Được người dân lựa chọn
Theo kế hoạch, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang sẽ là một trong những tỉnh có nền nông nghiệp trọng điểm quốc gia, nằm trong tốp đứng đầu miền Bắc. Sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải các bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn sẽ không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị. Thực hiện kê hoạch này, thời gian qua, cùng với xây dựng nông thôn mới (NTM), sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn đã được quan tâm phát triển mạnh ở Bắc Giang.
Tại huyện Yên Dũng, từ năm 2019, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương đã bắt đầu trồng lúa theo hướng hữu cơ và nói không với thuốc hóa học trong suốt quá trình cây sinh trưởng, phát triển. Canh tác theo hướng này, trong suốt thời gian qua, hơn 10 ha lúa thơm của HTX dù nhìn bằng mắt thường lúa không xanh mướt như các thửa ruộng khác nhưng không bị sâu bệnh gây hại, bông lúa dài, tỷ lệ hạt mẩy cao hơn so với các vùng sản xuất thông thường.
Anh Phạm Trọng Viên - Giám đốc hợp tác xã chia sẻ, chi phí cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ cao hơn so với mô hình sản xuất truyền thống song bù lại chất lượng gạo ngon và giá bán cao hơn, đặc biệt qua đó cải tạo đất, bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, tại thôn Xẻ Cũ, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn, gia đình anh Nguyễn Văn Hữu cũng đang canh tác hơn 10 ha cam, bưởi theo hướng hữu cơ gắn với du lịch sinh thái mấy năm nay cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều người mong ước.
Anh Hữu cho biết, trung bình mỗi năm, gia đình anh thu được khoảng 200 tấn cam và bưởi da xanh, cho doanh thu 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí anh thu lãi khoảng 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình đã tạo công ăn việc làm tại chỗ cho từ 8 đến 14 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6 triệu đồng/người/tháng.
Tận dụng lợi thế có vườn cây ăn quả đẹp, giao thông thuận lợi, vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu đã kết hợp cùng các nhà vườn trong xã tổ chức các tour, tuyến du lịch và đã đón hàng trăm đoàn khách tới tham quan, trải nghiệm mùa hoa vải, hoa bưởi, rồi thu hoạch vải, cam, bưởi.
Hiện tại, vườn cây ăn quả theo hướng của gia đình anh Hữu được đánh giá là một trong những vườn cây có múi chất lượng nhất của huyện Lục Ngạn và đầu tháng 7/2023, vườn cam, bưởi của gia đình anh Hữu đã được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang công nhận là điểm du lịch sinh thái.
“Trong xây dựng NTM, việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cũng giúp chúng tôi giới thiệu, tiêu thụ nhiều sản phẩm cam, bưởi. Du khách có thể trực tiếp mua cây, thu hoạch và thưởng thức trực tiếp những trái cam, bưởi chín mọng, thơm ngon. Đây thực sự là những trải nghiệm mới mẻ, thú vị và không thể nào quên đối với du khách”, anh Hữu chia sẻ.
Qua tìm hiểu, tại Lục Ngạn, không chỉ mô hình của gia đình anh Hữu đang hoạt động hiệu quả mà còn hàng loạt mô hình canh tác hữu cơ khác như: HTX Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Mộc,… các đơn vị cũng đang tích cực đôn đốc thành viên và hộ liên kết sản xuất cây có múi sạch, an toàn thực phẩm để cung ứng ra thị trường, đồng thời là điểm du lịch trải nghiệm của huyện Lục Nam.
Theo ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, toàn huyện hiện có 29 HTX du lịch, với gần 350 di tích và khu danh thắng, hồ đập; 1 điểm du lịch Làng văn hoá Đông Bắc (thị trấn Chũ); điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bầu Tiên, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn đang được xây dựng. Qua khảo sát, các HTX và điểm tham quan trong huyện đều đủ điều kiện xây dựng các tour, tuyến tham quan, sẵn sàng đón khách. Cùng với xây dựng NTM, ngoài hướng dẫn nông dân tích cực chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, huyện Lục Ngạn cũng sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến thương mại gắn với phát triển du lịch mùa cam, bưởi.
Xu thế tất yếu, phù hợp
Từ thực tiễn cuộc sống hàng ngày đang diễn ra, cho thấy, cơ bản người tiêu dùng thay đổi thói quen theo hướng chuyển sang sử dụng thực phẩm an toàn ngày càng cao. Trước đây nhiều nông dân sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để tăng năng suất, bảo vệ cây trồng nên chỉ sau một thời gian, đất bị ô nhiễm, tích tụ chất độc hại, ảnh hưởng đến các sản phẩm nông nghiệp, môi trường và sức khỏe người dân. Do vậy, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang là xu thế phát triển mới, tất yếu.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang, việc người dân thay đổi tư duy và cách thức sản xuất từ dựa vào phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học là chính sang sản xuất hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người. Với mô hình sản xuất này, không chỉ nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị sản phẩm mà còn giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, hài hòa với môi trường sinh thái.
Là vựa vải lớn nhất cả nước với diện tích trồng trên 28.000 ha nên việc phát triển bền vững vùng sản xuất này được tỉnh Bắc Giang và ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm. Điều này được thể hiện qua nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, trong đó đáng lưu ý là “đề án hỗ trợ phát triển cây ăn quả bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, hướng tới đạt chứng nhận GlobalGAP và hữu cơ bền vững.
Sau khi có đề án, tỉnh Bắc Giang đã giao các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với các HTX, hộ sản xuất, nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm, từ đó nhân rộng diện tích vải đạt chuẩn và được cấp chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang đã giao cho cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp với HTX, hộ sản xuất, cơ quan chuyên môn, nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm, từ đó nhân rộng diện tích vải đạt chuẩn và được cấp chứng nhận GlobalGAP, hữu cơ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang, Bắc Giang đang tiến tới số hóa toàn bộ trong quản lý, kiểm soát sản xuất nông nghiệp để thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã tuyên truyền triển khai áp dụng tự động hóa trong nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, hoàn thành việc thả giống và cung cấp vật tư cho 15 hộ nuôi thủy sản các huyện Lạng Giang, Hiệp Hòa, Lục Nam với tổng diện tích 19 ha. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Giang cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện đề án “Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025”.
Riêng năm 2023, ngành nông nghiệp Bắc Giang sẽ chứng nhận và duy trì 4 mô hình nông nghiệp hữu cơ gồm: Mô hình lợn quy mô 1 ha 360 con tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam; mô hình gà quy mô 1 ha 3.000 con tại huyện Yên Thế; mô hình rau quy mô 1 ha tại huyện Việt Yên và mô hình bưởi quy mô 1 ha tại xã Tân Lập, huyện Lục Ngạn.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các mô hình, đề án như: Vải, bưởi, cá, lúa, gà mía lai, ong... theo hướng hữu cơ. Việc xây dựng và nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm hữu cơ đã góp phần tích cực trong phòng ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, tăng cường kết nối cung - cầu thực phẩm an toàn.
Ông Vũ Trí Đồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Bắc Giang cho biết, với những ưu điểm vượt trội, sử dụng phân bón hữu cơ là xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Tuy nhiên, để việc sử dụng phân bón hữu cơ được thực hiện rộng rãi, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân tin tưởng và áp dụng. Đồng thời, khuyến khích người dân tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng các phương pháp ủ truyền thống kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học để nâng cao hiệu quả xử lý phụ phẩm nông nghiệp, rác thải hữu cơ trong sinh hoạt làm phân hữu cơ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Bắc Giang sẽ đào tạo 40 kỹ thuật viên am hiểu kiến thức chuyên sâu về canh tác hữu cơ đồng thời có kỹ năng thực hành tốt hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý mô hình sản xuất hữu cơ; xây dựng 06 mô hình thí điểm về trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang, cụ thể:
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng sẽ xây dựng 3 mô hình trồng trọt gồm: 1 mô hình cam bưởi tại huyện Lục Ngạn hoặc Lạng Giang, quy mô 1ha; 1 mô hình sản xuất rau hữu cơ quy mô 1ha tại huyện Việt Yên; 1 mô hình sản xuất chè hữu cơ, quy mô 1ha tại huyện Yên Thế.
Về chăn nuôi có 3 mô hình gồm: 2 mô hình thịt lợn hữu cơ, quy mô tối thiểu 300 con, dự kiến tại huyện Lục Nam, Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng; 1 mô hình gà thịt hữu cơ, quy mô tối thiểu 3000 con tại huyện Yên Thế.