| Hotline: 0983.970.780

Cam Vinh vào vụ thu hoạch, giá cao hơn mọi năm

Thứ Sáu 19/01/2024 , 08:15 (GMT+7)

Do diện tích cam trên địa bàn Nghệ An những năm gần đây giảm mạnh nên năm nay giá cam Vinh cao hơn mọi năm. Các vùng cam chăm sóc tốt cho năng suất cao.

Những ngày này, các vùng cam xã Đoài ở Nghệ An bắt đầu chín vàng. Vụ cam năm nay ở Nghệ An diện tích giảm nhiều, kéo theo sản lượng cam giảm mạnh so với các vụ trước. Nhưng những diện tích cam còn lại vườn nào cũng sai quả, giá bán cao nên người trồng cam rất phấn khởi.

Nhiều vườn cam trĩu quả, được giá

Thủ phủ cam Quỳ Hợp và một số vùng cam lớn ở các huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông, Tân Kỳ… những năm trước là vựa cam lớn của tỉnh Nghệ An nhưng nay đã bị chặt bỏ, diện tích còn lại không nhiều do sâu bệnh phá hoại và chất lượng giống kém. Nhưng, vẫn còn nhiều vườn cam ở các huyện Yên Thành, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc… vẫn trĩu quả, đang vào mùa thu hoạch.

Năm nay, các nhà vườn trồng cam Vinh chăm sóc tốt vẫn cho năng suất khá, giá bán cao. Ảnh: Xuân Hoàng.

Năm nay, các nhà vườn trồng cam Vinh chăm sóc tốt vẫn cho năng suất khá, giá bán cao. Ảnh: Xuân Hoàng.

Đến xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc) - nơi khởi nguồn của giống cam xã Đoài những ngày này, bà con đang vào vụ thu hoạch rộ, quả nào cũng có màu sắc vàng, sáng, rất hấp dẫn.

Vùng cam xã Đoài xã Nghi Diên giá bán bao giờ cũng cao gấp nhiều lần so với cam ở nơi khác. Mặc cho giá cao, nhiều người vẫn muốn mua mà không có đủ hàng bán. Giá bình quân một quả cam ở đây không phải chỉ có năm nay mà năm nào cũng không dưới 70.000 đồng, có lúc lên đến 100.000 đồng/quả, nhất là những quả cam chín muộn vào dịp Tết Nguyên đán.

Sở dĩ cam ở đây nổi tiếng thơm ngon, bán được giá cao bởi dưới lớp đất sâu ở vùng này có rất nhiều vỏ nghêu, sò, ốc, hến, có lẽ xưa kia đây là bãi biển nên cam ở đây rất ngọt, thơm ngon và một nguyên nhân nữa là cam ở đây được trồng từ cành chiết nên giữ nguyên được chất lượng vốn có của giống cam xã Đoài ngày xưa để lại.

Ông Nguyễn Quốc Phong - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghi Diên cho biết, toàn xã hiện có hàng chục hộ trồng cam với tổng diện tích hơn 30ha. Trong đó, xã đã chọn được 10 vườn cam làm điểm xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới. Các vườn này được trồng, chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Với hơn 30ha cam, hàng năm bà con nông dân xã Nghi Diên thu về hàng chục tỉ đồng, đem lại nguồn thu nhập rất ổn định.

Do diện tích cam giảm nên năm nay giá cam Vinh khá cao, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Ảnh: Xuân Hoàng.

Do diện tích cam giảm nên năm nay giá cam Vinh khá cao, thu hoạch tới đâu bán hết tới đó. Ảnh: Xuân Hoàng.

Có một vùng cam cũng khá nổi tiếng thơm ngon, đó là vùng cam Bãi Phủ thuộc huyện Anh Sơn. Hôm chúng tôi đến đây gặp rất nhiều thương lái từ nhiều nơi lên mua cam đưa về các chợ vùng xuôi để tiêu thụ. Cam ở đây được trồng bằng giống cam xã Đoài và hầu hết trồng quanh các núi đá vôi nên rất thơm ngon.

Bà Lê Thị Hương ở xã Đỉnh Sơn, người có thâm niên trồng cam cho biết, gia đình có hơn 2ha cam. Năm nay, vườn cam cây nào cũng tốt, sai quả hơn các năm trước, năng suất dự kiến đạt khoảng 28 - 30 tấn quả/ha. Vơi giá bán tại vườn hiện từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập khoảng 1 tỉ đồng/ha. Nếu để sát Tết Nguyên đán mới bán, giá còn cao hơn nữa.

Theo ông Nguyễn Văn Thái - Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Anh Sơn, hiện toàn huyện có hơn 188ha cam, tập trung chủ yếu ở các xã Đỉnh Sơn, Phúc Sơn, Long Sơn, Khai Sơn, Thọ Sơn…, trong đó gần 161ha đang cho thu hoạch. Hầu hết các trang trại cam ở đây đều phát triển tốt, quả nhiều, quả to, dự kiến năng suất vụ cam này đạt từ 25 - 26 tấn/ha, cao hơn các vụ cam gần đây 4 - 5 tạ/quả/ha.

Đến vùng cam của huyện lúa Yên Thành, thật không ngờ ở vùng đất chuyên thâm canh cây lúa lại có nhiều trang trại cam ở các xã Đồng Thành, Minh Thành, Nam Thành, Tiến Thành, Xuân Thành… với tổng diện tích lên đến 320ha. Vườn cam nào ở Yên Thành năm nay cũng xanh tốt, trĩu quả, đang vào mùa thu hoạch.

Nhiều nhà vườn trồng cam Vinh năm nay có thu nhập cao. Ảnh: Xuân Hoàng.

Nhiều nhà vườn trồng cam Vinh năm nay có thu nhập cao. Ảnh: Xuân Hoàng.

Một trong những xã có diện tích cam nhiều nhất huyện là xã Đồng Thành có tới 131ha. Giống cam xã Đoài ở đây hầu hết được trồng trên đất dưới chân các núi đá vôi, vừa giàu canxi, giàu phốt pho nên rất thơm ngon, nhiều nước, nổi tiếng khắp cả nước.

Chúng tôi đến trang trại cam của ông Trương Văn Biên ở xã Đồng Thành có diện tích 5ha đang vào mùa thu hoạch. Ông Biên dự kiến năng suất cam vụ này có thể đạt khoảng 25 - 26 tấn quả/ha. Do mùa cam năm nay ở Nghệ An diện tích giảm nên giá bán cao hơn các năm trước, thu hoạch đến đâu bán hết đến đó với giá từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg quả tùy loại.

Một tin vui đến với HTX cam Thiên Sơn ở huyện Con Cuông đó là cam của HTX năm nay đã được hãng hàng không Việt Nam Airlines vào khảo sát và ký hợp đồng thu mua để làm món ăn tráng miệng trên các chuyến bay quốc tế từ tháng 12/2023. Đây là cơ hội lớn để quả cam xã Đoài xứ Nghệ vươn xa ra thế giới. Ở Nghệ An, chỉ có trang trại cam Thiên Sơn đã được cấp chứng chỉ nông nghiệp tốt toàn cầu Global Good Agricultural Practices (GlobalGAP). Vì vậy, cam của HTX được phép xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Nỗi lo cam Vinh không rõ nguồn gốc

Từ năm 2017 - 2019, toàn tỉnh Nghệ An có 31 tổ chức, cá nhân trên địa bàn 11 huyện được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý cam Vinh và dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc nên được người tiêu dùng tin tưởng, đánh giá cao. Mặc dù vậy 2 năm nay, một số vùng cam Vinh, nhiều nhất là thủ phủ cam Vinh ở huyện Quỳ Hợp do bị bệnh không thể hồi phục được nên đã phải chặt bỏ quá nhiều, số diện tích còn lại không đáng kể.

Tại huyện Yên Thành hiện nổi lên nhiều vùng cam cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: Văn Trường.

Tại huyện Yên Thành hiện nổi lên nhiều vùng cam cho năng suất cao, mẫu mã đẹp. Ảnh: Văn Trường.

Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và BVTV Nghệ An, tính đến đầu năm 2021, diện tích cam toàn tỉnh có 4.735ha nhưng đến nay chỉ còn lại gần 1.800ha. Số diện tích còn lại tập trung ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn… Đa phần diện tích cam còn lại được chăm sóc tốt nên vườn nào cũng sai quả, quả to, có thể cho năng suất bình quân trên dưới 25 tấn/ha.

Diện tích cam toàn tỉnh giảm gần 3.000ha so với năm 2021 ước đã làm giảm sản lượng từ 65 - 67 ngàn tấn. Thế nhưng, trên thị trường Nghệ An hiện nay đã xuất hiện nhiều loại cam bày bán tràn lan tại các chợ, ki ốt… và đều gắn mác cam Vinh. Việc phân biệt cam Vinh thật hay giả rất khó vì mẫu mã na ná nhau, giá cả cao thấp khác nhau. Trước ma trận của thị trường cam không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng khó biết được đâu là cam Vinh thứ thiệt. Đây không những là nỗi lo của người bán cam có nguồn gốc rõ ràng, mà cả người mua cũng băn khoăn có nên mua hay không.

Cam Vinh chất lượng tốt được thị trường trong và ngoài tỉnh biết tới và luôn bán được giá cao hơn các loại cam khác. Tuy nhiên, do sản lượng cam Vinh hiện giảm mạnh, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn nên nhiều thương lái lợi dụng lúc này đưa cam không rõ nguồn gốc vào trà trộn bán cho khách hàng với giá thấp hơn cam Vinh thật để kiếm lời.

Thiết nghĩ, các nhà vườn, cơ sở sản xuất, HTX trồng cam nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý cam Vinh, nếu đạt tiêu chuẩn theo quy định thì cần dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc trước khi xuất bán ra thị trường để người tiêu dùng tin tưởng và an tâm khi mua. Đồng thời, đây là việc nên làm để bảo vệ thương hiệu sản phẩm lâu dài.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.