| Hotline: 0983.970.780

Cà phê UTZ

Thứ Tư 16/10/2013 , 10:37 (GMT+7)

Chương trình SX cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ Certified (chứng chỉ toàn cầu về SX sạch) được triển khai tại Liên minh SX cà phê bền vững Cư Êbur.

Chương trình SX cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ Certified (chứng chỉ toàn cầu về SX sạch) được BQL Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Đắk Lắk phối hợp với Cty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 (SIMEXCO), UBND xã Cư Êbur (TP Buôn Ma Thuột) triển khai tại Liên minh SX cà phê bền vững Cư Êbur.

Chương trình gồm 182 hộ tại 2 buôn Dhăp Rông và Ebông tham gia với tổng diện tích 273,5 ha. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật của SIMEXCO đã đến tận vườn, lấy mẫu đất để phân tích nhằm tư vấn cho nông dân sử dụng phân bón, thuốc BVTV hợp lý.

Bà con cũng được tham gia nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cà phê như quy trình VietGAP, áp dụng chứng nhận UTZ Certified; lập kế hoạch SX và quản lý chất lượng sản phẩm; đào tạo kỹ năng quản trị liên minh; tham quan học tập, khảo sát, quảng bá sản phẩm…


Liên kết SX cà phê UTZ đem lại hiệu quả thiết thực

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Dự án cà phê bền vững (SIMEXCO) cho biết, Cty định hướng việc cung ứng vật tư SX và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thông thường, vào mùa khô, bà con phải cung cấp cho cà phê 500 - 600 lít nước/gốc/đợt tưới. Sau khi được hướng dẫn và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, mỗi gốc chỉ cần khoảng 390 lít/đợt tưới.

Chi phí phân bón cũng thấp hơn vì bà con biết tạo lớp phủ bề mặt, sử dụng các sản phẩm hữu cơ và bón phân theo đúng chu kỳ của cây.

Để đảm bảo chất lượng hạt cà phê tốt nhất, nông dân phải tuân thủ đúng quy trình từ bón phân sinh học, sử dụng thuốc BVTV hợp lý, tưới nước, bón phân đến thu hoạch (chỉ thu hoạch khi quả chín tới 90%), phơi (hái xong là phơi luôn, không ủ như trước đây) và xay xát (sạch sẽ, không lẫn tạp chất)…

Do áp dụng đủ và đúng quy trình nên năng suất cà phê tăng từ 2,24 tấn/ha lên 2,5 tấn/ha, tổng sản lượng của Liên minh SX cà phê Cư Êbur tăng từ 612,64 tấn lên 683,75 tấn. Một yếu tố quan trọng nữa là, qua quá trình chế biến sau thu hoạch, chất lượng cà phê được nâng cao, tăng giá trị XK.

Chị H’Wớt, thành viên của Liên minh SX cà phê Cư Êbur tâm sự: “Điều mà 182 thành viên chúng tôi vui mừng là năng suất, sản lượng cà phê tăng, giá bán cao hơn trước, đời sống của đồng bào được cải thiện”.

Vào vụ thu hoạch, SIMEXCO thu mua cà phê SX theo tiêu chuẩn UTZ của nông dân thông qua tổ trưởng và các điểm thu mua tập trung với giá cao hơn thị trường tại thời điểm đó là 735 đồng/kg.

Nếu giá XK trước đây là 26,8 triệu đồng/tấn thì sau khi áp dụng quy trình SX theo tiêu chuẩn UTZ đã tăng lên 28,1 triệu đồng/tấn. Nhờ chất lượng tăng cao, cà phê UTZ được nhà nhập khẩu cộng thêm 70 USD/tấn.

Đánh giá về mô hình này, ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN-PTNT Đắk Lắk) cho biết: SX cà phê bền vững theo tiêu chuẩn UTZ sẽ tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, sản phẩm có khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Nông dân được đào tạo phương pháp canh tác theo hướng tiên tiến, được tập huấn cách chế biến sau thu hoạch, đảm bảo sản phẩm làm ra có hiệu quả kinh tế cao, chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học…

Ông Nguyễn Quốc Hoàn, PGĐ Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk đã hình thành và đi vào hoạt động 5 liên minh SX cà phê bền vững với 1.087 hộ tham gia. Tổng kinh phí để thực hiện là 45,38 tỷ đồng. Trong đó Dự án Cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ 40% để nông dân mua vật tư nông nghiệp, còn lại 60% tự đầu tư.

Xem thêm
Người Mông trung thành với lợn đen

YÊN BÁI Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất