| Hotline: 0983.970.780

Các con khỏe mạnh, tôi chết cũng cam lòng!

Chủ Nhật 21/01/2018 , 07:01 (GMT+7)

Chồng chết đã hơn 10 năm, một mình chị bươn chải để nuôi các con. Bản thân bị căn bệnh tim hành hạ, đứa con trai 19 tuổi thì mắc bệnh động kinh nặng, có lần đang đi ngoài đường thì lên cơn, khiến ngã đến tụ cả máu não.

Đó là gia cảnh bất hạnh của ba mẹ con chị Đỗ Thị Lý ở thôn Sậy, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
 

Định ôm con tự vẫn

Dẫn chúng tôi tới thăm căn nhà tồi tàn, ẩm thấp cuối xóm của gia đình chị Đỗ Thị Lý, ông Bùi Văn Ngàn - Bí Thư Chi bộ thôn Sậy cho hay: “Đây là hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã, chồng chết đã lâu, một nách 3 con, bản thân lại mắc bệnh tim nặng. Đứa lớn không có nghề nghiệp gì đã gả sang huyện bên, đứa út mới 7 tuổi, cháu thứ hai 19 tuổi mắc bệnh động kinh nặng, đến tự lo cho bản thân còn khó, nói chi đến việc đỡ đần mẹ”.

15-15-43_hien-ny-chi-ly-dng-mc-benh-tim-gii-don-cuoi-nhung-vn-phi-chm-soc-cu-con-tri-lon-mc-benh-dong-kinh-nng-v-cu-con-tri-ut-con-nho-di
Ba mẹ con chị Lý

Căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, đồ đạc chẳng có gì đáng giá ngoài 2 chiếc giường cũ kỹ, bừa bộn quần áo cũ bốc mùi ẩm mốc. Chị Lý thì đang nằm thiêm thiếp, co ro trong tiết trời giá lạnh, ngồi bên cạnh là đứa con trai út 7 tuổi đang thút thít khóc.

Gắng gượng bám vào thành giường ngồi dậy, người đàn bà góa trải lòng với chúng tôi trong nước mắt: “Phận tôi hẩm hiu lắm. Tôi mắc bệnh tim từ bé. Chồng tôi không may ra đi để tôi một mình với 2 con nhỏ, tôi gắng gượng sống chật vật lo bữa rau bữa cháo cho các cháu qua ngày. Các cháu khỏe mạnh thì tôi chết cũng cam lòng".

Những lời tâm sự trong nước mắt của người đàn bà góa tội nghiệp khiến chúng tôi không khỏi ái ngại, cảm thương. Chồng đột ngột ra đi không một lời trăng trối, 3 năm sau đứa con trai lại phát bệnh động kinh, đã có lúc chị Lý buồn chán định ôm con mà tự vẫn. Nhưng thương các con, chị lại không đành. Có nhiều người khuyên bảo, nên “xin” thêm đứa nữa để trông nom lúc tuổi già và chăm sóc người anh bệnh tật. Chị nhắm mắt làm liều và suýt mất tính mạng khi có thêm đứa con này.

Với tay ôm đứa con út 7 tuổi vào lòng, chị Lý kể tiếp: “Khi mang thai cháu được 22 tuần thì tôi phải vào viện cấp cứu, tưởng mất cả mẹ lẫn con. Tôi được các bác sĩ phẫu thuật tim kịp thời, rồi cầm cự đến lúc cháu ra đời. Ông trời thương nên tôi vẫn còn và cháu nó cũng được làm người”.

15-15-43_em-hi-mc-benh-dong-kinh-nng-d-gn-10-nm-ny-thuong-len-con-dp-ph-do-dc
Em Hải bị động kinh nhiều năm nay

Gương mặt chị Lý trong giây lát chợt ánh lên niềm vui sướng khi nói về đứa con út, rồi lại nhanh chóng vụt tắt bởi thực tại quá ư nghiệt ngã. Đưa tay gạt nước mắt, chị rầu rầu: “Mẹ ốm đau, anh bệnh tật, ăn chẳng có, đến manh áo cái quần cũng phải đi xin. Nhiều lúc nhìn con đói rét tôi lại thấy mình có tội với cháu”.
 

Gia cảnh bần cùng

Kể từ lần phẫu thuật trước, vì nghèo khó mà chị Lý cứ lần lữa không đi khám lại, hay thuốc thang gì cả. Hơn 3 tháng trước, thấy sức khỏe càng yếu dần đi, sau nhiều lần tự dưng ngất xỉu, chị Lý mới đi vay mượn được chút tiền lên viện khám. Dù bác sĩ có dặn, thuốc phải uống đều, uống đủ rồi hẹn ngày tái khám nhưng vì không có tiền, chị chỉ mua có nửa đơn thuốc, lịch hẹn tái khám đã đến, thuốc cũng đã dùng hết. Cũng vì nghèo khó mà chị cũng chẳng thể đến viện theo hẹn, chấp nhận đánh cược mạng sống của mình với số phận.

Để có tiền thuốc thang cho người con trai lớn bị động kinh, chị Lý tuy đang mắc bệnh tim rất nặng nhưng hàng ngày vẫn làm nghề tự do, phải xoay đủ thứ nghề từ phụ hồ cho các công trình xây dựng, chăm sóc 4 sào ruộng khoán cằn cỗi và ra bờ mương bờ máng bắt từng con cua con ốc. Vậy nhưng số tiền kiếm được ít ỏi của chị Lý cũng không đủ trang trải tiền thuốc men hàng ngày cho ba mẹ con chứ nói gì đến tiền ăn uống, sinh hoạt hàng ngày.

15-15-43_chi-ly-ben-cnh-cu-con-tri-ut-con-nho-di
Chị Lý và con trai út còn nhỏ dại

Chị Lý chia sẻ: “Lo cho hai đứa con ốm yêu quanh năm như thế này tôi đã vất vả lắm rồi. Những lúc thằng Hải lên cơn động kinh đập phá đồ đạc trong nhà, không đuổi đánh mẹ nó là may”.

Là người cùng thôn, lại tận mắt chứng kiến nỗi cùng cực của mẹ con chị Lý, ông Bùi Văn Ngàn, Bí thư Chi bộ thôn Sậy, cho biết: “Hoàn cảnh nhà chị Lý thì không những thôn mà cả xã này ai cũng thấy ái ngại. Qua đây, tôi cũng xin tha thiết kính nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ cho mẹ con chị Lý được chữa trị, và thoát khỏi cảnh sống thiếu đói”.

Mọi sự giúp đỡ của bạn đọc gần xa xin gửi về chị Đỗ Thị Lý ở thôn Sậy, xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.

(Kiến thức gia đình số 3)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm