| Hotline: 0983.970.780

Đa lợi ích từ mô hình cà phê cảnh quan

Thứ Hai 04/04/2022 , 14:14 (GMT+7)

Mô hình cà phê cảnh quan với việc trồng xen nhiều loại cây khác trong vườn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng thu nhập và phát triển bền vững.

Giảm chi phí đầu vào

Thời gian gần đây, giá các vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao khiến cho người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhiều gia đình tiết kiệm được các chi phí đầu tư nhờ thực hiện mô hình cà phê cảnh quan.

Là một trong những người có vườn cà phê lớn nhất của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông tại xã Đăk R’Moan, TP Gia Nghĩa (Đăk Nông) với hơn 20ha, ông Phạm Văn Thạch cho biết, năm nay cà phê cho thu hoạch cao với sản lượng hơn 3,5 tấn/ha.

Theo ông Thạch, vườn cà phê của gia đình đang được đầu tư theo mô hình cà phê cảnh quan, đạt chuẩn hữu cơ. Ngoài ông Thạch, 255ha cà phê của các thành viên khác thuộc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông đều được xây dựng theo mô hình cà phê cảnh quan với vườn sinh thái 3 tầng.

Mô hình cà phê cảnh quan theo hướng hữu cơ của gia đình ông Thạch. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình cà phê cảnh quan theo hướng hữu cơ của gia đình ông Thạch. Ảnh: Quang Yên.

Trong đó, tầng cây cao gồm cây ăn trái, cây tiêu dùng để che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn. Tầng trung là trồng cà phê và tầng thấp nhất là nuôi thảm thực vật cỏ.

“Trong đó, thảm thực vật rất quan trọng giúp chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Còn đối với tầng cao, cây ăn trái và hồ tiêu giúp tăng thêm thu nhập ngoài cà phê”, ông Thạch nói.

Ông Thạch cho biết thêm, để đảm bảo mô hình cà phê hữu cơ, người dân thường lựa chọn vùng đất không nằm trong khu vực ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư. Để tách biệt với những gia đình trồng cà phê truyền thống, các hộ dân làm cà phê hữu cơ trồng cây thành vùng đệm dọc các tuyến đường và vườn giáp ranh. Việc này chống nhiễm chéo giữa các vườn và giúp cà phê tránh gió, cây trồng phát triển xanh tốt hơn.

Từ khi thực hiện mô hình cà phê cảnh quan, người dân không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật để bỏ vào vườn cây. Thay vào đó, nông dân sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để chế biến sản phẩm phân chất lượng bón cho cây trồng. Ngoài ra, các hộ dân cũng nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây.

“Việc lựa chọn sử dụng phân vi sinh, tận dụng các phế phẩm từ cà phê giúp gia đình tiết kiệm hơn 40% chi phí đầu tư”, ông Thạch chia sẻ.

Ông Trần Hữu Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Dịch vụ Tân Phú Nông, xã Đăk Nia (TP Gia Nghĩa) cho biết, đơn vị có hơn 100ha cà phê trồng theo hướng cà phê cảnh quan.

Theo ông Trung, cà phê của đơn vị đang trồng theo mô hình xen tiêu, xen cây ăn quả. Đặc biệt, cà phê cảnh quan phát triển theo mô hình 3 tầng, trong đó thảm thực vật là cỏ đơn vị đang nuôi dưỡng rất tốt. Cà phê của các thành viên HTX không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học mà sử dụng phân bón từ đạm cá, đậu nành… Qua đó, giúp các thành viên HTX tiết kiệm chi phí đầu tư khi giá cả các mặt hàng hiện nay đang tăng cao.

Các mô hình trồng cà phê cảnh quan đều sử dụng phân ủ để bảo vệ đất, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Quang Yên.

Các mô hình trồng cà phê cảnh quan đều sử dụng phân ủ để bảo vệ đất, tiết kiệm chi phí. Ảnh: Quang Yên.

Tại Đăk Lăk, hơn 300ha cà phê của HTX Ea Tân ở thôn Thanh Cao, xã Ea Tân, huyện Krông Năng đã được chuyển hoàn toàn sang cà phê cảnh quan.

Ông Bùi Văn Ngọc (ngụ xã Ea Tân) cho biết, gia đình có hơn 4ha cà phê đã từ rất lâu không dùng thuốc bảo vệ thực vật để phun cho cây trồng. Thay vì trồng thuần cà phê như trước đây, gia đình đã thực hiện mô hình cà phê cảnh quan 3 tầng. Từ khi tham gia dự án, tôi chỉ sử dụng phân vi sinh và hạn chế dùng phân hóa học, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

“Việc không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật giúp gia đình tiết kiệm chi phí gần 30%. Đây là số tiền lớn khi hiện giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao như hiện nay”, ông Ngọc cho biết.

Hướng đi bền vững

Theo các cơ quan chức năng, mô hình cà phê cảnh quan đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học, 17% lượng nước tưới; 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Ông Phạm Văn Thạch cho biết, khi trồng cà phê theo mô hình cảnh quan giúp vườn của gia đình phát triển bền vững. Sản lượng hàng năm đạt năng suất, giá bán cao hơn các sản phẩm truyền thống nên thu nhập của người dân luôn đảm bảo.

“Ngoài cà phê, tiêu của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông cũng thực hiện theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Do sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nên giá thành của các sản phẩm luôn cao hơn những sản phẩm sản xuất truyền thống. Mô hình cà phê cảnh quan sẽ là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp”, ông Thạch tự tin.

Mô hình cà phê cảnh quan trồng xen nhiều loại cây giúp tăng lợi nhuận. Ảnh: Quang Yên.

Mô hình cà phê cảnh quan trồng xen nhiều loại cây giúp tăng lợi nhuận. Ảnh: Quang Yên.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Đức Minh (thành viên HTX Ea Tân) cũng sản xuất theo phương pháp cảnh quan bền vững. Sau hai năm tham gia, anh được học phương pháp làm đất tối ưu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, sử dụng thảm cỏ cải thiện đất; đồng thời được hướng dẫn trồng xen canh nhiều loại cây khác trên cùng một đơn vị diện tích.

Thay đổi nhiều thói quen, tập quán canh tác lạc hậu, thực hiện canh tác theo hướng cảnh quan bền vững, anh phải đầu tư chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ hơn, nhưng bù lại năng suất, chất lượng cà phê cao hơn trước, sản phẩm cây trái cũng đa dạng hơn nên thu nhập được nâng lên đáng kể.

Giá cà phê của các mô hình cảnh quan cao hơn so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Quang Yên.

Giá cà phê của các mô hình cảnh quan cao hơn so với sản xuất truyền thống. Ảnh: Quang Yên.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, cà phê cảnh quan được là thí điểm tại 2 xã Ea Tân, Ea Tó (huyện Krông Năng) với diện tích 5.000ha. Tuy nhiên, hiện tại huyện Krông Năng đã có 20.000ha cà phê thực hiện theo mô hình cảnh quan.

Theo ông Y Giang, mô hình cà phê cảnh quan khi triển khai, nhân rộng thì rất có lợi cho ngành cà phê của Đăk Lăk nói chung và người dân nói riêng. Cụ thể nông dân tiết kiệm được nước tưới, phân bón, thời gian chăm sóc. Khi thực hiện theo mô hình này thì giá đầu ra ổn định, cao hơn so với cà phê truyền thống, thu nhập tăng lên 20 - 30%. Theo mô hình này thì đảm bảo sức khỏe cho chính nông dân và người tiêu dùng vì không được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Nhận thấy lợi ích từ mô hình này, Đăk Lăk đã giao Sở NN-PTNT phối hợp với cơ quan chức năng nhân rộng mô hình lên hơn 90.000ha trên địa bàn tỉnh.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.