Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An cho biết, trung bình mỗi ngày trên địa bàn toàn tỉnh giết mổ trên 25.000 con gia súc, gia cầm, trong đó có trên 200 con trâu, bò; hơn 4.000 con lợn; gần 20.000 con gia cầm và hơn 200 con dê.
Trong số các loại động vật giết mổ nói trên, chỉ có chưa đầy 7.000 con được kiểm soát giết mổ. Số hộ giết mổ nhỏ lẻ quá nhiều, lại phân tán, trong khi lực lượng cán bộ thú y quá mỏng, nên công tác kiểm soát giết mổ gặp nhiều khó khăn.
Buông lỏng công tác quản lý giết mổ
Toàn tỉnh hiện có 822 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Theo quy định cũ, vẫn có 41 cơ sở giết mổ tập trung đạt chuẩn (có giấy chứng nhận kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và có cán bộ thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ).
Nhưng theo quy định tại QCVN 150 : 2017/BNNPTNT (Thông tư số 13/2007/TT-BNNPTNT ngày 20/6/2017) của Bộ NN-PTNT về “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung” thì trên địa bàn toàn tỉnh chưa có cơ sở giết mổ động vật tập trung nào đạt chuẩn.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, các cơ sở giết mổ động vật tập trung trên địa bàn toàn tỉnh không đạt chuẩn là do chưa đáp ứng yêu cầu về vị trí, khoảng cách với khu dân cư, thẩm quyền phê duyệt… Đặc biệt trong số 822 cơ sở giết mổ động vật hiện nay chỉ có 170 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Việc xây dựng, phát triển và duy trì các cơ sở giết mổ động vật tập trung rất khó khăn do nhiều nguyên nhân. Ngay từ năm 2012, tỉnh đã xây dựng quy hoạch nơi giết mổ, có cơ chế chính sách hỗ trợ. Nhưng kết quả thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cơ sở được đầu tư hàng tỉ đồng, nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn do số lượng gia súc đưa vào giết mổ quá ít, không đủ chi phí để duy trì hoạt động, điển hình như cơ sở giết mổ tập trung ở xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên phải dừng hoạt động do không hiệu quả...
Chính vì buông lỏng quản lý giết mổ nên có rất nhiều cơ sở giết mổ được tự do hoạt động mà không hề bị xử lý. Nếu có sự quản lý và kiểm soát tốt các cơ sở giết mổ thì sản phẩm thịt lưu hành trên thị trường sẽ có dấu kiểm định của thú y. Nhưng thực tế trên thị trường buôn bán thịt các loại động vật hiện nay, nhiều nhất là thịt lợn, phần lớn chẳng có dấu nào của cơ quan kiểm dịch.
Tại TP Vinh - một trung tâm đô thị lớn, qua khảo sát tại nhiều quầy hàng bán thịt lợn, thịt trâu bò, thật khó tìm thấy nơi nào thịt được đóng dấu kiểm dịch của thú y. Theo ông Nguyễn Tiến Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Vinh, thành phố hiện có 3 cơ sở giết mổ tập trung được cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ gia súc. Tuy nhiên cả 3 cơ sở này số lượng giết mổ chỉ được khoảng 40 con lợn và trâu, bò mỗi đêm.
Trong khi đó còn có quá nhiều điểm giết mổ cung cấp hàng chục tấn thịt lợn, trâu bò, gia cầm. Điển hình nhất tại xã Nghi Phú có trên 40 điểm giết mổ động vật, nhiều nhất tỉnh, nhưng không được kiểm dịch, thịt các loại từ các lò giết mổ này được đem đi bán tràn lan ở các chợ và các quầy ốt trong thành phố.
Được hỏi vì sao các lò giết mổ ở đây không kiểm soát được? Lãnh đạo xã Nghi Phú (TP Vinh) cho rằng, việc kiểm dịch các cơ sở giết mổ thịt động vật là việc làm của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố, cán bộ thú y của xã chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền thôi. Hỏi Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố thì được đại diện Trung tâm trả lời không được giao nhiệm vụ.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Thực tế công tác giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay còn tồn tại nhiều nguy cơ bất ổn đối với sức khỏe người tiêu dùng, đối với công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và cả hậu quả của việc gây ra ô nhiễm môi trường…
Không thể chủ quan với dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chỉ tính riêng năm 2022 vừa qua, toàn tỉnh đã có 166 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại 18/21 huyện, thành, thị, số lợn chết phải tiêu huỷ trên 6.000 con và có hàng chục địa phương trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục không chữa khỏi. Đơn cử tại huyện Yên Thành, năm 2022, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xảy ra ở 552 hộ, 137 xóm, 33 xã. Số lợn phải tiêu hủy 1.743 con, với tổng trọng lượng 84.884kg...
Trong khi đó, việc quản lý các lò giết mổ tập trung còn có quá nhiều bất cập, hạn chế. Từ đó phát sinh tình trạng các lò mổ gây ô nhiễm môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đang bỏ ngỏ. Điển hình như xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn) là địa phương có số lượng đàn vật nuôi trâu, bò, lợn… nhiều nhất huyện. Tại đây có một cơ sở giết mổ tập trung bình quân mỗi ngày giết mổ trên 100 con trâu, bò, lợn, nhưng việc quản lý giết mổ quá lỏng lẻo.
Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa, ông Trần Xuân Hán thừa nhận rằng, việc kiểm dịch tại cơ sở giết mổ trên địa bàn xã còn nhiều bất cập.
Thực tế, việc giám sát an toàn thực phẩm đối với sản phẩm động vật và cả việc lấy mẫu xét nghiệm cũng chưa được tiến hành thường xuyên nên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt, một số cơ sở giết mổ ký cam kết thực hiện tốt các nhóm chỉ tiêu để đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm, nhưng vẫn còn mắc các lỗi như việc ghi chép, lưu giữ hồ sơ, sổ sách về thông tin nguồn gốc động vật nhập về, tình trạng sức khỏe động vật trước khi giết mổ… chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Hệ thống thu gom rác thải, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, việc giết mổ đang chủ yếu ở trên sàn, chưa có nơi nào giết mổ treo. Việc khám sức khỏe định kỳ cho chủ sở hữu và những người lao động trực tiếp tham gia giết mổ hầu như chưa có cơ sở nào thực hiện.
Cần có giải pháp quản lý chặt chẽ
Để công tác giết mổ động vật đi vào nề nếp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh cho cộng đồng, cho gia súc, gia cầm, năm 2012, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định số 5008/2012 về việc phê duyệt quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, theo đó mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 120 cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch gia súc, gia cầm… Nhưng đến nay, cả tỉnh chỉ có 41 cơ sở giết mổ động vật tập trung (theo quy định cũ) và theo quy định được ban hành năm 2017 của Bộ NN-PTNT thì không có cơ sở giết mổ tập trung nào đạt chuẩn quy định.
Không thể để tình trạng buông lỏng quản lý các cơ sở giết mổ động vật tập trung và một số điểm giết mổ nhỏ lẻ tự phát như hiện nay kéo dài mãi, bởi sẽ gây nhiều hệ lụy khó lường. Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 09/02/2023 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Trong nội dung của Chỉ thị trên, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT, lãnh đạo các địa phương rà soát, đưa vào quy hoạch các lò mổ tập trung; giao lực lượng thú y thực hiện việc kiểm soát dịch bệnh, các địa phương xây dựng lộ trình đưa các cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ vào cơ sở giết mổ tập trung, có sự kiểm soát của chính quyền địa phương và của cơ quan thú y.
Ngoài những nội dung trong Chỉ thị của UBND tỉnh Nghệ An, thiết nghĩ, tỉnh cần có thêm mọt số nội dung sau đây:
Thứ nhất: UBND tỉnh cần phân công rõ trách nhiệm cụ thể của chính quyền các địa phương và lực lượng thú y trong việc phối hợp quản lý các cơ sở giết mổ tập trung và các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải có đầy đủ các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật trước khi hành nghề, nhất thiết không để xảy ra như vừa qua làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh…
Thứ hai: Cần xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong việc kinh doanh, buôn bán, giết mổ động vật không có giấy phép kinh doanh, không có hoá đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, sản phẩm thịt các loại động vật buôn bán trên thị trường không có dấu kiểm dịch của thú y… và những cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba: Ngành NN-PTNT nói chung, Chi cục Chăn nuôi và Thú y nói riêng cần phối hợp với UBND các huyện, thành, thị và UBND xã, phường, thị trấn nơi có các cơ sở giết mổ để tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các chủ cơ sở giết mổ động vật và người trực tiếp giết mổ nắm vững cả lý thuyết và thực hành trong việc áp dụng quy trình giết mổ, vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường...