| Hotline: 0983.970.780

Cà phê Lâm Đồng vươn thị trường quốc tế: [Bài 1]: Cà phê sinh thái, chất lượng cao

Thứ Năm 24/08/2023 , 14:04 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Với việc chuyển đổi 111ha cà phê sang sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, mỗi năm, Bình Đông Farm cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn cà phê chất lượng cao.

“Gã điên” trên những mảnh đồi

Trong những tháng ngày rong ruổi đưa đàn ong đi tìm mật, ông Nguyễn Bình Đông (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) có điều kiện tiếp xúc với những mô hình kinh tế lớn, trong đó có những trang trại cây ăn trái rộng hàng trăm ha ở vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL… Sau những chuyến đi ấy, những ấp ủ về một trang trại nông nghiệp trên vùng đất Lâm Đồng đã hình thành trong ông.

Trang trại trồng cà phê 111ha của gia đình ông Nguyễn Bình Đông tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu

Trang trại trồng cà phê 111ha của gia đình ông Nguyễn Bình Đông tại xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu

Năm 1986 trở về Lâm Đồng, ông bắt tay vào gây dựng mô hình chè Olong tại thôn 8 (xã Lộc Ngãi). Người đàn ông với khuôn mặt đầy nếp nhăn tâm sự: “Những ngày đầu đến với vùng đất này, một mình lầm lũi với khoảng đồi rộng lớn. Hồi đó, khu vực này còn hoang vu lắm. Sống và làm việc biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài nên tôi từng bị cho là kẻ điên”.

Theo ông Đông, đến những năm 90, vùng trồng chè Olong của gia đình đã được đầu tư, mở rộng lên hàng chục ha. Đến năm 2008, diện tích chè Olong tiếp tục được gia đình ông mở rộng lên thành 60ha, sản phẩm được các đơn vị trong tỉnh thu mua, xuất khẩu.

Niềm vui với cây chè chưa được bao lâu thì gia đình ông nhận “trái đắng” khi sản phẩm chè xuất khẩu của bị tắc. Rơi vào khó khăn, ông quyết định chuyển đổi qua trồng cà phê. Sau 10 năm, ông đã chuyển đổi được toàn bộ diện tích chè Olong sang cây cà phê Robusta.

Về những tháng ngày đến với cà phê, ông Đông chia sẻ: “Chuyển sang trồng cà phê nhưng nguồn vốn không có, cơ giới hoá, máy móc cũng không có điều kiện đầu tư nên vợ chồng tôi cứ lầm lũi đào, cuốc thủ công, trồng từng gốc cà phê”. Với cách làm ấy, giá nhân xô cà phê bán ra dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình ông cũng có lợi nhuận kha khá.

Gia đình ông Nguyễn Bình Đông bắt đầu chuyển đồi từ trồng chè Olong sang cà phê vào năm 2011. Ảnh: Minh Hậu.

Gia đình ông Nguyễn Bình Đông bắt đầu chuyển đồi từ trồng chè Olong sang cà phê vào năm 2011. Ảnh: Minh Hậu.

Đến với cà phê đặc sản

Cà phê nhân xô giá bán thấp, lợi nhuận ít và với xu hướng kinh tế phát triển ngày càng yêu cầu về chất lượng cà phê cao hơn trước, điều đó đã thúc đẩy gia đình ông Đông thay đổi tư duy, chuyển đổi cách làm từ cà phê truyền thống sang cà phê chất lượng cao theo xu hướng thị trường thay vì giữ nguyên cách cũ. Bởi vì đối với cây cà phê, mỗi cách canh tác khác nhau sẽ mang đến hương vị cà phê khác nhau, vậy nên khâu canh tác góp phần quan trọng, tác động đến chất lượng hạt cà phê.

Ông Đông chia sẻ: Cách đây 7 năm, giá cà phê nhân có sự biến động thất thường, gia đình hầu như không có lợi nhuận. Lúc bấy giờ gia đình phải trồng dâu nuôi tằm ở những diện tích đất trống để tạo nguồn thu nhập, lấy ngắn nuôi dài, duy trì vườn cà phê. Ban đầu, diện tích trồng dâu còn ít nên mỗi tháng gia đình nuôi từ 3 - 5 hộp giống, cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng và về sau tăng thêm diện tích dâu, giúp tăng thu nhập đáng kể.

Nguồn thu từ dâu tằm giúp gia đình ông giảm được áp lực kinh tế và có điều kiện bám trụ với cây cà phê. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị cà phê, biến cà phê thường thành sản phẩm có giá trị cao hơn trên thị trường, gia đình ông Đông quyết định chuyển từ sản xuất truyền thống qua cà phê chất lượng cao.

Quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất cà phê chất lượng cao được gia đình ông Nguyễn Bình Đông thực hiện theo hình thức sản xuất hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ảnh: Minh Hậu.

Quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất cà phê chất lượng cao được gia đình ông Nguyễn Bình Đông thực hiện theo hình thức sản xuất hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Ảnh: Minh Hậu.

Quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất cà phê chất lượng cao được thực hiện theo hình thức sản xuất hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Theo đó, toàn bộ cây trên vườn được gia đình ông Đông sử dụng nguồn phân hữu cơ, phân tự ủ để chăm bón, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại.

Anh Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm cho biết: “Nguồn phân bón hữu cơ được sản xuất ngay tại nông trại bằng cách tận dụng vỏ cà phê kết hợp nguồn phân chuồng cùng men vi sinh. Việc bón phân hữu cơ tạo nên được độ mùn cho đất, giúp cây hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng. Cây trên vườn vì thế cũng có sự sinh trưởng tốt hơn, chất lượng quả cao hơn”.

Không chỉ cải thiện chất lượng cà phê nguyên liệu, quy trình chế biến cà phê cũng được cải tiến. Thời gian đầu, gia đình ông đi tham quan những mô hình cà phê chất lượng cao trên thị trường và học hỏi thêm kiến thức, sau đó bắt đầu làm những mẻ nhỏ cà phê chất lượng cao đầu tiên. Do chưa có cơ sở vật chất nên quá trình sơ chế được thực hiện thủ công, cà phê được rửa bằng tay và được tận dụng những sàn nuôi tằm để phơi thay vì được phơi trên những giàn phơi như hiện nay.

Toàn bộ cây trên vườn được gia đình ông Nguyễn Bình Đông sử dụng nguồn phân hữu cơ, phân tự ủ để chăm bón, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Ảnh: Minh Hậu.

Toàn bộ cây trên vườn được gia đình ông Nguyễn Bình Đông sử dụng nguồn phân hữu cơ, phân tự ủ để chăm bón, đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Ảnh: Minh Hậu.

Theo chị Đỗ Ngọc Trâm Anh, phụ trách chế biến cà phê chất lượng cao của Bình Đông Farm, sản phẩm cà phê hàng năm sau khi chế biến đều được đưa tới các cơ sở chuyên ngành về cà phê tại TP Bảo Lộc, TP HCM để kiểm tra, đánh giá chất lượng. Đây là những cơ sở uy tín, được Hiệp hội Cà phê Thế giới công nhận. “Kết quả thu được ngay từ năm đầu tiên sản xuất cà phê chất lượng cao gia đình cũng bất ngờ vì chất lượng cà phê Robusta đạt được hương vị không ngờ tới, chất lượng được đánh giá khá tốt”, chị Đỗ Ngọc Trâm Anh nói.

Từ những thành công bước đầu, gia đình ông Nguyễn Bình Đông tiếp tục đầu tư nâng cấp quy trình chế biến và mở rộng vùng nguyên liệu lên 111ha và đầu tư xây dựng nhà xưởng, khu sơ chế, chế biến để nâng cao chất lượng, giá trị cà phê.

Đến nay, với việc quy trình chế biến và quy mô sản xuất cà phê chất lượng cao được đầu tư nâng cấp, sản lượng cà phê chất lượng cao mỗi năm sản xuất hơn 300 tấn và đang tiếp tục được nâng lên, trong đó 70% sản lượng tiêu thụ trong nước, còn lại dùng để xuất khẩu sang cá nước châu Âu như: Anh, Đức…, các nước khu vực Đông Nam Á.

Nguồn phân bón hữu cơ được sản xuất ngay tại Bình Đông Farm bằng cách tận dụng vỏ cà phê kết hợp nguồn phân chuồng cùng men vi sinh. Ảnh: Minh Hậu.

Nguồn phân bón hữu cơ được sản xuất ngay tại Bình Đông Farm bằng cách tận dụng vỏ cà phê kết hợp nguồn phân chuồng cùng men vi sinh. Ảnh: Minh Hậu.

Lợi thế chủ động được nguồn nguyên liệu, diện tích lên đến 111ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đã giúp Bình Đông Farm kiểm soát được tất cả các khâu trong quy trình sản xuất khép kín từ nguồn nguyên liệu đầu vào đến quy trình sơ chế, chế biến, từ đó sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, còn giảm sự lệ thuộc vào sản lượng cà phê của người dân và không bị động vào giá cả thị trường.

Anh Nguyễn Thanh Lộc, Giám đốc điều hành Bình Đông Farm chia sẻ: “Thời gian tới, Bình Đông Farm sẽ tiếp tục chuyển đổi những diện tích cà phê còn lại sang trồng cà phê chất lượng cao, nâng cao năng suất cũng như chất lượng hạt cà phê để chinh phục được các thị trường khó tính như Trung Đông, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… để nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Robusta Việt Nam với thế giới”.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.