan, các ngành nên đưa những yếu tố trên vào. Tiểu cảnh quan là mô hình vườn nhưng nếu mở rộng ra cả vùng thì cần tính toán những vấn đề khác như cơ sở hạ tầng, hệ thống thu mua, hệ thống đầu vào để làm sao hỗ trợ, tạo nên mô hình cà phê cảnh quan. Chúng ta cần tính toán kỹ khi làm cà phê cảnh quan thì năng suất của cà phê sẽ xuống nhưng chất lượng lên cao. Tuy nhiên cần có giá cả phù hợp để nông dân tiếp tục gắng bó với mô hình”, Tiến sỹ Hà nói.

Tiến sỹ Phan Việt Hà cho biết thêm, mô hình cà phê cảnh quan mà Dự án VnSAT triển khai thời gian qua là hướng đi đúng, nhất là trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Để hình thức canh tác này lan tỏa hơn nữa, cần có sự cam kết của các bên trong cả chuỗi sản xuất để phát triển cà phê bền vững. Cà phê cảnh quan sẽ đảm bảo bền vững cho cả một vùng chứ không phải bền vững cho 1 - 2 vườn. Nếu các bên cùng tham gia thì về mặt kinh tế xã hội sẽ rất tốt. 

Mô hình cà phê cảnh quan do Dự án VnSAT triển khai đã mang lại hiệu quả rất lớn. Theo đó đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học, 17% lượng nước tưới, 11% chi phí sản xuất và 10% lượng khí CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng mô hình được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Nuôi 30 con chồn hương sinh sản, doanh thu 300 triệu đồng/năm

QUẢNG BÌNH Với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh Đức thu về khoảng 300 triệu đồng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm