| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ốc nhồi trên ruộng trũng, thu nhập gấp 10 lần trồng lúa

Thứ Ba 29/10/2024 , 09:11 (GMT+7)

HƯNG YÊN Từ những chân ruộng trũng năng suất lúa bấp bênh, sau chuyển đổi sang nuôi ốc nhồi, anh Thái đã có thu nhập tăng cao gấp 10 lần

Anh Đặng Văn Thái ở xã Việt Hưng, Văn Lâm (Hưng Yên) từng tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản, được nước bạn đặc cách nhận vào làm trong một doanh nghiệp ở bên đó, nhưng chưa được 1 năm thì xảy ra dịch Covid - 19 trên toàn cầu nên phải tạm về Việt Nam tránh dịch. Không ngờ khi quay lại, công ty phải nhận người khác vào thế chỗ. Một lần nữa anh lại trở về quê hương.

Anh Thái (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi cho thanh niên địa phương. Ảnh: Hải Tiến.

Anh Thái (thứ 2 từ phải sang) chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi cho thanh niên địa phương. Ảnh: Hải Tiến.

Trong cái khó vẫn có cái may

Khi đó (năm 2021) ở nước ta cũng rất khó kiếm việc làm vì các doanh nghiệp chưa thể phục hồi sản xuất như trước đại dịch. Tuy nhiên giữa cái khó vẫn có cái may, trong một lần giao lưu trên mạng, anh Thái thấy một số mô hình nuôi ốc nhồi ở Hải Dương cho hiệu quả sản xuất rất cao, anh liền tìm đến tận nơi học hỏi cách làm, rồi về nhà mạnh dạn xin chính quyền địa phương cho thầu lại gần 3.000m2 đất lúa úng trũng để chuyển đổi sang nuôi ốc nhồi theo hướng hữu cơ sinh thái, không dùng thuốc kháng sinh, không chăn nuôi bằng thức ăn công nghiệp.

Kết quả, ngay trong năm đầu (2022) xuống giống, anh Thái đã thu được trên 300 triệu đồng, tương ứng thu nhập đạt 40 triệu đồng/sào 360m2, hiệu quả sản xuất cao gấp 10 lần thâm canh lúa. Theo anh Thái, so với canh tác lúa, kỹ thuật nuôi ốc nhồi đơn giản hơn, không phải dùng hoá chất bảo vệ thực vật, không áp lực thời vụ, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm làm ra dễ bán được giá cao.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi ốc nhồi, anh Thái bật mí: Miền Bắc nước ta có mùa đông lạnh nên mỗi năm chỉ nuôi ốc nhồi được 9 tháng, thả giống vào 2 thời vụ (tháng 4 và 6 dương lịch). Nếu môi trường nước ao nuôi tốt, cho ăn dinh dưỡng cân đối và đầy đủ, sau xuống giống 3,5 - 4 tháng sẽ được thu hoạch, năng suất đạt hơn 600kg/sào, trọng lượng đạt 30 - 35 con/kg.

Ao nuôi ốc nhồi không yêu cầu nhiều chỉ tiêu kỹ thuật như nuôi cá và các loài thủy sản khác, không nhất thiết phải có ao hồ mặt nước rộng, chỉ vài chục mét vuông kênh, trục là có thể nuôi được bởi các loại ốc nói chung không cần hàm lượng oxy cao.

Con giống ốc nhồi cái cho sinh sản. Ảnh: Hải Tiến. 

Con giống ốc nhồi cái cho sinh sản. Ảnh: Hải Tiến. 

Trước khi thả nuôi phải rút kiệt nước, vét bớt lớp bùn mặt, rải vôi bột diệt khuẩn (7 - 8kg/100m2), phơi khô đáy ao 3 - 4 ngày, đưa nước ngập sâu 50cm rồi xuống giống, mật độ thả 80 -100 con/m2, cỡ giống 0,3 - 0,5g/con. Khi ốc lớn bằng đầu ngón tay cái, nâng mực nước ao lên chừng 80cm và duy trì mức nước này tới khi thu hoạch ốc.

Lưu ý, nếu không có nước sông đưa vào ao nuôi, có thể dùng nước giếng ngầm nhưng phải bơm lên bể hoặc ao trữ 3 - 5 ngày, phơi cho lắng đọng các ion kim loại trong nước mới được đưa vào ao, vì nước giếng khoan thường có các ion sắt, nhôm di động, gây mỏng vỏ, mòn đít, chết ốc.

Thức ăn cho ốc nhồi gồm rong, rêu, bèo tấm, bèo cái, lục bình, dọc mùng, lá sắn, rau muống, rau khoai lang và các loại củ quả, bầu, bí, mướp, đủ đủ... Trong đó không được thiếu bèo tấm vì ốc nhồi ăn bèo tấm suốt ngày, bèo tấm còn đáp ứng được 30% nhu cầu protein hàng ngày của ốc.

Bèo tây cũng rất cần, giúp làm trong nước, mát ao, lọc khuẩn và tạo chỗ cho ốc đeo bám, nhưng chỉ nên thả khoảng 1/3 diện tích mặt ao, nếu nhiều hơn rễ bèo Tây già rụng xuống làm thối nước, chết ốc. Các loại rau, củ, quả cho ốc ăn cũng phải tươi mới, không có tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật. Khối lượng thức ăn cho ốc bằng 6 - 2% khối lượng ốc nuôi (tháng đầu tiên cho ăn nhiều, sau giảm dần, thấp nhất vào tháng cuối cùng trước thu hoạch).

Phải cho ốc ăn cố định vào 6 - 7h và 17 - 18h hàng ngày, lượng thức ăn buổi chiều chiếm 70% khẩu phần ăn/ngày của ốc. Ngoài ra, ở thời kỳ ốc nhỏ dưới 2 tháng tuổi nên bổ sung cho ốc ăn thêm cám cá, liều lượng 1% khối lượng ốc nuôi.

Trồng thêm cây khoai nước quanh ao nuôi nhằm tạo chỗ cho ốc đẻ. Ảnh: Hải Tiến. 

Trồng thêm cây khoai nước quanh ao nuôi nhằm tạo chỗ cho ốc đẻ. Ảnh: Hải Tiến. 

Thời tiết mưa, nóng đều có thể gây hại tới ốc nhồi, nhiệt độ thấp dưới 10 độ C hoặc cao trên 40 độ C ốc sẽ chết, vì vậy phải làm mái lưới đen trên ao để giảm thiểu mưa, nắng cho ốc dưới ao. Tốt nhất nên thả cây lá trang kết hợp với trồng củ ấu, vừa có tác dụng che mát, làm thức ăn cho ốc, vừa được thu hoạch củ ấu, tăng thu nhập.

Để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, anh Thái còn tự sản xuất được con giống nuôi thương phẩm. Trong đó chú ý nhất phải chọn được ốc giống bố mẹ khoẻ mạnh, sạch bệnh, không mòn vỏ, trẻ về tuổi sinh lý, lấy từ lứa ốc nuôi thả tháng 6 hàng năm và phải trồng một số cây khoai nước quanh bờ ao, tạo thuận lợi cho ốc bò lên đẻ (từ đầu tháng 4 - 9 năm sau). Việc thu gom trứng đưa vào lò ấp phải tiến hành ngay sau khi ốc đẻ 30 - 60 phút, lò ấp trứng cần để nơi thoáng mát, đảm bảo độ ẩm phù hợp cho trứng trong quá trình ấp...

Ốc nhồi ngậm sữa hấp sả, món ăn "độc, lạ"

Hiện trên thị trường đang lưu thông chủ yếu 2 loại, ốc nhồi và ốc bươu vàng có hình dạng gần giống nhau, nhưng ốc bươu vàng rẻ hơn ốc nhồi. Để phân biệt, người tiêu dùng cần chọn những con ốc nhồi có vỏ mỏng nhẵn, màu xanh vàng hoặc nâu đen, miệng hơi khum, màu trắng ngà, lưỡi phẳng, đít nhô cao, thịt giòn dai, nhiều nhớt, thơm ngon, ăn được cả ruột (ốc bươu vàng vỏ dày, thô ráp, có đường vằn ngang, miệng hơi loe, đít vỏ không nhô cao, thịt ốc màu cam hoặc màu hồng, không ăn được ruột, chất lượng thịt kém ngon).

Ốc nhồi bảo quản qua đông hay còn gọi ốc 'gác bếp' để bán dần ra thị trường. Ảnh: Hải Tiến. 

Ốc nhồi bảo quản qua đông hay còn gọi ốc "gác bếp" để bán dần ra thị trường. Ảnh: Hải Tiến. 

Có nhiều cách chế biến ốc nhồi, thông dụng nhất vẫn là ốc nhồi hấp sả. Ngoài ra còn làm chả ốc, ốc om chuối, đậu; ốc nhồi nướng, chiên dầu hoặc xào măng tươi. Đặc biệt là món ngon "độc lạ" - ốc nhồi ngậm sữa hấp sả.

Cách làm: Chọn ốc nhồi đang ngủ đông, còn gọi ốc "gác bếp", cho ngâm với sữa nước không đường khoảng 30 phút, vớt ra, rửa sạch, hấp với sả, gừng, dùng trong các bữa tiệc rượu, bia, ít món ngon nào sánh bằng.

Anh Thái cho biết, cách làm này dựa trên khả năng của ốc nhồi sống được trên cạn rất lâu mà không cần uống nước. Theo đó, người chăn nuôi thường bảo quản ốc qua mùa đông ở nơi khô ráo, thoáng mát để bán dần ra thị trường. Khi mua về, người ăn chỉ việc đổ 1 lớp sữa nước không đường vào chậu rồi rải úp miệng các con ốc nhồi xuống. Do sống khô hạn lâu ngày, ốc hút nước sữa và chuyển hoá thành nguồn dinh dưỡng có giá trị rất nhanh, giúp chất lượng thịt ốc ngon hơn rất đáng kể.

Để phòng bệnh cho ốc nhồi, cần bổ sung nước mới cho ao nuôi định kỳ 15 ngày/lần, không để nước thải sinh hoạt, nước từ các trại chăn nuôi gia súc và nước thải từ các khu công nghiêp chảy vào ao, đảm bảo nước ao luôn ở ngưỡng pH = 7,5 - 8,5.

Không được để dư thừa thức ăn nuôi ốc, khi phát hiện ốc bị bệnh, dùng 40 lít nước vôi trong tưới đều/360m2 ao hoặc thả 2 túi muối ăn loại hạt to (500g/túi) xuống ao giúp diệt khuẩn và tăng sức đề kháng cho ốc.

Xem thêm
Nuôi gà dưới tán trà hoa vàng

QUẢNG NINH Ở huyện Ba Chẽ, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp, trong đó mô hình nuôi gà dưới tán trà hoa vàng hiện đang phát huy hiệu quả.

Ông Chun tự tin nuôi gia súc hàng hóa nhờ đầy đủ vacxin

Sở hữu đàn gia súc lớn mang lại cho ông Moong Văn Chun hàng trăm triệu đồng mỗi năm, để bảo vệ đàn vật nuôi, ông Chun luôn đề cao, tuân thủ lịch tiêm vacxin.

Tiền Giang không bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu dừa tươi

Các doanh nghiệp ngành dừa tỉnh Tiền Giang đã sẵn sàng các điều kiện để tăng cường xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc.

Ứng dụng công nghệ quảng bá mai vàng

TP.HCM Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM áp dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mai, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa mai đến người chơi khắp cả nước.

Bình luận mới nhất