Câu chuyện đau lòng này xảy ra tại xã Bảo Nam, một xã đa phần là đồng bào Khơ Mú, cách thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) gần 30 km.
Tuổi đời mới 13-14
Bản Lưu Tân (xã Bảo Nam) còn khá cách biệt với thế giới bên ngoài! Những ngôi nhà thưa thớt ở bản Lưu Tân dần hiện lên, lọt thỏm giữa 4 bề núi rừng. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống thung lũng, những ngôi nhà ở bản Lưu Tân chủ yếu lợp bằng tranh tro. Thi thoảng chúng tôi lại gặp một vài thanh niên mặt mày nhem nhuốc khói than, quần áo lếch thếch. Bên cầu thang những ngôi nhà sàn, phụ nữ, trẻ con trong bản ngồi không, mắt nhìn xa xăm về phía núi rừng.
Bản Lưu Tân nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng, gần như cách biệt với thế giới bên ngoài |
Hình ảnh có sức hút nhất đối với chúng tôi là lũ trẻ con trong bản. Thấy chúng tôi đưa máy chụp, lũ trẻ sợ sệt nép sau cột gỗ nhà sàn. Hỏi ra mới biết, chúng đa phần là con của những phụ nữ đã bỏ nhà sang Trung Quốc từ lâu không về.
Ông Chích Phò Thiêm, bố của Chích Mẹ Sơn, người đã bỏ nhà sang Trung Quốc cách đây 2 năm nhớ lại: Năm 2015, Sơn đem cả 3 người con về nói là gửi ở ông bà ngoại ít bữa nhưng nhiều ngày sau cũng không thấy đến đón con. Hỏi chồng hắn cũng không biết. Gần 1 năm sau thì hắn gọi điện về nói là giờ đang ở Trung Quốc. Sau này thi thoảng hắn có gọi về nhưng những cuộc gọi ngắt quãng, không biết cụ thể ở đâu, không nói khi nào về và cũng chưa bao giờ gửi tiền về nuôi 3 đứa con, trong đó có 1 đứa tàn tật.
Nhà ông Thiêm còn có Chích Mẹ Nam, sinh năm 1988 cũng bỏ lại 2 đứa con, bỏ chồng đi Trung Quốc đã được 1 năm nay. Nam thi thoảng cũng gọi điện về nhưng chỉ biết là đang ở Trung Quốc chứ không biết cụ thể ở đâu. Hai vợ chồng ông Thiêm tuổi đã già, ngày ngày còng lưng làm lúa rẫy nuôi 5 đứa cháu ăn học. “Nhưng ta lo nhất là Chích Thị Là, sinh năm 1995. Năm 2014, hắn bỏ nhà đi, không ai biết đi đâu. Mấy năm nay, gia đình ta không nhận được tin tức gì. Nghe dân bản nói là Là đi theo Lương Văn D., bản Đình Sơn 1, xã Hữu Kiệm (?). Nhà ta đã báo lên xã rồi nhưng xã cũng chưa tìm được con”, ông Thiêm lo lắng.
3 đứa con gái bỏ đi Trung Quốc, ông Thiêm phải nuôi 5 đứa cháu |
Ông Cụt Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ bản Lưu Tân, cũng có 1 người em gái đang ở Trung Quốc. Ông Tuấn tìm lại nhật ký cuộc gọi từ số máy lạ (+8615127044414) và khẳng định, đây là số điện thoại em gái của ông gọi về từ Trung Quốc. Con đường đến với đất nước Trung Quốc của em gái ông Tuấn cũng hết sức bí ẩn. “Hắn bỏ học sớm, làm quán bún phở ở thị trấn Mường Xén được 5 tháng thì về xin tiền đi làm chứng minh thư nhân dân. Từ đó, hắn đi rồi không trở về nữa. Mấy tháng nay, gia đình ta nhận được 3 cuộc điện thoại từ cùng 1 số máy, mỗi cuộc chỉ nói vội vàng được 1-2 phút. Ta bấm máy gọi lại thì không liên lạc được”.
Bản Lưu Tân có 72 hộ thì có tới 42 hộ nghèo, số còn lại là hộ cận nghèo. Dân bản sống bằng canh tác lúa rẫy, không có lúa nước, rừng chưa được giao và ở nơi gần như cách biệt với thế giới bên ngoài, họ cũng chẳng có việc gì để làm ngoài việc chặt củi, đốt cây rừng lấy than đem ra ngoài bán.
Theo thống kê, bản có khoảng 20 người ra khỏi địa bàn làm ăn, chủ yếu là làm thợ xây nhà, đào vàng ở Quảng Nam. Theo ông Cụt Văn Tuấn, Bí thư Chi bộ bản Lưu Tân thì đến nay đã xác định được 5 cô gái của bản lấy chồng sang Trung Quốc.
Bí thư Chi bộ bản Lưu Tân Cụt Văn Tuấn: Em gái chỉ gọi điện về có 3 lần |
Điều đáng nói, họ bỏ nhà ra đi khi tuổi đời mới 13-14 tuổi. Họ bỗng nhiên biến mất khỏi địa phương, ngay cả gia đình cũng không hề hay biết. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại bản Lưu Tân, số phụ nữ bỏ nhà sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp không chỉ dừng lại ở con số mà Bí thư Chi bộ cung cấp.
Hầu hết sang Trung Quốc
“Năm nào xã cũng có 10-15 cháu học sinh THCS bỏ học, một phần là bỏ học đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, một phần bỏ học lấy chồng. Không ít trường hợp bị lừa sang Trung Quốc. Các cháu đi được một thời gian mới gọi điện về thông báo là ở Trung Quốc. Có người đi vài ba năm thì trở về, có người biệt tăm, biệt tích mấy năm…”, ông Ven Văn Khút, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam cho biết.
Theo thống kê của UBND xã Bảo Nam, đến thời điểm đầu tháng 9/2017, có 116 người vắng mặt tại địa phương. Trong đó có 91 người hiện đang ở Trung Quốc. Điều đáng nói, 100% trong số này đều sang Trung Quốc bằng con đường bất hợp pháp. “Họ nói là đi lao động trong nước nhưng một thời gian sau gọi điện về cho gia đình thông báo đang làm ăn ở Trung Quốc. Đa phần họ không có tiền gửi về cho gia đình. Điều mà xã lo nhất là có tới 77 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện đang ở Trung Quốc. Có một số người chỉ liên lạc về nhà 1-2 lần sau đó biệt tăm. Cũng không thể khẳng định là buôn bán người nhưng chắc chắn là đi lao động trái phép. Chúng tôi lo lắng những điều không lành sẽ đến với người dân Bảo Nam”, ông Vi Văn Dương, cán bộ tư pháp xã Bảo Nam cho hay.
Những đứa trẻ, con của những phụ nữ mất tích bí ẩn |
Ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Bảo Nam, cung cấp thêm thông tin: “Bảo Nam là một trong những xã nghèo và trình độ dân trí thấp nhất của huyện Kỳ Sơn. Toàn xã chỉ có 3 người đi xuất khẩu lao động hợp pháp; 6 người đang chuẩn bị xuất khẩu lao động sang các nước Ả Rập; 5 cháu học nghề. Vì trình độ dân trí quá thấp nên việc tiếp cận thông tin khó khăn, công tác tuyên truyền cũng gặp nhiều trở ngại. Điều này dễ trở thành môi trường thuận lợi cho các đối tượng lừa đảo vào đây hoạt động, lôi kéo xuất khẩu lao động trái phép”.
Điều mà nhiều cán bộ xã Bảo Nam không dám khẳng định là có hay không hoạt động buôn bán người diễn ra trên địa bàn. Họ chỉ nghĩ rằng, những vụ mất tích bí ẩn, sau đó gọi điện về từ Trung Quốc thực chất đó là việc các lao động địa phương bị lừa. Cũng có không ít trường hợp sau khi trở về từ Trung Quốc được gọi hỏi. Tuy nhiên, những lao động này chỉ trả lời là tự nguyện đi, không cho biết cách thức xuất khẩu lao động trái phép như thế nào.
Vậy có hay không hoạt động buôn bán người đang diễn ra trên địa bàn xã Bảo Nam và các xã vùng sâu vùng xa của huyện Kỳ Sơn? Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng thế nào. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong kỳ sau của loạt bài này.
Người dân xã Bảo Nam đa phần là đồng bào dân tộc Khơ Mú, có 80% những ông bố, bà mẹ không được học hành gì. Vì vậy, khi lên giao dịch hành chính ở xã, người dân thường chỉ điểm chỉ. Có người, cả đời không biết đến giấy khai sinh hay chứng minh thư là gì. Xã có gần 80% hộ nghèo, không có rừng sản xuất, cuộc sống người dân chỉ biết trông vào lúa rẫy, thu nhập bình quân đầu người chỉ 3 triệu đồng/người/năm. (Ông Ven Văn Khút, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Nam) |