Theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồng tại Đà Nẵng, chúng ta đã triển khai tất cả các biện pháp quyết liệt. Chưa bao giờ, Bộ Y tế lại huy động nhiều chuyên gia đầu ngành tinh nhuệ để hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung.
“Đến nay, ổ dịch tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng từng bước kiểm soát. Số ca mắc giảm dần trong những ngày gần đây. Các địa phương cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, về tình hình dịch tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán ăn “Thế giới bò tươi” - nơi có ca bệnh 867 khoảng từ ngày 25-27/7. Từ địa điểm này, dịch lây lan ra cộng đồng. Và hiện đã ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc Covid-19, trong những ngày tới có thể có thêm các ca nhiễm mới”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.
Quyền Bộ trưởng cũng cho biết, ngay từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, tỉnh Hải Dương đã và đang quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Bộ Y tế cũng đã cử các đoàn xuống hỗ trợ, phối hợp cùng địa phương khẩn trương truy vết thật nhanh, xét nghiệm thật nhanh để khoanh vùng dập dịch…
“Tới đây, vẫn sẽ tiếp tục có mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, đó là điều chúng ta cần để ý, trong đó việc làm thế nào để kiểm soát Covid-19 tại các cơ sở y tế.
Từ bài học của Đà Nẵng, Quảng Nam và Hải Dương, vấn đề đặt ra là các địa phương cần phải làm gì khi dịch bệnh xảy ra. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong cách xử lý, đấy là lý do tại sao Bộ Y tế phải thường xuyên điều chuyên gia trung Ương đến hỗ trợ các địa phương.
Các địa phương phải chuẩn bị tâm thế dịch sẽ kéo dài, nếu như không có vacxin, cuộc chiến chống dịch sẽ rất khó khăn”, Quyền Bộ trưởng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Long, lần này chúng ta xác định dịch có diễn biến phức tạp, do đó các địa phương phải nâng cao cảnh giác, có thể xuất hiện chùm ca bệnh, ca bệnh tại cộng đồng vì tốc độ lây lan của dịch bệnh. Từng gia đình có thể trở thành ổ dịch, lần trước chỉ có khoảng 40 ổ dịch, lần này đã lan khoảng 150 ổ dịch.
“Chúng ta phải phản ứng mạnh mẽ, quyết liệt, hành động khẩn trương, thần tốc trong chống dịch. Nếu chúng ta chần chừ sẽ rất nguy hiểm.
Các địa phương phải lên kịch bản sẵn về việc các bệnh viện sẽ sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận bệnh nhân trong trường hợp trên địa bàn có cơ sở y tế bị “đóng băng”.
Chúng ta phải bảo vệ bằng được điểm cốt tử của bệnh viện như khoa hồi sức, khoa và đội ngũ nhân viên y tế, nếu để Covid- 19 vào đây thì rất nguy hiểm. Chúng ta không được nghĩ bệnh viện ngoại khoa, chuyên khoa đặc biệt thì sẽ không có Covid-19 mà phải sẵn sàng tâm thế chống dịch quyết liệt”, Quyền Bộ trưởng nói.
Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng yêu các nhà thuốc phải giám sát chặt các trường hợp mua thuốc nghi ngờ như ốm, ho, sốt,... nếu không báo cho cơ sở y tế thì yêu cầu xử lý nghiêm. Đối với các bệnh viện, nếu để tình trạng bệnh nhân nghi ngờ “lọt” cũng sẽ bị xử lý nghiêm.