Hiểm họa từ hàng xóm
Chiều tối 10/7/2017, gia đình ông Moong Phò Uông, trú tại bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tá hỏa khi cô con gái Moong Thị Xuyến (18 tuổi), bỗng dưng biến mất.
Gia đình nạn nhân cho biết, Xuyến là cô gái ngoan ngoãn, chưa từng giao du với các đối tượng xấu. Sáng sớm ngày xảy ra sự việc, Xuyến lên nương làm rẫy cùng với một người bạn cùng bản là Moong Thị Hoa Mà (18 tuổi). Thời điểm trên, Mà cũng không có mặt ở bản. Nghi ngờ Xuyến rơi vào tay bọn buôn bán người, ngày 12/7, ông Uông đã làm đơn trình báo Công an huyện Kỳ Sơn.
Trong lúc cơ quan chức năng đang tập trung tìm kiếm manh mối thì bất ngờ gia đình nhận được điện thoại kêu cứu từ Xuyến cho biết đang ở TP Móng Cái (Quảng Ninh) và có thể sẽ bị đưa sang Trung Quốc.
Ngay lập tức Công an huyện Kỳ Sơn cử một tổ công tác tức tốc ra Quảng Ninh phối hợp với Công an TP Móng Cái giải cứu nạn nhân. Đến khoảng 17h ngày 13/7, các đơn vị nghiệp vụ đã giải cứu thành công Xuyến, đưa về đoàn tụ cùng gia đình.
PC45 giải cứu 3 cháu bé bị lừa đi làm gái mại dâm |
Bước đầu, được biết quá trình đi làm rẫy, Xuyến được Mà rủ đi làm việc tại Sài Gòn. Mà thuê xe ôm ra thị trấn Mường Xén, bắt xe xuống TP Vinh. Sau khi ra đến Quảng Ninh, Mà lộ rõ bộ mặt thật, ép Xuyến vượt biên sang bên kia biên giới.
Cũng trong tháng 7/2017, Công an tỉnh Nghệ An giải cứu thành công và đưa về nhà 3 sơn nữ, là những nạn nhân trong đường dây mua bán người nhưng may mắn được giải cứu kịp thời về cho gia đình.
Trước đó, vào khoảng giữa tháng 6/2017, đối tượng Lương Thị Hiềm (29 tuổi), trú tại xã Xiêng My, huyện Tương Dương, sau một thời gian đi làm ăn xa đã bất ngờ trở về địa phương và rủ rê các bé gái đi làm công ăn lương tại Hà Nội. Bằng cách vẽ ra những viễn cảnh phồn hoa, Hiềm đã khiến các thiếu nữ mới lớn choáng ngợp, đồng ý đi làm “cave” để nhận lương 30 triệu đồng/tháng, dù chẳng biết làm “cave” là làm những trò gì.
Ngày 9/7/2017, khi thấy “cá đã cắn câu”, Hiềm đưa 3 cháu Vi Thị Lành (15 tuổi), Vi Thị Tính (14 tuổi) và Vi Thị Ngọc (15 tuổi), cùng trú tại xã Xiêng My, đón xe khách ra Hà Nội. Tuy nhiên, khi vừa đến địa phận huyện Nam Đàn (Nghệ An) thì bị lực lượng CSHS phối hợp với Tổ tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Đội CSGT 1/46, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Nghệ An phát hiện, giải cứu. Riêng đối tượng Hiềm đã nhanh chân bỏ trốn ngay sau đó.
Moong Thị Xuyến và 3 sơn nữ nói trên chỉ là những nạn nhân hi hữu được giải cứu kịp thời khi rơi vào các đường dây mua người ở miền Tây xứ Nghệ. Phần lớn, các bé gái sau khi bị lừa bán đã không còn đường về. Một số rất ít sau nhiều năm tìm cách đào thoát được, trở về đã làm đơn tố cáo, vạch trần bộ mặt của những kẻ buôn người. Thủ phạm thường là những người thân quen, cùng bản làng, thậm chí là cùng họ hàng thân thiết với nhau.
Điều đáng nói, từ thân phận nạn nhân không ít phụ nữ sau đó lại trở thành thủ phạm của những vụ mua bán người.
Có thể kể đến trường hợp của Moong Thị May Khăm (28 tuổi), trú bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), đối tượng vừa bị Công an huyện Kỳ Sơn ra quyết định khởi tố về hành vi mua bán người vào cuối tháng 3/2017.
Đối tượng Moong Thị May Khăm |
Năm 2012, Khăm là nạn nhân của một vụ mua bán người, bị gả bán và ép làm vợ của một người đàn ông Trung Quốc.
Tại đây, Khăm nhận thấy nhu cầu kiếm vợ của đàn ông Trung Quốc rất lớn nên đã tìm cách móc nối với một số phụ nữ Việt Nam đang lấy chồng tại đây để tìm mối tiêu thụ “hàng”. Sau khi móc nối thành công, Khăm về Việt Nam, rủ rê các cô gái nhẹ dạ, mỗi chuyến “hàng người” trót lọt, Khăm đều đưa cho nạn nhân 40 triệu đồng, trả cho gia đình nạn nhân 80 triệu đồng, số còn lại (khoảng 80 - 120 triệu đồng), Khăm giữ lại.
Với thủ đoạn đó, tháng 8/2013 đến nay, Khăm thực hiện liên tục 4 vụ mua bán người sang Trung Quốc. Tháng 3/2017, Khăm lừa bán Moong Thị Ly (SN 1996), trú tại bản Huồi Thum, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) để lấy số tiền 4 vạn nhân dân tệ.
Tháng 7/2014, Khăm bán Moong Thị Tích (SN 1990), trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) với số tiền 6,5 vạn nhân dân tệ. Tiếp đó, Khăm lừa bán Moong Thị Giang và Moong Thị Hiền để nhận về số tiền 9,5 vạn nhân dân tệ.
Thượng tá Hoàng Ngọc Mạnh, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ đội Biên phòng Nghệ An thông tin thêm, mỗi vụ mua bán người trót lọt, các đối tượng nhận được khoản tiền lên đến khoảng 300 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả các khoản chi phí. Đây là một món hời lớn khiến nhiều đối tượng nhắm mắt dấn thân vào con đường phạm tội. |
Đầu năm 2017, sau khi đào thoát về nhà, Moong Thị Ly làm đơn tố cáo Khăm đến cơ quan công an. Lúc này, đối tượng đã bỏ chồng người Trung Quốc, đang về sinh sống tại địa phương nên đã bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra về hành vi mua bán người.
Mẹ chồng bán cả con dâu
Theo số liệu thống kê, từ ngày 15/11/2015 đến 15/7/2017, các lực lượng chức năng tại Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 19 vụ, 31 đối tượng phạm tội mua bán người. Trong đó, đã đấu tranh, bắt giữ 5 vụ, 15 đối tượng mua bán trẻ em; tổ chức lực lượng giải cứu và hỗ trợ kinh phí đưa về địa phương phương 27 nạn nhân, giúp đỡ ổn định cuộc sống.
Cá biệt, tại huyện Con Cuông, đã từng xảy ra trường hợp mẹ chồng bán cả con dâu qua bên kia biên giới vì tiền.
Trong năm 2016, TAND các cấp trên địa bàn cũng đã tiến hành thụ lý, xét xử 21 vụ, 45 bị can. Trong đó, xử phạt từ 27 bị cáo từ 3 đến 7 năm tù, 8 bị cáo khác bị tuyên phạt với mức từ 7 đến 15 năm tù về tội mua bán người.
Tuy nhiên, những con số đó chỉ mới là phần nổi của tảng băng trôi, bởi thực tế tại các huyện miền núi, biên giới như Tương Dương, Kỳ Sơn và Quế Phong, theo thống kê của Công an tỉnh Nghệ An, hiện nay có rất nhiều trường hợp là phụ nữ và các bé gái “mất tích” khỏi địa phương. Thậm chí tính đến thời điểm này, có trên 4.000 lao động không có mặt tại địa phương, phần lớn sang Trung Quốc làm ăn và 10% trong số này kết hôn “chui” với người Trung Quốc.
Các đối tượng buôn người bị pháp luật trừng trị đích đáng |
Thiếu tá Lô Văn Thao, Phó trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, các đối tượng thường tiếp cận nạn nhân để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, nhận thức cũng như hiểu biết về pháp luật, mức độ hiểu biết xã hội của nạn nhân. Từ đó chúng làm quen và nghiên cứu các phương thức lừa gạt. Một số đối tượng nhận con nuôi của người thân trong dòng tộc hoặc anh em gần bên nội, bên ngoại, đưa về nuôi dưỡng một thời gian, sau đó lừa gạt bán sang nước ngoài.
Ngoài ra, một số phụ nữ người đồng bào tộc các loại trên địa bàn do mẫu thuẫn cuộc sống vợ chồng, suy nghĩ nông cạn nên dễ trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người.
Chỉ tính riêng tại huyện Kỳ Sơn, tính từ năm 2016 đến ngày 20/9/2017 đã xảy ra 8 vụ, 15 đối tượng tham gia mua bán người, mua bán trẻ em. Công an huyện phối hợp các ngành liên quan cấp tỉnh và huyện giải cứu 12 nạn nhân; khởi tố 6 vụ, 11 đối tượng về hành vi “Mua bán người; mua bán trẻ em". |