| Hotline: 0983.970.780

Xuyên đêm thị sát 2 nhà máy giết mổ công nghiệp quy mô lớn

Thứ Bảy 01/04/2023 , 12:17 (GMT+7)

TP. HCM Ngày đầu tiên chuyển đổi từ hoạt động giết mổ thủ công sang nhà máy giết mổ công nghiệp, nhưng công suất giết mổ công nghiệp của TP. HCM đã đạt trên 5.600 con heo.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP. HCM trao đổi với chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp An Hạ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP. HCM trao đổi với chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp An Hạ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hỗ trợ thương lái giá gia công

Đêm 31/3, rạng sáng 1/4, đoàn công tác do ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM làm trưởng đoàn đã đến thị sát hai nhà máy giết mổ công nghiệp quy mô lớn tại huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn trong ngày đầu tiên chính thức hoạt động theo chủ trương của UBND TP. HCM về việc chuyển đổi từ giết mổ thủ công sang giết mổ công nghiệp.

Ghi nhận của PV Nông nghiệp Việt Nam, lúc 23h20' ngày 31/3, tại nhà máy của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi), từng đoàn xe tải lạnh nối đuôi nhau xếp hàng phía ngoài sân chờ lấy heo mảnh đưa ra chợ. Bên trong nhà máy, tất cả 6 dây chuyền giết mổ công nghiệp đều đi vào hoạt động. Mọi hoạt động đều trở nên nhộn nhịp, công nhân luôn chân luôn tay theo từng công đoạn khá thuần thục dù là ngày đầu tiên chuyển đổi. 

Theo quan sát, thì nhà máy này đầu tư dây chuyền giết mổ công nghiệp khá hiện đại, các công đoạn sản xuất được vận hành bằng cơ giới hóa và có tính tự động cao, nhằm đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, còn có hệ thống thông tin quản lý toàn diện giúp thuận tiện cho quá trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Khu vực bên ngoài nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khu vực bên ngoài nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ cho biết, 6 dây chuyền giết mổ hoạt động theo đúng quy trình công nghệ được Sở NN-PTNT TP.HCM thẩm định. Toàn bộ dây truyền được nhập khẩu từ Brazil, thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Quy trình giết mổ được quản lý theo tiêu chuẩn HACCP.

Theo bà Thắm, để hỗ trợ thương lái trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi, phía công ty quyết định lấy giá gia công bằng giá giết mổ thủ công trước đó. Công suất của nhà máy là 3.240 con/ngày, tuy nhiên trong ngày đầu tiên hoạt động lượng heo giết mổ tại đây đạt trên 2.100 con (từ cơ sở Xuyên Á (Củ Chi), cơ sở Bình Tân (quận Bình Tân) và cơ sở Tân Thạnh Đông (Củ Chi) - PV). 

"Hiện tại để vận hành một nhà máy giết mổ công nghiệp thì số vốn đầu tư đến ngày hôm nay là hơn 700 tỷ nội tiền lãi suất ngân hàng, chưa kể đến tiền vận hành, chi phí. Nếu cứ tính theo giá gia công như trước đây thì hiện mỗi tháng chúng tôi phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng và chúng tôi chỉ có thể cố gắng duy trì được trong vòng ba tháng nữa bằng cách bù lỗ hàng tháng", bà Thắm nói.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM dẫn đầu đoàn công tác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM dẫn đầu đoàn công tác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Thắm kiến nghị, Thành phố phải kiểm soát lượng heo từ các cơ sở thủ công các tỉnh đưa về để tạo sự công bằng trong cạnh tranh giữa nhà máy công nghiệp và các cơ sở thủ công. 

"Chủ trương của Thành phố là xây dựng những nhà máy công nghiệp, nghĩa là ngoài dây chuyền công nghiệp thì phải đáp ứng các tiêu chí khác của một nhà máy công nghiệp, chứ đừng nghĩ chỉ là một dây chuyền công nghiệp là xong. Dây chuyền công nghiệp có nguồn gốc xuất xứ, có chứng nhận chất lượng, có đảm bảo về tất cả các điều khoản an toàn lao động, an toàn vệ sinh lao động thú y và nó khác biệt hẳn với những linh kiện, thiết bị lắp ráp lại để cho chạy ra một cái gọi là dây chuyền công nghiệp.

Chúng tôi sẵn sàng chấp thuận theo chủ trương của Thành phố, sẵn sàng đóng cửa các cơ sở thủ công để chuyển vào nhà máy công nghiệp thì tại sao không được đối xử công bằng với các cơ sở thủ công tỉnh?", bà Thắm nêu vấn đề.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP. HCM thị sát nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP. HCM thị sát nhà máy giết mổ công nghiệp của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn. Ảnh: Nguyễn Thủy.

1h ngày 1/4, đoàn công tác của Sở NN-PTNT TP. HCM tiếp tục đến nhà máy giết mổ gia súc của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (Hóc Môn). Với tổng vốn đầu tư là 271 tỷ trên diện tích 5,2ha, công ty đã đầu tư hai nhà xưởng giết mổ công nghiệp (trước đây hai nhà xưởng này cũng đã đi vào hoạt động nhưng chủ yếu là giết mổ thủ công - PV); phần còn lại là phần xây dựng các khu văn phòng. Dây chuyền máy móc, trang thiết bị tại đây được nhập từ Trung Quốc và đã được Sở NN-PTNT TP. HCM phê duyệt và đang trong quá trình tiến hành kiểm tra.

Theo ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn, trong ngày đầu chuyển đổi từ các thao tác làm thủ công chuyển sang làm trên dây chuyền giết mổ, không tránh khỏi những cái còn chệch choạc, nên đang trong quá trình đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân để hoạt động của nhà máy được đi vào ổn định, trơn chu hơn. "Tất cả 5 dây chuyền giết mổ thủ công hoạt động tại công ty đều ngưng hoạt động và chuyển sang hoạt động dây chuyền giết mổ công nghiệp tại nhà máy. Đến thời điểm này thì tâm trạng của tất cả thương lái cũng như cán bộ nhân viên của công ty đều ủng hộ thực hiện chủ trương của thành phố", ông Liêm nói.

Tương tự như phía nhà máy An Hạ, Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (trước đây là cơ sở Xuân Thới Thượng) cũng có chủ trương giữ giá gia công theo giá giết mổ thủ công trước đây là 40.000 đồng/con, chưa thuế nhằm đảm bảo đủ sản lượng giết mổ heo để cung cấp cho người dân Thành phố trong giai đoạn ngừng giết mổ thủ công.

"Chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con trong giai đoạn đầu khoảng một tháng để ổn định về thị trường và sẽ cùng nhau bàn thảo định lại giá giết mổ trong khu vực công nghiệp", ông Liêm cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Liêm một trong những khó khăn hiện nay của đơn vị khi thực hiện giết mổ công nghiệp là tại các chợ đầu mối, các nguồn hàng giết mổ thủ công ở các tỉnh cũng được nhập về bán trong thành phố, trong khi đó để đầu tư nhà máy công nghiệp đòi hỏi số vốn lớn hơn, dẫn đến việc cạnh tranh trong giết mổ để cung cấp nguồn thịt heo về cho thị trường thành phố.

Ông Liêm kiến nghị, TP. HCM xem xét, bàn với các tỉnh chuyển đổi giết mổ công nghiệp như thành phố đã làm để cung cấp nguồn sản phẩm giết mổ từ nhà máy công nghiệp cho người thành phố, cũng như đảm bảo tính cạnh tranh công bằng cho các chủ đầu tư.

Kiến nghị cho TP. HCM áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7046 thịt heo mát bắt buộc

Trong buổi làm việc, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM ghi nhận những nỗ lực của các chủ đầu tư trong việc đưa vào vận hành nhà máy giết mổ công nghiệp quy mô lớn theo đúng tiến độ đề ra trước đó. Cả 6 dây chuyền của An Hạ và 5 dây chuyền của Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn đều vận hành đầy đủ các dây chuyền. Đây là tín hiệu đáng mừng. "Khi bắt đầu vận hành vẫn còn một số hạn chế nhất định, tuy nhiên hạn chế này đã được Sở lưu ý với hai nhà máy. Chúng tôi sẽ cùng hai nhà máy hoàn thiện các chi tiết này trong thời gian tới", ông Hiệp nói.

Ngoài ra, lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM cũng ghi nhận sự chia sẻ về giá gia công của hai đơn vị đối với các thương lái trong giai đoạn đầu. Ông Hiệp cũng cho biết, Sở sẽ theo dõi liên tục hai nhà máy giết mổ công nghiệp này trong ba tháng để tham mưu lãnh đạo TP sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp. 

Nếu các nhà máy giết mổ công nghiệp của TP. HCM vận hành trơn chu, có thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu vận hành của nhà máy công nghiệp thì khả năng, từ nay đến cuối năm, hai nhà máy này sẽ nâng cao công suất từ 80-100%, đáp ứng được yêu cầu của Thành phố, khi đó chi phí trên một đầu heo sẽ giảm xuống, đây cũng là hướng để cân chỉnh giá từ ban đầu đối với quá trình vận hành của nhà máy.

Mặt khác, khi chất lượng thịt heo giết mổ công nghiệp được chợ đầu mối đánh giá tốt hơn thì giá bán ra ở chợ truyền thống tốt hơn. 

Heo sau khi được giết mổ tại nhà máy được đóng dấu kiểm soát giết mổ của Chi cục Thú y và chăn nuôi TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Heo sau khi được giết mổ tại nhà máy được đóng dấu kiểm soát giết mổ của Chi cục Thú y và chăn nuôi TP. HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

"TP. HCM là địa phương đầu tiên trên cả nước mong muốn thực hiện giết mổ công nghiệp, và dứt khoát chấm dứt giết mổ thủ công để tạo sự cạnh tranh công bằng. Do đó, hướng sắp tới, Thành phố trình Bộ NN-PTNT cho phép TP. HCM được áp dụng tiêu chuẩn TCVN 7046 thịt heo mát bắt buộc, thay cho khuyến khích như hiện nay để làm quy chuẩn địa phương. Lúc đó, heo từ các tỉnh đưa về cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn đó", Giám đốc Sở NN-PTNT TP. HCM cho hay.

Trước ngày 1/4, mỗi ngày TP. HCM tiêu thụ khoảng 10.000 -11.000 con heo. Trong đó, 5.000-6.000 con/ngày được giết mổ tại TP. HCM, 2.000 con/ngày (dạng thịt mảnh) được chuyển từ các tỉnh, còn lại là thịt đông lạnh nhập khẩu (dạng thịt mảnh). 

Theo số liệu kiểm soát giết mổ heo tại các cơ sở trong ngày đầu ngưng cơ sở giết mổ thủ công chuyển sang hoàn toàn các cơ sở giết mổ công nghiệp, lượng heo giết mổ công nghiệp tại TP. HCM đạt trên 5.600 con, trong đó Công ty TNHH DV An Hạ là 2.104 con; Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn 2.033 con.

Xem thêm
Tổng Bí thư: Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần

Tổng Bí thư lưu ý, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ làm một lần, kết quả đạt được vừa qua rất quan trọng nhưng mới chỉ là bước đầu.

Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng nướng cá Diễn Vạn đỏ lửa

Nghề nướng cá tại đất biển Diễn Vạn có từ hàng chục năm rồi, bất kể nắng mưa, những bếp lửa rực đỏ bốn mùa, người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.

Bình luận mới nhất