| Hotline: 0983.970.780

Nuôi thủy sản trên ruộng lúa, thu nhập tăng 3 - 5 lần

Thứ Tư 29/05/2024 , 12:15 (GMT+7)

HÀ TĨNH Những diện tích lúa ở vùng trũng thấp được nhiều nông dân Hà Tĩnh chuyển sang nuôi thủy sản, mang lại thu nhập gấp 3 - 5 lần so với chỉ trồng lúa trước đây.

Việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi và hình thức nuôi thủy sản nước ngọt đã mang lại hiệu quả thiết thực về mặt kinh tế cho người dân, duy trì tính ổn định của vùng nuôi, hạn chế những rủi ro do dịch bệnh...

Thu nhập tăng 4 - 5 lần

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Những năm qua, nhiều hộ dân tại địa phương này đã mạnh nuôi các đối tượng thủy sản mới có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa đối tượng nuôi, khai thác tối đa diện tích mặt nước. 

Từ những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả do địa hình sâu trũng, dễ bị ngập lụt, ông Võ Văn Thái ở thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã cải tạo thành ao để nuôi cá trắm, cá chép. Tuy nhiên sau 1 năm nuôi thử nghiệm, kết quả mang lại không như mong đợi.

Từ ruộng lúa trũng thấp kém hiệu quả, ông Võ Văn Thái ở thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển sang nuôi cua đồng cho thu nhập cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Từ ruộng lúa trũng thấp kém hiệu quả, ông Võ Văn Thái ở thôn Tiến Thắng, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển sang nuôi cua đồng cho thu nhập cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Qua tìm hiểu, ông Thái nhận thấy cua đồng phù hợp với đất ruộng và có đầu ra ổn định nên đã mua hơn 3 tạ giống về thả nuôi. Qua gần 3 tháng thả nuôi, đến nay cua đồng sinh trưởng, phát triển tốt với tỷ lệ sống cao. Dự kiến 1 tháng nữa, lứa cua đầu tiên sẽ cho thu hoạch, trọng lượng dự kiến đạt 50 con/kg. Với giá bán hiện tại từ 110 - 120 nghìn đồng/kg, mô hình nuôi cua đồng hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao và mở ra hướng làm giàu bền vững cho bà con nông dân.

Trên diện tích rộng hơn 1,5ha, anh Đặng Thế Luận ở thôn Đông Trung (xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) nuôi cá rô đầu vuông kết hợp trồng lúa hữu cơ. Vụ đầu tiên thu hoạch, gia đình thu gần 200 triệu đồng, gấp 3 - 4 lần so với chỉ trồng lúa trước đây.

Nhận thấy cá lóc có đầu ra ổn định hơn nên vụ tiếp theo, anh Luận tiến hành thả 2 vạn cá lóc giống với kích cỡ 300 con/kg. Đến nay, cá được 3 tuần, tỷ lệ sống 100%, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Vụ hè thu sắp tới cá sẽ được thả bung ra ruộng lúa để ăn thức ăn tự nhiên trên đồng ruộng.

Anh Luận cho biết: “Mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa mang lại hiệu quả kép do cá và lúa có quan hệ cộng sinh. Cá ăn sâu nên lúa ít bị sâu hại, cá sục bùn cũng giúp diệt cỏ dại trong ruộng lúa. Các chất thải của cá có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn của ruộng, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi, giảm lượng phân bón, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ và công làm đất...”.

Anh Lê Văn Lộc ở thôn 1 xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) chuyển ruộng lúa thành ao nuôi ốc bươu đen cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Lê Văn Lộc ở thôn 1 xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) chuyển ruộng lúa thành ao nuôi ốc bươu đen cho thu nhập 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Sau nhiều năm trăn trở tìm hướng phát triển sản xuất trên đồng lúa kém hiệu quả, năm 2020, anh Lê Văn Lộc ở thôn 1 xã Cẩm Thạch (huyện Cẩm Xuyên) đã quyết định chọn ốc bươu đen làm đối tượng nuôi mới. Anh Lộc đã cải tạo ruộng lúa thành ao nuôi và quyết định mua hơn 2 vạn ốc giống về nuôi thử nghiệm trên diện tích 500m2.

Anh Lộc chia sẻ: “Qua vụ nuôi đầu tiên tôi thấy ốc bươu đen phát triển nhanh, có sức đề kháng tốt, phù hợp với đồng ruộng tại địa phương nên vụ nuôi thứ hai tôi tiếp tục mở rộng diện tích lên 2.000m2, chia thành 4 ao. Để chủ động con giống và giảm bớt chi phí, tôi đã dành riêng 1 ao 500m2 để nuôi ốc sinh sản và ương giống”.

Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi nên đến nay, anh Lộc đã sở hữu trang trại vừa nuôi thương phẩm vừa sản xuất ốc giống. Bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường gần 10 tấn ốc thương phẩm và 10 - 15 vạn ốc giống, mang lại nguồn thu hơn 200 triệu đồng.

Với diện tích 0,3ha ao đầm, những năm trước anh Lê Công Tuấn ở thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch chủ yếu nuôi cá truyền thống nhưng không hiệu quả, đầu ra bấp bênh. Sau một thời gian tìm hiểu, được biết giống tôm càng xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã được người dân ở nhiều tỉnh nuôi thành công nên anh Tuấn đã mạnh dạn nuôi thử nghiệm.

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Lê Công Tuấn (thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) cho thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Ảnh: AN.

Mô hình nuôi tôm càng xanh của anh Lê Công Tuấn (thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) cho thu nhập 200 - 250 triệu đồng/năm. Ảnh: AN.

Theo đó, năm 2021, anh quyết tâm nuôi thử tôm càng xanh trên diện tích 1.000m2. Ao nuôi thử nghiệm đầu tiên tôm phát triển nhanh, tỷ lệ sống cao, ít dịch bệnh xảy ra. Tôm đến kỳ thu hoạch được thương lái đến tận nơi đặt hàng. Bước sang năm 2023, anh Tuấn chuyển đổi toàn bộ diện tích 0,3ha để nuôi tôm càng xanh. Mỗi năm anh thả nuôi 2 - 3 vạn tôm giống, sau hơn 5 - 6 tháng nuôi tỷ lệ sống đạt 60 - 65%, kích cỡ tôm thương phẩm 20 - 25 con/kg, anh thu về hơn 600 - 700kg. Với giá bán tôm càng xanh thương phẩm giao động 300 - 350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh Tuấn thu về lợi nhuận 200 - 250 triệu đồng/năm.

"So với nuôi cá truyền thống trước đây, nuôi tôm càng xanh mạng lại hiệu quả gấp 4 - 5 lần. Kỹ thuật nuôi tôm càng xanh không quá khó, ít tốn công chăm sóc, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên để giảm bớt chi phí. Tuy nhiên để nuôi được loại tôm này cần có nguồn nước sạch, chủ động để thay thường xuyên giúp tôm lột xác thuận lợi và nhanh lớn; ao nuôi cần đầu tư 1 - 2 quạt nước nhằm tạo oxy để tôm phát triển tốt", anh Lê Công Tuấn ở thôn Xuân Lâu, xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên chia sẻ.

Bỏ lợn nuôi ếch

Nhận thấy chăn nuôi lợn ngày càng khó khăn do giá cả thức ăn, con giống cao, dịch bệnh ngày càng phức tạp, hơn nữa chăn nuôi nông hộ khó tránh khỏi ảnh hưởng tới môi trường xung quanh nên anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) quyết định chuyển đổi đối tượng chăn nuôi.

Sau khi tìm hiểu thông tin trên các trang mạng xã hội, anh Hiếu cất công vào miền Nam học hỏi kinh nghiệm nuôi ếch. Đầu năm 2021, anh cải tạo toàn bộ ô chuồng trước đây chăn nuôi lợn, đầu tư thêm các hệ thống ống cấp thoát, lọc nước để nuôi ếch Thái Lan. Sau vài vụ đầu thắng lợi, anh Hiếu đã mở rộng quy mô từ 5 bể nuôi lên 8 bể, diện tích mỗi bể 8m2 và thả nuôi hơn 6.000 con ếch giống.

Chuồng lợn được anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) cải tạo chuyển sang nuôi ếch cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chuồng lợn được anh Ngô Văn Hiếu ở thôn Na Trung (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên) cải tạo chuyển sang nuôi ếch cho thu nhập cao và ổn định. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Để giảm bớt chi phí mua con giống, anh Hiếu cho ếch đẻ và ương giống thành công. Theo tính toán của anh Hiếu, cứ sau 3 tháng nuôi ếch đạt trọng lượng 200 - 250gam/con là có thể thu hoạch. Với cách nuôi gối vụ, mỗi năm anh Hiếu xuất bán hơn 2 tấn ếch thương phẩm với giá giao động 60.000 - 70.000đồng/kg. Ngoài ra anh còn cung ứng cho thị trường trên 4.000 con ếch giống/năm với giá 2.500 đồng/con. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi từ 250 - 300 triệu đồng/năm.

Việc xây dựng thành công các mô hình nuôi trồng thủy sản, nhất là mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi mới không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp các địa phương củng cố vững chắc tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn trên hành trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Phan Thanh Nghi, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: Việc đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng thủy sản đang là hướng phát triển kinh tế mới giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, người nuôi cần lưu ý phải nuôi đúng thời điểm, mùa vụ, nuôi đúng yêu cầu kỹ thuật từ khâu chọn giống, phòng trị bệnh và chăm sóc.

Đồng thời, người nuôi cần nắm được đặc điểm sinh học của các đối tượng nuôi, điều kiện tự nhiên của từng vùng, tránh ảnh hưởng đến năng suất. Từ những kết quả bước đầu đạt được, hiện nay, cùng với việc tiếp tục hỗ trợ người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, huyện Cẩm Xuyên đang có kế hoạch tổ chức đánh giá thực tế để nhân rộng các mô hình nuôi thủy sản mới trong thời gian tới.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Vụ đông gánh vụ mùa

Hải Dương Sau bão số 3, những tưởng sản xuất vụ đông sẽ gặp nhiều chật vật, song thực tế lại rất thuận lợi. Nông dân Hải Dương đang có một vụ đông được mùa, trúng giá.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.