| Hotline: 0983.970.780

Các nước châu Phi bất hòa vì đập thủy điện GERD

Chủ Nhật 26/07/2020 , 16:15 (GMT+7)

Mặc dù Trung Quốc không trực tiếp tài trợ 4,6 tỷ USD cho dự án đập thủy điện GERD gây tranh cãi ở thượng nguồn sông Nile, nhưng liệu Bắc Kinh có vô can?

Cuộc chiến tranh chấp nguồn nước

GERD sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất châu Phi và có tiềm năng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Ảnh: AFP

GERD sẽ trở thành đập thủy điện lớn nhất châu Phi và có tiềm năng xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Ảnh: AFP

Xung đột lợi ích gây ra  tranh chấp nguồn nước đã nổ ra giữa ba quốc gia châu Phi là Ethiopia, Sudan và Ai Cập xung quanh dự án xây dựng đập thủy điện Đại phục hưng Ethiopia (GERD), công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Nile. Điều đáng nói là cả ba nước này đều là những đồng minh thân cận của Trung Quốc, nơi có nhiều dự án thuộc Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, trị giá hàng chục nghìn tỷ USD được Bắc Kinh triển khai ở châu Phi.

Sự việc như “lửa đổ thêm dầu” sau khi giữa tuần vừa qua, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed xác nhận, nước này đã thực hiện mục tiêu tích nước hồ chứa phía sau con đập GERD, đạt dung lượng ban đầu 4,9 tỷ mét khối.

“Dấu mốc tích nước vào hồ chứa lần đầu tiên là một khoảnh khắc lịch sử, chứng tỏ cam kết của chính phủ đối với người dân Ethiopia về công cuộc chấn hưng đất nước”, ông Abiy Ahmed khẳng định, đồng thời cho biết thêm, việc tích nước hồ chứa sẽ cho phép quốc gia vùng Sừng châu Phi có thể sản xuất điện bắt đầu vào năm tới, từ hai tuabin của dự án này.

Công trình đập thủy điện GERD nằm trên đất Ethiopia, nơi thượng nguồn dòng chính sông Nile nối đến Ai Cập. Trong quá khứ, sông Nile đã từng gây ra tranh cãi liên quan đến một hiệp ước được ký từ năm 1929 nhưng không có sự tham gia của Ethiopia, cho phép Ai Cập quyền độc quyền nguồn nước sông Nile.

Tuyên bố của ông Abiy Ahmed được loan đi chỉ sau 24 giờ, hai nước láng giềng là Sudan và Ai Cập công khai phản đối động thái tích nước của Ethiopia.

Vào tuần trước, các hình ảnh vệ tinh được cơ quan viễn thám châu Âu ghi nhận cho thấy, Ethiopia đã bắt đầu tích nước vào hồ chứa có dung tích tới hơn 74 tỷ mét khối.

Theo giới chức Cairo, việc xây dựng con đập thủy điện GERD ở thượng nguồn sông Nile có chiều dài 1.829 m, công suất thiết kế ước tính 6.000 MW có thể gây ra “cái chết” cho Ai Cập, quốc gia 100 triệu dân vốn phụ thuộc tới 90% nguồn nước của con sông này, bao gồm cả việc sản xuất và sinh hoạt.

Mặc dù Ai Cập đã nhiều lần hối thúc tiến đến một cam kết mang tính pháp lý nhằm có một lượng nước tối thiểu sẽ được xả xuống hạ lưu để chống hạn nhưng cho đến nay Ethiopia vẫn nhất quyết từ chối do nước này hiện vẫn có tới 65% người dân không được tiếp cận nguồn điện.

Hòa giải bất thành

Đập thủy điện GERD chính là nguồn cơn gây ra căng thẳng trong lưu vực sông Nile kể từ khi dự án này khởi công vào năm 2011. Căng thẳng tiếp tục lên cao sau khi Ethiopia lên kế hoạch tích nước hồ chứa vào đầu mùa mưa trong tháng này, ngay lập tức đã khiến cả Ai Cập lẫn Sudan tức giận vì lo ngại sẽ làm giảm mực nước trên các con sông ở hạ nguồn.

Đập thủy điện GERD hy vọng sẽ tăng gấp đôi công suất điện của Ethiopia sau khi hoàn thành. Ảnh: AFP

Đập thủy điện GERD hy vọng sẽ tăng gấp đôi công suất điện của Ethiopia sau khi hoàn thành. Ảnh: AFP

Vào ngày 22/7, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, đương kim Chủ tịch AU đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn giữa các nhà lãnh đạo trong khối để thảo luận về cuộc tranh chấp nguồn nước giữa ba quốc gia trong khối.

Ông Ramaphosa cho biết, các cuộc đàm phán ba bên sẽ tiếp tục được AU chủ xị để tháo gỡ các vấn đề gây tranh cãi. Trong khi đó, hiện cả Ai Cập và Sudan đều vẫn chưa đưa ra bất cứ phản hồi nào sau tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Ethiopia.

Trước đó, hồi tháng 3, các cuộc đàm phán hòa giải liên quan đến tranh chấp nguồn nước tại châu Phi do Mỹ chủ trì cũng đã thất bại, sau khi Ethiopia đơn phương rút lui với cáo buộc “Mỹ đang ủng hộ Ai Cập”.

Tiếp đó, tại các cuộc đàm phán do AU đứng ra dàn xếp, kết thúc vào ngày 13 tháng 7, các bên cũng đều không đạt được thỏa thuận nào về các vấn đề xung đột gay cấn như giảm thiểu hạn hán và liệu việc các thỏa thuận xây dựng đập GERD có tuân thủ đúng luật pháp quốc tế hay không.

Trong các cuộc điện đàm riêng rẽ hồi tháng 6 với hai đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukri và Ethiopia Gedu Andargachew, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng chỉ “bày tỏ mong muốn đối thoại để tìm ra một giải pháp được chấp nhận cho tất cả các bên càng sớm càng tốt”. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã né tránh câu hỏi liên quan đến tranh chấp nguồn nước sông Nile.

“Trung Quốc không muốn gây phương hại đến mối quan hệ với bất kỳ ai trong số ba quốc gia đồng minh ở châu Phi là bởi họ đã nhìn thấy lợi ích một khi dự án này hoàn thành. Do vậy nếu Bắc Kinh can thiệp vào các cuộc đàm phán sẽ chỉ làm phức tạp thêm tình hình”, ông David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia kiêm giáo sư tại Đại học George Washington nói.

Trung Quốc có vô can?

Theo giới phân tích, mặc dù chính phủ Trung Quốc không trực tiếp tài trợ cho việc xây dựng đập GERD, cũng như không đóng một vai trò chính thức nào trong các cuộc đàm phán hòa giải thời gian qua thông qua Liên đoàn châu Phi (AU). Tuy nhiên nền kinh tế số hai thế giới lại đang nắm giữ rất nhiều vai trò cả về ngoại giao cũng như kinh tế tại ba quốc gia trên.

Bắc Kinh có thể sử dụng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế của mình để hạ nhiệt căng thẳng và tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp giữa các nước đồng minh tại lục địa đen”, các chuyên gia nhận xét.

Được biết, dự án đập thủy điện GERD đều do các doanh nghiệp và ngân hàng của Trung Quốc cấp vốn vay để hiện thực hóa tham vọng kinh doanh năng lượng cho khu vực đô thị rộng lớn tại Ethiopia. Ngoài ra, dự án này còn có rất nhiều các công ty của Trung Quốc khác đến đây làm nhiệm vụ nhà thầu phụ.

Hồi năm ngoái, chính phủ Ethiopia đã trao các bản hợp đồng trị giá 40,1 triệu USD và 112 triệu USD cho hai tập đoàn Gezhouba và Voith Hydro Thượng Hải của Trung Quốc. Và sau chuyến công du của Thủ tướng Ahmed tới Bắc Kinh, phía  Trung Quốc lại hứa sẽ cấp thêm khoản vay trị giá 1,8 tỷ USD tài trợ cho việc mở rộng lưới điện Ethiopia.

Trước đó, vào năm 2013, Trung Quốc đã cho Ethiopia vay 1,2 tỷ USD để xây dựng các đường dây truyền tải điện kết nối giữa dự án đập thủy điện GERD với các đô thị lớn của nước này.

Theo giới quan sát, kể từ khi nổ ra tranh cãi giữa ba quốc gia đồng minh tại châu Phi, đến nay Trung Quốc vẫn né tránh can dự vào việc phân xử, cho dù họ có “tiếng nói rất rõ ràng” giúp chấm dứt bế tắc.

Ông Stephen Chan, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế cho biết, Bắc Kinh có thể dùng kinh nghiệm của mình trong việc xây dựng các con đập và quản lý các tác động của những con đập lớn nhằm giúp ba nước đạt được thỏa thuận chung.

Ngay sau khi ông Tập Cận Bình ngồi vào ghế lãnh đạo đất nước, Trung Quốc đã đổ nguồn tiền lớn vào châu Phi, trong đó có ba quốc gia đồng minh kể trên nhằm thực hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu. Theo đó, Trung Quốc đã đầu tư xây dựng hàng loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm các đặc khu kinh tế, mạng lưới đường sắt, đường cao tốc, nhà máy lọc dầu và các thành phố mới tại Ai Cập, Ethiopia và Sudan.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.