Kiếm hàng trăm triệu từ ao cá bỏ hoang
Trên diện tích hơn 0,7ha, gia đình bà Võ Thị An tại thôn Thanh Bình, xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đào ao nuôi cá. Sau mấy năm sản xuất, do không đem lại hiệu quả kinh tế, bà An đã bỏ hoang.
Năm 2019, sau một lần tham quan mô hình nuôi ốc bươu đen trong ao tại nhà người quen, bà An nhận thấy đây là mô hình phù hợp nên quyết tâm cải tạo ao nuôi cá thành 3 ao nuôi bèo và 6 ao nuôi ốc, trong đó có 4 ao nuôi ốc thương phẩm và 2 ao nuôi ốc giống.
Bà An cho biết thời gian mới bắt đầu nuôi do chưa nắm vững kỹ thuật, ốc nuôi phát triển chậm, có những thời điểm nổi chết đầy mặt nước, tỉ lệ trứng nở thấp. Không bỏ cuộc, bà An tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm, tìm nguyên nhân và ở những lần thả ốc tiếp theo, tỉ lệ ốc chết giảm hẳn, tốc độ sinh trưởng khá cao, đến nay có thể khẳng định mô hình đã thành công và đem lại thu nhập cao.
Để nuôi ốc bươu đen, bà An đã cải tạo các ao đất với hệ thống xử lý nước, thả bèo, làm dàn trồng mướp, bí, đu đủ… và để cỏ mọc xung quanh ao tạo môi trường thủy sinh cho ốc phát triển và đẻ trứng. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn tận dụng chủ yếu từ rau, củ, quả này nên chi phí để nuôi ốc rất thấp.
“Trồng cam mất 3 năm mới cho quả, đầu tư lớn, công chăm sóc nhiều; nuôi cá cũng phải mất 8 - 9 tháng mới cho thu hoạch, còn nuôi ốc bươu đen chỉ cần 3 tháng là có thể thu hoạch được. Đặc biệt, chi phí đầu tư ban đầu không lớn, công lao động không nhiều, chủ yếu tận dụng thời gian rảnh nên người nuôi dễ có lãi hơn so với các mô hình khác”, bà An cho biết.
Sau gần 5 năm cải tạo ao cá bỏ hoang để nuôi ốc bươu đen, mô hình đã mang về nguồn thu ổn định cho gia đình. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, bà An đã xuất bán gần 3 tấn ốc thương phẩm, với giá bán dao động từ 70 - 80.000 đồng/kg, gia đình bà thu về hơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà còn bán thêm ốc giống và trứng ốc, đem lại nguồn thu đáng kể.
Siêu lợi nhuận nghề "nuôi vàng đen"
Năm 2022, nhận thấy ốc bươu đen là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao, được người dân ưa chuộng nhưng ngày càng khan hiếm ngoài môi trường tự nhiên nên sau khi tham khảo nhiều mô hình trong và ngoài tỉnh, anh Nguyễn Tiến Hoàng tại thôn Thanh Bình đã quyết định đầu tư, cải tạo 6 sào đất trồng lúa kém hiệu quả thành các ao nuôi ốc và đặt mua 1 vạn ốc giống về thả.
Anh Hoàng cho biết, ốc bươu đen dễ nuôi nhưng môi trường nước phải sạch. Quá trình nuôi, để ốc khỏe mạnh, nhanh lớn, cần chú ý cung cấp lượng thức ăn vừa đủ, đều đặn, không cho ăn quá nhiều nhằm hạn chế tình trạng thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Ao nuôi ngoài việc phải được vệ sinh sạch sẽ bằng chế phẩm sinh học cần che mát cho ốc bằng các loại bèo, mực nước phải đảm bảo tùy theo điều kiện thời tiết.
“Chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều thời gian, nhu cầu tiêu thụ cao… là những ưu điểm của mô hình này. Mỗi năm gia đình tôi xuất bán từ 3 - 4 tấn ốc thương phẩm, đem lại nguồn thu hơn 300 triệu đồng, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với trồng lúa”, anh Hoàng chia sẻ.
Theo người dân tại xã Đức Lĩnh, ốc bươu đen được ví như “vàng đen” bởi khi nắm rõ kỹ thuật thì việc nuôi ốc bươu đen không quá khó, loài này dễ chăm sóc, lại có thời gian thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận cao. Nguồn thức ăn cũng là những thứ có sẵn trong vườn như lá sắn, xơ mít, các loại rau - củ - quả... Mỗi ngày chỉ cần cho ốc ăn 1 lần, lượng thức ăn được điều chỉnh theo khả năng ăn của ốc.
"Trước nay gia đình tôi trồng cam, nuôi cá nhưng thu nhập không đáng kể do tốn công chăm sóc mà chi phí đầu tư lại cao, nhưng với 4 sào ao nuôi ốc bươu đen, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng", ông Nguyễn Quang Tâm tại thôn Thanh Bình cho hay.
Từ hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen do bà An, anh Hoàng đầu tư, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Đức Lĩnh đã đến học hỏi kinh nghiệm và từng bước nhân rộng. Đến nay, xã Đức Lĩnh đã có 55 mô hình nuôi ốc bươu đen với tổng diện tích hơn 5ha mặt nước. Không chỉ giúp bà con nâng cao thu nhập, mô hình nuôi ốc bươu đen còn giúp địa phương đảm bảo tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đức Lĩnh cho biết, mặc dù là mô hình mới trên địa bàn xã nhưng bước đầu mô hình nuôi ốc bươu đen đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho các gia đình, góp phần mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương, đa dạng hóa cơ cấu vật nuôi...
"Chúng tôi đang khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển thêm các mô hình nuôi ốc bươu đen, đặc biệt là vận động bà con tham gia vào tổ hợp tác để tạo nguồn ốc bươu đen đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn nói.